(Kiến Thức) - Hầu hết các loại bệnh phổi do nghề nghiệp gây ra có thể ngăn ngừa được, vì vậy, bạn cần biết những cách để bảo hộ cho mình.
Nguyên Thảo (theo Health)
Xem toàn bộ ảnh
Xây dựng. Công nhân hít bụi khi phá hủy hoặc sửa chữa công trình có nguy cơ bị ung thư phổi, u trung biểu mô, và asbestosis - một căn bệnh khiến phổi bị tổn thương và cứng lại. Mặc đồ bảo hộ, bao gồm mặt nạ hô hấp khi làm việc gần các công trình cũ, và tránh hút thuốc có thể làm giảm nguy cơ.
Làm việc trong nhà máy. Công nhân nhà máy phải tiếp xúc với bụi, hóa chất và các loại khí độc khiến họ có nguy cơ bị COPD (Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính). Trong các nhà máy sản xuất thực phẩm, chất diacetyl có thể gây bệnh tàn phá phổi, đôi khi có thể gây tử vong. Diacetyl là một loại hương liệu được sử dụng trong bắp rang, một số loại rượu vang và thức ăn nhanh. Lời khuyên: hãy đeo khẩu trang lọc khí để giảm thiểu nguy cơ.
Y tế. Ước tính 8-12 % số người làm việc trong lĩnh vực y tế nhạy cảm với dư lượng bột tìm thấy trong găng tay cao su, bột này có thể gây ra phản ứng hen suyễn nặng. Hạn chế tiếp xúc có thể sẽ làm giảm tình trạng này. Tuy nhiên đối với bác sĩ và y tá, bỏ qua việc sử dụng găng tay bảo vệ không phải lúc nào cũng là một lựa chọn tốt.
Dệt may. Byssinosis, còn được gọi là bệnh phổi nâu, rất phổ biến đối với những công nhân dệt may sản xuất nệm ghế, khăn, tất, ga trải giường và quần áo.Công nhân có thể hít phải các hạt bụi từ vải bông hoặc các vật liệu khác. Người lao động nên đeo khẩu trang và cải thiện hệ thống thông gió trong môi trường làm việc.
Pha chế rượu ở quầy bar. Phục vụ đồ uống trong một căn phòng đầy khói thuốc khiến các bartender có nguy cơ cao mắc bệnh phổi, đặc biệt là nếu họ thường xuyên phải hút thuốc thụ động trong nhiều năm. Nếu phải làm việc trong môi trường phải tiếp xúc với khói thuốc ở các quán bar, bạn nên yêu cầu lắp đặt một hệ thống thông gió tốt.
Làm bánh. Nghề này gần như đứng đầu danh sách các công việc gây hen suyễn, với 15% các trường hợp hen suyễn ở người lớn. Phản ứng hen suyễn thường xảy ra với những loại enzyme được sử dụng để thay đổi độ đặc của bột, cũng như các chất gây dị ứng từ các loại côn trùng (như bọ cánh cứng, bướm đêm và mọt) thường được tìm thấy trong bột. Trong trường hợp này, hệ thống thông gió tốt và khẩu trang bảo vệ có thể giúp ngăn ngừa bệnh tật.
Giao thông vận tải. Các tài xế xe tải chuyên bốc dỡ hàng ở bến cảng và công nhân ngành công nghiệp đường sắt có nhiều nguy cơ bị COPD. Khói thải diesel nguyên nhân chính. Theo một nghiên cứu năm 2004, tỷ lệ tử vong ung thư phổi gia tăng ở công nhân đường sắt ở Mỹ sau khi ngành này chuyển sang chạy bằng dầu diesel. Lời khuyên: Tránh xa luồng khí thải động cơ diesel trực tiếp và đeo mặt nạ bảo hộ tránh nguy cơ.
Khai thác mỏ. Thợ mỏ có nguy cơ cao đối mặt với một số bệnh về phổi, gồm cả COPD, do tiếp xúc với bụi. Bụi silica trong không khí, còn được gọi là thạch anh, có thể dẫn đến bụi phổi silic, một căn bệnh làm tổn thương phổi. Thợ mỏ than còn có nguy cơ mắc một loại bệnh gây tổn thương phổi khác được gọi là ho dị ứng (phổi màu đen), do nhiều năm dài tiếp xúc với bụi than. Không hút thuốc và sử dụng mặt nạ lọc bụi có thể cải thiện tình trạng trên.
Ngành công nghiệp ô tô. Những người trong ngành công nghiệp ô tô có khả năng mắc bệnh hen suyễn nghề nghiệp, đặc biệt bộ phận sửa chữa. Những loại sơn tự động phun, chẳng hạn như các sản phẩm isocyanate và polyurethane, có thể gây kích ứng da, gây dị ứng, tức ngực và khó thở nặng. Lời khuyên cho những ai làm trong ngành này là hãy đeo mặt nạ phòng độc, găng tay, kính bảo hộ và lắp đặt hệ thống thông gió tốt.
Lính cứu hoả. Nhân viên cứu hỏa có thể hít phải khói và đủ loại hóa chất từ đám cháy. Dù bình dưỡng khí giúp bảo vệ rất tốt nhưng không phải lúc nào lính cứu hỏa cũng mặc chúng trên người, đặc biệt là khi họ đang lùng sục trong đống tàn tích. Tiếp xúc với các vật liệu độc hại và amiăng cũng gây nguy cơ ngay cả sau khi ngọn lửa đã tắt. Hiệp hội lính cứu hoả quốc tế khuyến cáo nhân viên nên đeo thiết bị bảo vệ đường hô hấp trong tất cả các giai đoạn chữa cháy.