Sacombank chịu trách nhiệm gì?
Mới đây, nhiều người dân, khách hàng đã tập trung tại Phòng Giao dịch Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) Cam Ranh để tố cáo 3 cán bộ phòng giao dịch lợi dụng tín nhiệm của Sacombank có hoạt động vay và vỡ nợ. Những người dân, khách hàng cho rằng Sacombank phải có trách nhiệm trong việc cán bộ của ngân hàng (NH) lấy uy tín từ ngân hàng vay tiền.
Thời gian qua, không ít cán bộ ngân hàng Sacombank đã lợi dụng vị trí công tác để thực hiện các hành vi vi phạm. Ngày 7/6/2022, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã xét xử Vũ Việt Cường (SN1992, trú tại Hải Yên, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) là chuyên viên Sacombank - Phòng giao dịch Móng Cái. Lợi dụng chức vụ chuyên viên NH, Cường đã lập khống hồ sơ giải ngân vay vốn 04 hợp đồng của khách hàng, giả mạo chữ ký, chữ viết của khách hàng trên các giấy nhận nợ để chiếm đoạt tổng số tiền 4.550.000.000 đồng.
Trước đó, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) công an TP Hồ Chí Minh cũng đã chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố Lê Thái Phong (ngụ tỉnh Vĩnh Long, tạm trú quận Bình Thạnh TP Hồ Chí Minh). Phong là nhân viên của ngân hàng Sacombank - Chi nhánh Điện Biên Phủ đã tiến hành làm giả chứng từ, chữ ký và ăn cắp mật khẩu của giao dịch viên, thủ quỹ để chiếm đoạt 3 tỷ đồng. Công an TP HCM cũng từng ra quyết định truy nã Nguyễn Hoàng Ngân (37 tuổi, Trưởng phòng giao dịch Bình Chánh chi nhánh Chợ Lớn - Ngân hàng Sacombank) về tội lợi dụng sơ hở của khách hàng đến vay tiền, làm khống các giấy tờ, chiếm đoạt của khách hàng hơn 4 tỷ đồng.
Tháng 7/2020, Phòng cảnh sát kinh tế Công an Phú Thọ cũng bắt 3 cán bộ Sacombank tham gia đường dây mua bán hóa đơn. 3 cán bộ này đã cấu kết với nhóm mua bán hóa đơn, làm thủ tục thanh toán khống trên hệ thống ngân hàng Sacombank từ 2018 đến 2019 với doanh số gần 2.000 tỷ đồng, thu lợi bất chính khoảng 60 tỷ đồng.
Luật sư Nguyễn Thanh Sơn (Phó Viện trưởng Viện quản trị sáng tạo IIM) cho rằng, những hành vi phạm tội của một số cán bộ ngân hàng Sacombank nói riêng và cán bộ NH nói chung thời gian qua đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, không chỉ làm thiệt hại về tài sản mà còn ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, hoạt động của hệ thống tài chính, NH và an ninh tiền tệ. Những hành vi này có thể làm gia tăng các rủi ro, ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống NH, có thể đẩy NH vào tình trạng mất khả năng thanh khoản, đóng băng tín dụng, thậm chí tác động trực tiếp đến an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia, làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội.
Theo ông Sơn, nguyên nhân chính là do các NH buông lỏng quản trị nhân sự, thiếu các quy chế về đạo đức nhân viên. Nhiều vụ nhân viên NH lừa đảo trắng trợn nhưng NH luôn chối bỏ trách nhiệm. Hành lang pháp lý của Việt Nam cũng chưa nghiêm minh như nước ngoài nên các NH gần như đứng ngoài mọi trách nhiệm. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Viện kiểm soát cần có các chế tài nghiêm khắc với các NH đã để tránh xảy ra tình trạng lừa đảo, mất uy tín của hệ thống tài chính. Pháp luật phải nghiêm, NH tuyển dụng nhân viên phải chặt chẽ, quy chế đạo đức cán bộ phải chú trọng thì số vụ vi phạm mới được hạn chế.
Phòng giao dịch Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) Cam Ranh bị người dân vây kín - ảnh cắt từ clip người dân. |
Người dân cần nâng cao cảnh giác
Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Khánh Hòa cho biết, đã chỉ đạo Sacombank Khánh Hòa kiểm tra, rà soát hoạt động. Nếu cán bộ ngân hàng Sacombank dùng tín nhiệm của ngân hàng, chiếm dụng tiền của khách hàng liên quan đến ngân hàng thì Sacombank phải có trách nhiệm hoàn trả. Các khoản vay nào thuộc về thỏa thuận dân sự, có dấu hiệu hình sự, chiếm đoạt tài sản, chuyển hồ sơ cho cơ quan cảnh sát điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Theo lãnh đạo NHNN chi nhánh Khánh Hòa, hiện số tiền 3 cán bộ này vay của các khách hàng vẫn đang được Sacombank và cơ quan công an rà soát, làm rõ nên chưa thống kê đầy đủ.
Trước đó, đại diện lãnh đạo Sacombank Khánh Hoà cũng cho biết, ngân hàng này đã gửi đơn đề nghị Công an tỉnh Khánh Hoà khởi tố 03 cán bộ nói trên bao gồm 1 trưởng phòng và 2 phó phòng của Sacombank Cam Ranh theo Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015. Đồng thời đã chuyển toàn bộ hồ sơ cho cơ quan công an điều tra theo thẩm quyền.
Thông tin ban đầu, 3 cán bộ của Sacombank Cam Ranh trong quá trình công tác đã lợi dụng tín nhiệm ngân hàng (NH) vay vốn hàng trăm khách hàng và người dân. Sự việc vỡ lở khi những cán bộ ngân hàng này không có khả năng chi trả, khách hàng gửi đơn thư tố cáo. Tổng số tiền 3 cán bộ nói trên vay của hàng chục cá nhân và khách hàng lên tới hơn 100 tỉ đồng.
Luật sư Nguyễn Thanh Sơn khuyến cáo, gian gần đây, nhiều cán bộ ngân hàng đã lợi dụng chức vụ, tín nhiệm để thực hiện nhiều hành vi tội phạm. Các hành vi vi phạm tiêu biểu như: Lập khống chứng từ để chiếm đoạt tiền gửi tiết kiệm của khách hàng tại NH; Cho khách hàng ký trước chứng từ khi làm thủ tục vay vốn; Giả mạo chữ ký của khách hàng vay vốn để chiếm đoạt tiền; Sử dụng thông tin của khách hàng để chiếm đoạt tiền của NH; Thành lập công ty “ma” để lập hồ sơ vay vốn, thanh toán trả tiền mua hàng hóa rồi chiếm đoạt tiền của NH... Người dân cần cẩn trọng, cảnh giác trước sự lôi kéo tham gia vào hành vi phạm tội của các cán bộ NH.
Theo Luật sư Nguyễn Tuấn Long (Đoàn Luật sư TP HCM), nếu 03 cán bộ Sacombank dùng tư cách cá nhân để vay vốn khách hàng dưới dạng dân sự thì các cá nhân này phải chịu truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 175 Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Phía ngân hàng có trách nhiệm làm việc với khách hàng để phối hợp giải quyết vụ việc, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Tuỳ vào số tiền chiếm đoạt mà khung hình phạt cao nhất có thể lên đến 20 năm tù. Trường hợp 3 cán bộ dùng chức vụ và uy tín của Sacombank để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của khách hàng, có các chứng từ liên quan đến NH thì Sacombank phải chịu trách nhiệm bồi thường cho khách hàng.