3 gói thầu tập trung thuốc quốc gia trị giá 8.890 tỷ đồng

Trung tâm Mua sắm Tập trung Thuốc Quốc gia đã tổ chức mở hồ sơ đề xuất tài chính 3 gói thầu tập trung thuốc quốc gia. Tổng giá các gói thầu là 8.890 tỷ đồng.

Bộ Y tế vừa cho biết, để tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc men, vật tư y tế, 3 gói thầu này sẽ tập trung cung ứng thuốc quốc gia giai đoạn 2022 - 2023 với khoảng 528 sản phẩm thuốc.

Theo ông Lê Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Mua sắm Tập trung Thuốc Quốc gia, gói thầu số 1 cung cấp thuốc cho các tỉnh miền Bắc giai đoạn 2022 - 2023 gồm 46 nhà thầu có sản phẩm đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và tiếp tục được mở Hồ sơ đề xuất tài chính.

3 goi thau tap trung thuoc quoc gia tri gia 8.890 ty dong
Sau 2 năm chống dịch Covid-19, nhu cầu người dân đi khám, chữa bệnh quay trở lại, vì vậy số lượng thuốc gia tăng, thậm chí có thuốc có đơn vị mua với số lượng gấp đôi (200%). Ảnh minh họa 

Gói thầu số 2 cung cấp thuốc cho các tỉnh miền Trung và khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2022-2023 gồm 45 nhà thầu có sản phẩm đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và tiếp tục được mở Hồ sơ đề xuất tài chính.

Gói thầu số 3 cung cấp thuốc cho các tỉnh miền Nam giai đoạn 2022-2023, gồm 45 nhà thầu.

Dự kiến, trong tháng 7/2022, Trung tâm sẽ công bố kết quả lựa chọn nhà thầu.

Đợt đấu thầu tập trung thuốc cấp quốc gia năm nay tăng về số lượng thuốc và giá thuốc ở tất cả các vùng miền. Sau 2 năm chống dịch Covid-19, nhu cầu người dân đi khám, chữa bệnh quay trở lại, vì vậy số lượng thuốc gia tăng, thậm chí có thuốc có đơn vị mua với số lượng gấp đôi (200%).

Số lượng thuốc này nếu so với năm 2020 và 2021 (trong giai đoạn dịch Covid-19) lớn hơn rất nhiều, nhưng so với năm 2018 chỉ là tương đương, không có biến động.

Trước đó, để đảm bảo đủ thuốc trong khi Trung tâm chưa công bố kết quả lựa chọn nhà thầu, ngày 24/11/2021, Trung tâm có văn bản số 580/TTMS-NVD đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố, cơ quan y tế các bộ, ngành hướng dẫn cơ sở y tế trực thuộc và đề nghị các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế có trách nhiệm chủ động mua sắm theo Điều 18 Thông tư 15/2019/TT-BYT.

Tiếp theo đó, ngày 28/04/2022, Trung tâm tiếp tục có văn bản số 204/TTMS-NVD nhắc lại nội dung của văn bản số 580/TTMS-NVD nêu trên.

Theo đó, các đơn vị chủ động mua thuốc đối với danh mục thuốc cấp quốc gia với thời gian sử dụng thuốc không quá 12 tháng.

Như vậy, có thể phải đến tháng 11/2022 hoặc sau thời gian đó, việc thiếu thuốc tại các cơ sở y tế có thể bị ảnh hưởng từ kết quả đấu thấu thuốc quốc gia.

Các thuốc trong danh mục thuốc đấu thầu cấp quốc gia là những thuốc có chi phí lớn và thuốc có số lượng sử dụng nhiều (như thuốc kháng sinh, thuốc tim mạch, thuốc điều trị tiểu đường, thuốc điều trị ung thư…), nhằm phát huy tối đa hiệu quả của công tác đấu thầu tập trung và đưa giá thuốc về mức hợp lý...

Về công tác đấu thầu mua sắm thuốc, ông Lê Thanh Dũng cho biết, Trung tâm Mua sắm Tập trung Thuốc Quốc gia cũng đã gửi thư đàm phán giá lần 1 với 62 thuốc biệt dược, thuốc gốc có giá trị sử dụng lớn.

Liên quan đến việc bảo đảm cung ứng thuốc, vật tư y tế, mới đây Bộ Y tế có văn bản đề nghị các địa phương, đơn vị chủ động tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hoá, dịch vụ, xử lý tình huống theo thẩm quyền, tuân thủ đúng quy định và các văn bản hướng dẫn hiện hành về công tác đấu thầu.

Thủ trưởng các Đơn vị chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế phục vụ cho công tác khám bệnh, chữa bệnh và phòng chống bệnh dịch.

>>> Mời độc giả xem thêm video Thanh Hóa: Bắt trùm giang hồ bảo kê hoạt động đấu thầu:

(Nguồn: THĐT)

Sai phạm mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế: Trách nhiệm bà Nguyễn Thị Kim Tiến?

Nhiều sai phạm mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, đấu thầu thuốc chữa bệnh, TTCP nêu rõ trách nhiệm thuộc lãnh đạo Bộ Y tế giai đoạn 2014-2018.

Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra việc sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị y tế, đấu thầu thuốc chữa bệnh giai đoạn 2014-2018 tại Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và 7 bệnh viện.
Kết luận chỉ rõ nhiều sai phạm khuyết điểm trong các lĩnh vực công tác nêu trên như quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế còn nhiều bất cập, còn hiện tượng đầu tư trang thiết bị y tế dàn trải, công tác quản lý trang thiết bị y tế một số nơi còn nhiều hạn chế, công tác đấu thầu mua sắm thiếu chặt chẽ, khách quan, còn sai phạm; chưa sử dụng hết hiệu quả công suất thiết bị, lạm dụng kỹ thuật trong chẩn đoán và điều trị....

Thanh tra Chính phủ vạch sai phạm, yếu kém trong quản lý tại Bộ Y tế

Kết luận Thanh tra Chính phủ (TTCP) chỉ ra loạt yếu kém, sai phạm xảy ra tại Bộ Y tế.

Buông lỏng quản lý, không công khai kết quả trúng thầu

Tin mới