10 ngày Quốc khánh ảnh hưởng nhất lịch sử, Việt Nam cũng góp mặt
(Kiến Thức) - Nhiều ngày Quốc khánh của các quốc gia trên thế giới gắn liền với sự kiện lịch sử trọng đại, tác động lớn đến tiến trình lịch sử nhân loại, trong đó có Quốc khánh Việt Nam 2/9/1945.
Hoàng Phương
Xem toàn bộ ảnh
Sau thành công của Cách mạng Tháng Tám, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới, lần đầu tiên người dân Việt Nam có quyền ngẩng cao đầu, tự hào mình đã trở thành công dân của một nước tự do và độc lập. Với sự độc lập của Việt Nam, nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đã nhìn thấy con đường mà dân tộc mình có thể lựa chọn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Quốc khánh Liên bang Xô Viết là ngày 7/11/1917, ngày diễn ra cuộc Cách mạng Tháng Mười, đánh dấu sự ra đời của nhà nước Nga Xô Viết do Vladimir Ilyich Lenin và Ðảng Bolshevik lãnh đạo. Đây là một sự kiện trọng đại, đánh dấu sự kết thúc thời kỳ lịch sử thế giới Cận đại để chuyển sang thời kì Hiện đại và mở ra một con đường mới trong lịch sử loài người: con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Quốc khánh Hợp chủng quốc Hoa Kỳ là ngày 4/7/1776, ngày 13 thuộc địa của Anh ở lục địa Bắc Mỹ tuyên bố độc lập khỏi Vương quốc Anh bằng bản tuyên ngôn độc lập của Thomas Jefferson và trở thành Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ (tên gọi đầy đủ của nước Mỹ). Kể từ ngày giành độc lập, nước Mỹ không ngừng củng cố vị thế của mình để trở thành cường quốc số một, tác động to lớn đến rất nhiều mặt khác nhau của lịch sử thế giới.
Quốc khánh Cuba là ngày 1/1/1959, ngày chế độ độc tài thân Mỹ Fulgencio Batista bị lật đổ trước sức mạnh của phong trào cách mạng Cuba do lãnh tụ Fidel Castro khởi xướng từ năm 1953. Bất chấp sự thù địch và phong tỏa trong nhiều thập niên của một siêu cường nằm ngay sát nách là nước Mỹ, đất nước Cuba đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về xã hội, y tế, giáo dục khiến quốc tế phải ngạc nhiên.
Quốc khánh nước Pháp là ngày 14/7/1789, khi những người dân Paris nổi dậy, đánh chiếm nhà tù Bastille, một biểu tượng của quyền lực phong kiến. Đây là sự kiện mở màn của cuộc Cách mạng Pháp, lật đổ chế độ quân chủ và các thể chế liên quan, đánh dấu một sự thay đổi vĩnh viễn trong lịch sử Pháp cũng như thế giới.
Quốc khánh Nam Phi là ngày 27/4/1994, ngày diễn ra Cuộc bầu cử đa sắc tộc đầu tiên ở đất nước đã phải chịu chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid suốt nhiều thập niên. Cuộc bầu cử đã kết thúc với thắng lợi của Đảng cầm quyền Đại hội Dân tộc Phi (ANC) và Chủ tịch đảng này là ông Nelson Mandela trở thành Tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi.
Quốc khánh Ấn Độ là ngày 15/8/1947, ngày thực dân Anh trao trả độc lập cho Ấn Độ. Đây là thành quả của một phong trào đấu tranh sâu rộng của nhân dân Ấn Độ từ đầu thế kỷ 20, trong đó nổi lên vai trò của lãnh tụ Mahatma Gandhi với phương châm đấu tranh bất bạo động. Sự độc lập này cũng gắn liền với việc Pakistan tách khỏi Ấn Độ ngày 14/8/1947 để trở thành một quốc gia riêng, dẫn đến nhiều cuộc chiến tranh về sau này giữa hai nước.
Quốc khánh Trung Quốc là ngày 1/10/1949. Đây là ngày lãnh tụ cách mạng Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên Quảng trường Thiên An Môn sau chiến thắng toàn diện trong Nội chiến Trung Quốc. Ngày nay, Trung Quốc được coi là cường quốc kinh tế số 2 của thế giới, chỉ sau Mỹ.
Quốc khánh Israel là ngày 14/5/1948 (ở Israel, hàng năm ngày này thay đổi theo dương lịch vì nước này sử dụng lịch riêng của mình), ngày nhà nước Israel được tuyên bố thành lập. Đây là thành quả sau hơn 60 năm nỗ lực của các nhà lãnh đạo phái Zion (Chủ nghĩa phục quốc Do Thái) nhằm thiết lập chủ quyền và quyền tự quyết trên một quốc gia riêng của người Do Thái. Sự ra đời của nhà nước Israel đã dẫn đến nhiều cuộc chiến tranh lớn ở khu vực Trung Đông và tình trạng bất ổn còn kéo dài đến ngày nay.
Quốc khánh Algeria là ngày 1/11/1954, ngày Mặt trận giải phóng Dân tộc Algérie (FLN) tuyên bố Algeria là một quốc gia độc lập và bắt đầu một cuộc chiến tranh chống lại sự cai trị của thực dân Pháp. Sau gần một thập kỷ chiến tranh, ngày 5/7/1962, Pháp đã phải công nhận nền độc lập của quốc gia Bắc Phi này. Phong trào đấu tranh của Algeria là nguồn cổ vũ to lớn cho sự độc lập của hàng chục quốc gia châu Phi từ đầu thập niên 1960.