Liên quan tới vụ ngộ độc tập thể tại Trường iSchool Nha Trang gần đây, tối 21/11, Sở Y tế Khánh Hòa cho biết kết quả phân lập nuôi cấy mẫu phân ghi nhận, tác nhân khiến hàng trăm học sinh ngộ độc là vi khuẩn Salmonella.
Sau đây là 5 câu hỏi lớn về vi khuẩn Salmonella nguy hiểm:
1. Vi khuẩn Salmonella là gì?
Salmonella là một loại vi khuẩn hình que, gây nhiễm trùng đường tiêu hóa ở người và động vật. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Mỹ (CDC), ước tính vi khuẩn Salmonella gây ra khoảng 1,35 triệu ca nhiễm trùng, 26.500 ca nhập viện và 420 ca tử vong ở Mỹ mỗi năm.
2. Vi khuẩn Salmonella có trong loại thực phẩm nào?
CDC cho biết thêm, bạn có thể bị nhiễm khuẩn Salmonella từ nhiều loại thực phẩm bao gồm thịt bò, thịt lợn, gia cầm, trứng, trái cây, rau mầm.., thậm chí cả thực phẩm chế biến sẵn, chẳng hạn như bơ hạt, bánh nướng đông lạnh.
Trong đó, thịt gà được cho là thực phẩm dễ chứa Salmonella hơn. Con người có thể bị nhiễm khuẩn từ thịt gà chưa được nấu chín kỹ, hoặc có thể bị bệnh nếu nước rã đông thịt gà rò rỉ trong tủ lạnh, sau đó dính lên những gì chúng ta ăn sống.
Tuy nhiên, thực phẩm không phải là con đường duy nhất mà Salmonella lây sang người. Vi khuẩn cũng lây lan qua nước bị ô nhiễm, môi trường, người khác và động vật.
Nhiễm khuẩn Salmonella phổ biến hơn trong các tháng mùa hè (tháng 6, 7 và 8) so với mùa đông.
Ảnh: Wikipedia. |
3. Triệu chứng bệnh nhiễm khuẩn Salmonella?
Người bệnh thường có các triệu chứng như tiêu chảy (phân có thể lẫn máu), đau bụng, sốt, buôn nôn hoặc nôn, ớn lạnh, đau đầu. Các triệu chứng thường xuất hiện trong vòng 3 ngày sau khi phơi nhiễm với vi khuẩn Salmonella.
Một số người bị nhiễm khuẩn mà không có bất kỳ triệu chứng nào nhưng họ vẫn có thể lây bệnh cho người khác.
Một số đối tượng có nhiều khả năng bị nhiễm khuẩn Salmonella nghiêm trọng hơn, bao gồm trẻ em dưới 5 tuổi, người lớn từ 65 tuổi trở lên và những người có hệ thống miễn dịch bị suy yếu do một số tình trạng bệnh lý (chẳng hạn như bệnh đái tháo đường, HIV/AIDS, bệnh gan hoặc thận và ung thư,...).
Hầu hết mọi người nhiễm khuẩn Salmonella hồi phục trong vòng 4 đến 7 ngày mà không cần điều trị bằng kháng sinh. Tuy nhiên, một số người bị tiêu chảy nặng có thể phải nhập viện hoặc dùng thuốc kháng sinh. Trong một số trường hợp, bệnh nhân vẫn có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
4. Biến chứng nguy hiểm của bệnh nhiễm khuẩn Salmonella?
Mất nước: Tiêu chảy kéo dài do nhiễm khuẩn Salmonella có thể dẫn đến mất nước. Khi cơ thể rơi vào tình trạng mất nước nghiêm trọng, người bệnh có thể phải nhập viện.
Nhiễm trùng xâm lấn: Đôi khi vi khuẩn Salmonella có thể ra khỏi đường tiêu hóa và xâm nhập vào bộ phận khác của cơ thể, gây ra nhiễm trùng nghiêm trọng hoặc đe dọa tính mạng.
Nhiễm trùng xâm lấn do Salmonella có thể bao gồm: Nhiễm trùng huyết, xảy ra khi vi khuẩn Salmonella xâm nhập vào máu và có thể dẫn đến sốc nhiễm trùng; viêm màng não; viêm nội tâm mạc; viêm tủy xương và viêm khớp.
Viêm khớp phản ứng: Còn được gọi là hội chứng Reiter. Những người bị viêm khớp phản ứng thường sưng đau khớp, cũng có thể bị tiểu buốt và cay mắt.
5. Phòng ngừa nhiễm khuẩn Salmonella thế nào?
Rửa tay bằng xà phòng và nước ấm: Đảm bảo thực hiện việc này trước và sau khi xử lý thực phẩm cũng như trước khi ăn.
Rửa thật sạch rau và trái cây trước khi ăn.
Nấu chín thức ăn ở nhiệt độ thích hợp: Để tiêu diệt vi khuẩn Salmonella, thực phẩm cần phải được nấu chín ở nhiệt độ tối thiểu là 71 độ C trong ít nhất 10 phút.
Tránh lây nhiễm chéo: Luôn để thực phẩm sống có thể bị nhiễm vi khuẩn Salmonella riêng biệt với các thực phẩm ăn liền khác trong tủ lạnh và trong khi chế biến thực phẩm.
Đừng để thức ăn bên ngoài: Nếu bạn không sử dụng, hãy nhớ đặt thực phẩm trong tủ lạnh để ngăn vi khuẩn sinh sôi. Ngoài ra, hãy rã đông thực phẩm đông lạnh trong tủ lạnh hoặc trong nước lạnh và không để trên mặt bếp.
Mời độc giả xem thêm video: 82 người tại Phú Yên ngộ độc thực phẩm (Nguồn video: THĐT)