Không chỉ là vụ dư nợ thẻ tín dụng từ 8,5 triệu đồng biến thành 8,8 tỉ đồng tại Ngân hàng Eximbank mà còn hàng ngàn trường hợp người tiêu dùng khác cũng dở khóc dở cười với thẻ tín dụng.
Méo mặt vì thẻ tín dụng
Chị Minh Thư (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết chị sở hữu hai thẻ tín dụng với hai chu kỳ trả nợ khác nhau. Khi mở thẻ tín dụng, chị chỉ được nhân viên ngân hàng tư vấn những thông tin như quyền lợi của khách hàng sử dụng thẻ, được miễn lãi phát hành thẻ năm đầu, được nhắc về chu kỳ miễn lãi… nhưng lại không được cảnh báo về mức phí, lãi phạt khủng khi khoản vay bị chậm trả.
Khi nhận được thông báo trên, chị mới vỡ lẽ mình có dư nợ vài triệu đồng do thẻ tín dụng bị quá hạn 15 ngày. Ngay sau đó, chị tiến hành trả nợ, đóng lãi phạt và hủy một thẻ, chỉ giữ lại một thẻ.
Hủy ngay thẻ không sử dụng
Để không bị dính nợ xấu thẻ tín dụng, anh Nguyễn Tuấn Anh, chủ một doanh nghiệp tại TP.HCM, chia sẻ: Anh hiện có bốn thẻ tín dụng, với doanh nghiệp thì nợ xấu là một đòn trí mạng nên anh rất quan tâm việc trả nợ đúng hạn. Để chắc ăn, anh có thói quen cài đặt thông báo tin nhắn trên điện thoại để nhắc thời điểm trả nợ của từng khoản vay.
“Sau vụ lùm xùm về một khoản vay chỉ có dư nợ hơn 8,5 triệu đồng mà sau 11 năm lên đến hơn 8,8 tỉ đồng, tôi thật sự sốc. Việc đầu tiên sau khi biết thông tin này là tôi kiểm tra lại tất cả thẻ tín dụng mà tôi đang dùng. Thẻ nào ít dùng tôi ra ngân hàng để hủy ngay” - anh Tuấn Anh nói.
“Lúc mở thẻ nhân viên ngân hàng chỉ tư vấn những mặt lợi của thẻ chứ không đề cập đến những rủi ro có thể xảy ra. Không chỉ vậy, ngân hàng nơi tôi phát sinh nợ xấu không thông báo mà thông tin này tôi được biết qua một… nhân viên ngân hàng khác. Điều đó cho thấy nhiều khi nhân viên theo dõi thẻ tín dụng chỉ quan tâm đi mở rộng khách hàng chứ không quan tâm đến việc chăm sóc khách hàng” - chị Thư bức xúc nói.
Trường hợp của anh Nguyễn Tâm (ngụ quận 7, TP.HCM) lại bi hài hơn. Anh mở một thẻ tín dụng, năm 2020 anh được cơ quan cử đi công tác ở nước ngoài và gần một năm sau anh mới trở về Việt Nam. Đến giữa năm 2021, anh đến ngân hàng để làm thủ tục vay vốn mua nhà thì được thông báo có một khoản nợ xấu trên CIC. Sau khi tìm hiểu mới biết khoản nợ xấu này là do anh chưa thanh toán phí thường niên của thẻ tín dụng, hơn 1 triệu đồng.
Rắc rối này khiến vụ vay vốn mua nhà của anh bị đổ bể. Lý do dù khoản nợ xấu đã thanh toán nhưng CIC vẫn treo tên anh ở đó ba năm sau mới xóa, trừ khi phía ngân hàng anh đang có nhu cầu vay vốn hỗ trợ thì quá trình xóa dấu tích nợ xấu có thể diễn ra nhanh hơn.
“Đáng nói là trong suốt quá trình ở nước ngoài, tôi chưa một lần nhận được thông báo qua email, tin nhắn hay cuộc điện thoại nào của nhân viên ngân hàng nhắc nhở về khoản phí thường niên” - anh Tâm bức xúc.
Theo khảo sát của chúng tôi, trên thực tế có rất nhiều trường hợp tương tự chị Thư, anh Tâm.
Nhiều hệ lụy của việc phát triển trước, dọn dẹp sau
PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM (UEH), chuyên gia tài chính ngân hàng, phân tích: Thực ra không chỉ có cộng tác viên - những người không có nền kiến thức vững chắc về thẻ tín dụng dẫn đến không tư vấn cụ thể và đầy đủ cho khách hàng khi mở thẻ tín dụng. Nhiều nhân viên ngân hàng do áp lực chạy chỉ tiêu nên bỏ qua khâu tư vấn hoặc chỉ tư vấn mặt lợi, không tư vấn mặt bất lợi cho khách hàng.
Hơn nữa, nhiều khi nhân viên ngân hàng đưa hợp đồng mở thẻ tín dụng và khách hàng ký chứ không mấy ai ngồi lật từng trang để xem kỹ các điều khoản trong hợp đồng.
Chính vì vậy có rất nhiều thẻ tín dụng chỉ được kích hoạt nhằm đạt đủ điều kiện nhận quà khuyến mãi như valy, bình giữ nhiệt, nón bảo hiểm... nhưng rồi lại cất vào tủ chứ không được sử dụng. Tuy nhiên, khách hàng đâu có biết một khi thẻ đã được kích hoạt thành công thì dù không dùng vẫn bị tính phí thường niên.
“Việc mở rộng thị phần một cách ồ ạt khiến thị trường thẻ tín dụng nói riêng và thẻ thanh toán nói chung đi theo kiểu “phát triển trước, dọn dẹp sau” và đây là hướng phát triển không bền vững. Do đó, các ngân hàng nên chấm dứt việc chạy theo số lượng mà phải tập trung vào chất lượng. Trong đó, khâu tư vấn cho khách hàng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong tất cả dịch vụ tài chính chứ không riêng gì với sản phẩm thẻ tín dụng hay thẻ thanh toán” - PGS-TS Huân nhấn mạnh.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng với những rắc rối như vụ việc gần đây của Ngân hàng Eximbank đã đẩy bức xúc của người dùng lên đỉnh điểm. Tuy vậy, khi không nắm rõ được những rủi ro thì nguy cơ bất cứ người tiêu dùng nào cũng có thể trở thành nạn nhân tiếp theo.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại thừa nhận có một giai đoạn ngân hàng nào cũng tới tấp triển khai các chiến dịch mở rộng thị phần đối với thẻ tín dụng. Việc phát triển quá nóng vừa khiến lãng phí nguồn lực, vừa dẫn tới chất lượng khách hàng thấp hơn tiêu chuẩn. Đây là khiếm khuyết cần phải khắc phục càng sớm càng tốt.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Tùng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Vietcombank, cho biết: Muốn biết mình đang sử dụng những loại thẻ nào (thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng…), bao nhiêu tài khoản… thì khách hàng có thể liên hệ với số tổng đài của ngân hàng đang mở thẻ. Sau đó nhân viên ngân hàng sẽ yêu cầu khai báo các thông tin cá nhân để xác minh giữa người yêu cầu tra soát thông tin thẻ và chủ thẻ có trùng khớp với nhau hay không.
Khi các yêu cầu về việc khai báo thông tin được hoàn tất, khách hàng hoàn toàn có thể biết được số tiền còn dư trong thẻ ATM hoặc những loại thẻ mà khách hàng đang sử dụng tại ngân hàng đó. Nếu không gọi tổng đài, khách hàng có thể đến trực tiếp chi nhánh ngân hàng đó để kiểm tra.