2 nhóm cổ đông Cao su Thống Nhất bất đồng việc thoái vốn Baria Serece

(Vietnamdaily) - Nhóm cổ đông sở hữu hơn 40% vốn CTCP Cao su Thống Nhất (HoSE: TNC) có quan điểm trái chiều liên quan đến việc thoái vốn tại CTCP Dịch vụ XNK Nông lâm sản và phân bón Bà Rịa (Baria Serece).

Ngày 9/11, TNC tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2024 nhằm thông qua bổ sung thêm nội dung vào Đề án cơ cấu lại CTCP Cao su Thống Nhất giai đoạn 2021-2025 theo văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 22/08/2024.

Tại Đại hội, ông Nguyễn Hữu Mạnh Nhường trình bày văn bản số 11904/UBND-VP ngày 22/08/2024 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc ý kiến biểu quyết của Người đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty Cổ phần Cao su Thống Nhất.

Theo đó, cơ quan quản lý muốn TNC tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính và vì vậy sẽ thoái vốn đầu tư tại CTCP Dịch vụ XNK nông lâm sản và phân bón Bà Rịa (Baria Serece), đơn vị đang cung cấp dịch vụ cảng tại khu vực Cái Mép - Thị Vải, nằm ngoài hoạt động cốt lõi của TNC.

2 nhom co dong Cao su Thong Nhat bat dong viec thoai von Baria Serece
 ĐHĐCĐ TNC đã thống nhất thoái vốn Baria Serece

Đối lập ý kiến giữa 2 nhóm cổ đông nắm hơn 40% vốn

Với nội dung này, các cổ đông đã có ý kiến và đưa ra quan điểm trái chiều. Theo ý kiến của bà Dương Thị Kiều Anh cổ đông sở hữu và đại diện hơn 4 triệu cổ phiếu TNC (hơn 20% vốn), phần vốn đang đầu tư vào Baria Serece đang rất hiệu quả, nếu thoái sẽ ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của cổ đông. “Vì vậy, tôi không tán thành việc thoái vốn”, cổ đông này nói, đồng thời cho biết không tán thành việc bổ sung nội dung trên.

“Nếu Nhà nước thấy đầu tư ngoài ngành thì Công ty chúng ta nên bổ sung ngành nghề kinh doanh vào giấy phép đăng ký kinh doanh. Trong trường hợp đại hội biểu quyết thông qua thì ưu tiên cho chúng tôi được mua lại phần vốn”. - bà Kiều Anh cho hay.

Ngược lại, việc thoái vốn vẫn nhận được sự đồng thuận từ đại diện nhóm cổ đông khác - cũng nắm hơn 4,11 triệu cổ phiếu TNC (hơn 20% vốn) - bà Nguyễn Thị Minh Dung làm đại diện. Tuy vậy bà Dung yêu cầu “chia cổ tức toàn bộ đối với thu nhập từ việc thoái vốn nêu trên”.

Sau thảo luận, nội dung trình vẫn được thông qua với tỷ lệ tán thành tới 77,21% cổ phiếu biểu quyết dự họp. 

Theo BCTC quý 3/2024 của TNC, doanh nghiệp này đang ghi nhận khoản đầu tư góp vốn vào Baria Serece với giá gốc là 26,81 tỷ đồng, theo thuyết minh TNC góp 12% vốn điều lệ tại Baria Serece giá trị ban đầu là 1.796.000 USD.

Baria Serece là công ty liên doanh có vốn nước ngoài, ra đời khoảng 30 năm trước. Doanh nghiệp có trụ sở tại thị xã Phú Mỹ, cung cấp dịch vụ khai thác cảng trên sông Thị Vải, được cho là đã sở hữu cảng nước sâu đầu tiên tại Việt Nam thời điểm đó.

Trong 3 năm gần đây, Baria Serece ghi nhận lợi nhuận lớn vài trăm tỷ đồng. Cụ thể, năm 2021 lãi 202 tỷ; năm 2022 lãi 205 tỷ; năm 2023 lãi 191,88 tỷ. 

Từ năm 2022 đến năm 2025, Baria Serece sẽ đầu tư nâng cấp, mở rộng quy mô cảng, với chi phí đầu tư dự kiến 48 triệu USD, được tài trợ bằng nguồn cổ tức giữ lại và vay ngân hàng.

“Cổ tức được chia trong giai đoạn 2022-2025 sẽ giảm 40-60%”, theo báo cáo thường niên 2023 của TNC, nhưng điều quan trọng có lẽ là tiến độ dự án chậm do vướng mắc về thủ tục môi trường và quản lý hành chính, có thể là một trong những lý do dẫn đến quyết định thoái vốn của lãnh đạo tỉnh. 

