Ba vị trí dẫn đầu về lãi ròng cả năm 2019 lần lượt là Vinhomes (HoSE: VHM), Vingroup (HoSE: VIC) và PV Gas (HoSE: GAS).
Trong 10 doanh nghiệp báo lãi lớn nhất, có đến 7 doanh nghiệp có lãi trên 1.000 tỷ đồng, hoạt động kinh doanh trong các ngành nghề như bất động sản, dầu khí, bán lẻ, tiêu dùng,…
Có 7 doanh nghiệp báo lãi tăng so với cùng kỳ, trong khi đó có 3 doanh nghiệp báo lãi giảm nhẹ như PV Gas, Vinamilk (HoSE: VNM), FPT (HoSE: FPT).
Là doanh nghiệp hoạt động mảng bất động, Vinhomes thu về doanh thu thuần trong quý 4/2019 là 14.184 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2018.
Tuy nhiên, lãi trước thuế và lãi ròng lần lượt là 8.645 tỷ đồng và 5.981 tỷ đồng, tăng tương ứng 78% và 132% so với cùng kỳ năm 2018. Vinhomes ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận cao do các dự án ghi nhận trong năm 2019 có tỷ suất lợi nhuận tốt hơn, đồng thời công ty có một năm hoạt động bán buôn thành công.
Lũy kế cả năm 2019, tổng doanh thu thuộc về Vinhomes, bao gồm doanh thu thuần ghi nhận từ các dự án của Vinhomes và doanh thu phát sinh từ các dự án hợp tác với Vingroup là 67.281 tỷ đồng. Trong đó, Vinhomes đạt doanh thu thuần 51.826 tỷ đồng, tăng 34% so với năm 2018, và các dự án hợp tác kinh doanh với Vingroup và các công ty con có doanh thu 15.455 tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế năm 2019 của Vinhomes đạt 29.658 tỷ đồng, tăng 50% so năm 2018. Lãi ròng ghi nhận 21.305 tỷ đồng, tăng 49%.
Vị trí thứ hai trong top những doanh nghiệp báo lãi lớn là Vingroup, theo báo cáo tài chính quý 4/2019, doanh thu thuần trong kỳ đạt 38.176 tỷ đồng, chủ yếu đến từ chuyển nhượng bất động sản (39%), bán lẻ (20%) và hoạt động sản xuất (15%). Lãi ròng trong quý tăng đến 90% so với cùng kỳ ở mức 4.607 tỷ đồng.
Nhờ vậỵ, doanh thu thuần năm 2019 của Vingroup ghi nhận hơn 130.790 tỷ đồng, tăng 7% so năm 2019; lãi ròng đạt hơn 7.500 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi.
Top những doanh nghiệp lãi lớn quý 4/2019. |
PV Gas chễm chệ đứng ở vị trí thứ ba về lợi nhuận trong năm 2019, tuy nhiên PV Gas có lãi quý 4/2019 giảm so cùng kỳ. Cụ thể, Công ty ghi nhận doanh thuần và lãi ròng trong kỳ lần lượt hơn 17.317 tỷ đồng và 3.098 tỷ đồng, giảm 9% và 5% so với quý 4/2018.
Cho cả năm 2019, PV Gas ghi nhận doanh thu gần như đi ngang so năm 2018, ở mức 75.348 tỷ đồng. Tuy nhiên, biên lãi gộp lại sụt giảm, cụ thể, giảm từ mức 23% xuống còn 22,5%.
Nhờ chi phí trong kỳ được tiết giảm đáng kể, chủ yếu ở chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp, PV Gas vẫn báo lãi tăng trưởng 4% cho năm 2019, đạt mức 12.159 tỷ đồng.
Năm 2019, PV Gas đặt chỉ tiệu lãi sau thuế hơn 7.643 tỷ đồng. Với kết quả thực hiện được, Công ty đã vượt gần 60% kế hoạch đặt ra.
Cũng là đại diện trong lĩnh vực bất động sản, Novaland (HoSE: NVL) báo lãi ròng trong quý 4/2019 tăng đến 24%, đạt 2.308 tỷ đồng.
Tuy nhiên phần lớn lãi ròng này được đóng góp từ lãi khác hơn 2.500 tỷ đồng khi Novaland thực hiện việc đánh giá lại các khoản đầu tư vào công ty con, vì Novaland báo lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh đến 144 tỷ đồng.
Trong cả năm 2019, Novaland ghi nhận 10.931 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm đến 29% so với năm 2018. Được biết, doanh thu đến từ việc thực hiện bàn giao 3.468 sản phẩm, chủ yếu đến từ các dự án hiện hữu như The Sun Avenue, Sunrise Riverside, Richstar, Saigon Royal, Newton Residence, Orchard Parkview, ngoài ra còn có dự án mới bắt đầu bàn giao trong năm 2019 như Victoria Village và các dự án khác.
