2.000 tượng trong mộ Tần Thủy Hoàng: Vì sao không hề giống nhau?
Trong lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng có tới hơn 2.000 bức tượng bằng gốm ở hố số 1, nhưng điều đáng nói là không tượng nào có khuôn mặt trùng với tượng nào.
Thùy Dung (T.H)
Xem toàn bộ ảnh
Đội quân đất nung là một phần của quần thể lăng mộ hoàng gia cổ đại lớn nhất thế giới, lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Khoảng 8.000 bức tượng với kích cỡ bằng người thật đã được phát hiện.
Đội quân đất nung được phát hiện ngày 29/3/1974 gần thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, tây bắc Trung Quốc. Đây là Di sản Thế giới đã được UNESCO công nhận.
Các bức tượng trong đội quân đất nung có chiều cao từ 175 - 190 cm. Mỗi bức tượng đều khác nhau về cử chỉ và nét mặt, một số bức tượng thậm chí còn có màu sắc khác biệt.
Bên cạnh đó, những tượng đất đứng trong lăng mộ đều có tư thế tay cầm vũ khí hướng về phía trước. Một số tượng khác ở tư thế nửa quỳ, hai bên tay còn ôm vũ khí ở quanh eo.
Các nhà nghiên cứu tại Bảo tàng lăng Tần Thủy Hoàng đã tiến hành khám nghiệm và xác nhận rằng, mỗi bức tượng đất đều được trang bị vũ khí, thậm chí còn có nhiều loại binh khí khác nhau.
Người Trung Quốc có câu rằng: “Nếu không phải là nghìn tượng nghìn mặt thì sẽ là nghìn tượng chín trăm mặt”. Điều này chứng tỏ, các chiến binh đất nung trong lăng mộ của Tần Thủy Hoàng được chạm khắc hoàn toàn riêng biệt, mỗi tượng sẽ có một gương mặt khác nhau, không tượng nào trùng với tượng nào.
Các chuyên gia khẳng định, việc làm ra hàng nghìn bức tượng đất nung mà không sử dụng một vài khuôn chung là điều dường như không thể thực hiện được. Vậy, những bức tượng trong lăng mộ của Tần Thủy Hoàng đã được tạo ra như thế nào? Chúng có thật sự được chạm khắc theo khuôn mặt của người thật?
Thực tế, cách làm của nhà Tần vô cùng đơn giản. Phần đầu và phần thân của những bức tượng này được làm riêng, sau đó mới được ghép nối với nhau. Chưa kể, họ còn sử dụng khuôn khi điêu khắc đầu tượng để nâng cao hiệu quả và thống nhất quy cách.
Tuy nhiên, họ không sử dụng 1 khuôn mà là 10 loại khuôn, mỗi loại khuôn sẽ tượng trưng cho một kiểu khuôn mặt khác nhau. Sau khi phần thô của đầu tượng được tạo khuôn, người thợ sẽ thoa một lớp bùn mịn lên trên.
Sau đó, những người thợ sẽ bắt đầu tự do chạm khắc những đường nét trên khuôn mặt. Vì thế, những khuôn mặt của các bức tượng trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng không trùng hợp hoàn toàn. Cũng nhờ vậy, việc tạo ra đội quân binh mã với cả nghìn khuôn mặt không phải là điều không quá khó khăn.
Theo đó, các thợ thủ công thời Tần phải khắc tên của mình lên sản phẩm để dễ dàng quản lý và kiểm tra chất lượng. Đến thời điểm hiện tại, các nhà khảo cổ đã tìm thấy hơn 80 cái tên trên các chiến binh nhà Tần, còn lại hầu hết đều được giấu kín.
Điều này không đồng nghĩa với việc chỉ có 80 người thợ thủ công được tham gia thực hiện công việc này. Nhiều học giả cho biết, mỗi chiến binh đất nung sẽ được hoàn thành bởi một nhóm làm việc gồm ít nhất 10 người. Bên cạnh đó, chu kỳ sản xuất sẽ không dưới 2 tháng.