Đồng Nai lại 'thúc' tiến độ giải ngân đầu tư công

(Vietnamdaily) - Tính đến ngày 24/10, nguồn vốn bố trí cho các công trình, dự án trọng điểm tại Đồng Nai đã được giải ngân là hơn 3.700 tỷ đồng, đạt gần 61% kế hoạch và tăng hơn 13% so với thời điểm tháng 8/2024.

Theo báo Đồng Nai, ngày 12/11, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Tổ trưởng Tổ chỉ đạo các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh Hồ Thanh Sơn; Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức đã chủ trì Hội nghị giao ban các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

Theo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, sau khi đưa 3 dự án đã cơ bản hoàn thành ra khỏi danh sách, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 25 công trình, dự án trọng điểm. Trong đó, có 8 dự án đang triển khai xây dựng.

Về nguồn vốn, tổng nguồn vốn đầu tư công bố trí cho các công trình, dự án trọng điểm năm 2024 là hơn 7.400 tỷ đồng, chiếm hơn 36% tổng nguồn vốn ngân sách năm 2024. Tính đến ngày 24/10, nguồn vốn bố trí cho các công trình, dự án trọng điểm đã được giải ngân là hơn 3.700 tỷ đồng, đạt gần 61% kế hoạch và tăng hơn 13% so với thời điểm tháng 8/2024.

Dong Nai lai 'thuc' tien do giai ngan dau tu cong
 Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Giao ban các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Ảnh: P.Tùng

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết, thời gian còn lại của năm 2024 không còn nhiều. Theo quy định của pháp luật, việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 có thời hạn đến cuối tháng 1/2025. Tuy nhiên, đến cuối năm 2024, các công trình, dự án phải có khối lượng thi công để thực hiện thanh, quyết toán. Để hoàn thành mục tiêu giải ngân nguồn vốn đầu tư công, các đơn vị cần tập trung, nỗ lực tối đa trong thực hiện các nhiệm vụ.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, để tạo sự quyết tâm mạnh mẽ trong việc triển khai thực hiện các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh, đề nghị chủ đầu tư của tất cả các dự án phải lập lại đường găng tiến độ.

“Đường găng tiến độ phải lấy các mốc cuối năm 2024, mốc ngày 30-4-2025 và thời điểm diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh để có quyết tâm mạnh mẽ hơn đối với từng dự án” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị.

Đã nhiều lần thúc tiến độ...

Để thúc đẩy tiến độ các dự án cũng như giải ngân nguồn vốn đầu tư công, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh quyết tâm cao trong chỉ đạo, điều hành, thông qua hàng loạt biện pháp, giải pháp linh hoạt, sáng tạo, đổi mới, gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong lĩnh vực này.

Tháng 8/2024, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Võ Tấn Đức yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng lại “đường găng” giải ngân vốn đầu tư công của đơn vị mình theo từng tuần, sát sao rà soát, theo dõi, kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh.

Các nhà thầu, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ dự án như “thi công 3 ca 4 kíp”, “làm việc xuyên ngày nghỉ, ngày lễ”. Quan điểm của tỉnh là kiên quyết xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, thiếu trách nhiệm, làm chậm tiến độ giao vốn, điều chỉnh vốn, thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công.

Trước đó, theo Sở Kế hoạch và đầu tư, tính đến cuối tháng 7/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh mới đạt hơn 28% kế hoạch. Với tỷ lệ này, Đồng Nai là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn thấp của cả nước. Đáng nói hơn, nhiều dự án trọng điểm, được bố trí nguồn vốn lớn trong năm 2024 nhưng tiến độ giải ngân nguồn vốn đang rất chậm.

Theo đánh giá, công tác giải ngân vốn tại các công trình trọng điểm đạt thấp nguyên nhân chủ yếu vẫn do chưa thực hiện phần bồi thường, giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, nguồn vốn bố trí cho công tác bồi thường rất lớn. Chậm giải phóng mặt bằng cũng làm ảnh hưởng đến công tác thi công tại các dự án.

Rạng Đông Holding 'hứa' sẽ sớm công bố báo cáo quý 3

(Vietnamdaily) - Rạng Đông Holding vừa có văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) để giải trình về việc chậm nộp BCTC quý 3/2024.

Theo đó RDP giải trình tình hình công ty hiện đang gặp khó khăn về nhân sự, đặc biệt là nhân sự kế toán nghỉ việc nhiều. Do vậy Công ty không hoàn thành nộp Báo cáo tài chính quý 3/2024 đúng thời hạn theo quy định pháp luật.

Đồng thời Rạng Đông Holding cam kết sẽ cố gắng tập trung hoàn thành Báo cáo tài chính quý 3/2024 và công bố trong thời gian sớm nhất.