Sau cùng, Công ty báo lãi trước thuế giảm 9% ở mức 4.265 tỷ đồng nhưng lãi ròng lại tăng 6% ở mức 3.426 tỷ đồng. Với kết quả trên, Novaland chỉ mới thực hiện được 60% kế hoạch doanh thu và 90% lợi nhuận trước thuế đã đặt ra cho cả năm 2019.
Lộ diện những công ty báo lãi khủng quý 4/2019 |
Vị trí trong top 5 thuộc về Vinamilk của bà ‘trùm sữa’ Mai Kiều Liên. Là doanh nghiệp giữ thị phần cao nhất trong ngành sữa, Vinamilk thu về 14.239 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 9,5% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, lãi ròng lại giảm 4,3%, từ 2.300 tỷ đồng xuống 2.202 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là chi phí bán hàng và chi phí quản lý tăng cao so với cùng kỳ.
Lũy kế cả năm 2019, Vinamilk đạt 56.300 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 7% so năm 2018, lãi trước thuế tăng 6% lên 12.800 tỷ và lợi nhuận ròng tăng 3,5% lên 10.581 tỷ đồng.
Đáng chú ý, cuối tháng 12/2019, Vinamilk đã chi tổng cộng 1.969 tỷ đồng để nắm giữ 75% cổ phần của GTNFoods, qua đó gián tiếp nắm quyền kiểm soát với Sữa Mộc Châu.
Trên bảng xếp hạng lợi nhuận, 5 vị trí còn lại lần lượt là Hòa Phát (HoSE: HPG), Masan (HoSE: MSN), Vincom Retail (HoSE: VRE), Thế giới Di động (HoSE: MWG) và FPT (HoSE: FPT).
Hoà Phát của “vua thép” Trần Đình Long báo doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng trong quý 4, tuy nhiên cả năm lãi ròng lại báo giảm do kết quả không mấy khả quan của 3 quý trước trong năm 2019.
Năm 2019, Hoà Phát mang về gần 64.678 tỷ đồng tổng doanh thu tăng 14%, thực hiện 92% kế hoạch cả năm. Lãi ròng của Công ty đạt 7.508 tỷ đồng, giảm 12% so năm 2018.
Với Masan, doanh thu thuần trong năm 2019 đạt 37.354 tỷ đồng, giảm 2% so với năm trước nhưng lợi nhuận ròng lại tăng trưởng 13%, đạt 5.558 tỷ đồng. Có thể nói trong năm 2019, Masan khấy động cả thị trường hay những nhà đầu tư khi nhận chuyển nhượng VinCommerce, Vinmart, Vinmart+ của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Bên cạnh đó, ông chủ Masan còn đưa Masan MeatLife lên sàn với định giá cao ngất ngưỡng 80.000 đồng/cp. Đến hiện tại, cổ phiếu MML của Masan MeatLife chỉ còn giao dịch quanh mức 65.800 đồng/cp.
Là đại diện thứ 3 góp mặt trong top doanh nghiệp có lãi trong quý 4 của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Vincom Retail báo doanh thu thuần đạt 2.784 tỷ đồng, lãi ròng đạt 880 tỷ đồng.
Còn trong cả năm, Vincom Retail báo doanh thu thuần hơn 9.259 tỷ đồng, xấp xỉ cùng kỳ năm trước; lãi ròng đạt hơn 2.848 tỷ đồng, tăng 18%.
Hai vị trí còn lại trong top 10 doanh nghiệp có lãi lớn thuộc về 2 doanh nghiệp về bán buôn các sản phẩm điện tử, công nghệ - thông tin.
Thế giới Di động ghi nhận doanh thu trong quý 4/2019 đạt 25.716 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp thu về 5.365 tỷ đồng, tăng 43%.
Khấu trừ các chi phí và thuế, Thế giới Di động thu về lãi ròng trong kỳ đạt 860 tỷ đồng, tăng 2% so với quý 4/2018.
Luỹ kế cả năm 2019, Thế giới Di động ghi nhận doanh thu 103.458 tỷ, tăng 18%; lợi nhuận sau thuế 3.834 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2018.
FPT của ông Trương Gia Bình thì báo lãi quý 4/2019 hơn 757 tỷ đồng, nhưng con số này lại giảm gần 4% so quý 4/2018. Cả năm, FPT có lãi ròng hơn 3.135 tỷ đồng, tăng 20% so năm 2018.
Với chiến lược chuyển đổi số, năm 2020, FPT kỳ vọng sẽ duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận cao của năm 2019, trong đó khối công nghệ là động lực tăng trưởng chính.
Tổng kết cả năm 2019, top 10 doanh nghiệp niêm yết (không kể ngân hàng và các công ty chứng khoán) mang về gần 23.968 tỷ đồng lợi nhuận, trong đó có đến 3 đại diện VHM, VIC và VRE của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.