Chúng ta sử dụng bàn phím máy tính hàng ngày nhưng có lẽ những thông tin sau đây liên quan đến thiết bị này chưa chắc ai cũng biết.
Theo PCWorld
Xem toàn bộ ảnh
QWERTY là kiểu sắp xếp bàn phím tệ nhất. QWERTY là kiểu bố cục bàn phím tiếng Anh phổ biến nhất trên máy đánh chữ và bàn phím máy tính. Tên của bàn phím này xuất phát từ 6 ký tự đầu tiên nhìn thấy trên hàng phím chữ thứ nhất của bàn phím. Tuy nhiên, theo nghiên cứu thì QWERTY chưa phải là kiểu bố cục bàn phím tối ưu nhất, hay thậm chí còn được cho là kiểu tệ nhất vì đòi hỏi người dùng phải hoạt động ngón tay nhiều hơn khoảng 50% so với bàn phím Dvorak và 80% so với bàn phím Colemak.
Khi gõ phím, các ngón tay di chuyển khoảng 1,6km mỗi 10.000 từ. Nguồn gốc thực sự của chuẩn bàn phím QWERTY phổ biến mà chúng ta sử dụng hiện nay được hình thành theo thời gian, khi các nhà khai thác điện báo từ hơn 150 năm trước sử dụng máy đánh chữ để dịch mã Morse. Bởi yêu cầu công việc này đòi hỏi người dịch mã phải ghi lại đoạn dịch thật nhanh nên cách bố trí các phím chữ luôn được cải tiến để phím không bị kẹt vì gõ quá nhanh mà vẫn đạt được tốc độ yêu cầu. Theo nghiên cứu, khi sử dụng các kỹ năng gõ phím thông thường trên bàn phím chuẩn QWERTY thì các ngón tay của bạn sẽ di chuyển khoảng 1,6km sau khi gõ mỗi 10.000 từ.
Bàn phím non-Latin cũng có nhiều kiểu sắp xếp khác nhau. Một số kiểu bố trí bàn phím theo bảng chữ cái phi Latin (non-Latin), chẳng hạn như chữ Hy Lạp, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,… cũng đều dựa trên cách bố trí của bàn phím QWERTY. Trong đó, các ký hiệu chữ cái được gán với khoảng cách tốt nhất có thể để tạo sự tiện lợi cho người dùng khi gõ các từ trong ngôn ngữ của họ. Điều này giúp tiết kiệm thời gian làm quen gõ phím cho những người đã quen thuộc với bàn phím QWERTY. Tuy nhiên, những bàn phím này cũng có nhiều cách bố trí khá nhau, chẳng hạn như người dùng Hàn Quốc có thể chọn kiểu Dubeolsik hay Sebeolsik, hoặc người dùng tiếng Ả-rập có thể chọn bàn phím theo máy tính Windows hay máy Mac.
Bàn phím bẩn hơn 5 lần so với bồn cầu. Cách đây không lâu, Tổ chức tiêu dùng Which? tại Anh đã tiến hành khảo sát và nhận thấy bàn phím máy tính được coi là mối nguy hiểm cho sức khỏe và chứa lượng vi khuẩn nhiều gấp 5 lần so với bồn cầu ngồi trong toilet tại công sở. Một số vi khuẩn bám trên đó có thể gây ra chứng ngộ độc thực phẩm. Ngoài ra, việc dùng chung bàn phím cũng góp phần lây lan bệnh tật giữa những người làm việc trong văn phòng. Tổ chức Which? cho biết, một trong những lý do bàn phím trở nên bẩn thỉu là bởi người dùng thường ăn trưa tại bàn làm việc của mình và những mẩu vụn thức ăn đã kích thích vi khuẩn sinh sôi nảy nở. Việc không rửa tay sau khi đi vệ sinh cũng góp phần làm bàn phím thêm bẩn. Các chuyên gia khuyên rằng mọi người nên thường xuyên lau chùi và loại bỏ bụi bẩn khỏi bàn phím, hoặc có thể khử trùng bằng khăn mềm thấm cồn.
Hacker có thể theo dõi mọi hoạt động gõ phím của người dùng. Keylogger, hay còn gọi là "trình theo dõi thao tác bàn phím", là một chương trình máy tính ban đầu được viết nhằm mục đích ghi lại mọi thao tác thực hiện trên bàn phím vào một tập tin nhật ký (log). Tuy nhiên, vì có chức năng dễ bị lợi dụng để vi phạm sự riêng tư của người khác nên keylogger được xếp vào nhóm các phần mềm gián điệp. Hiện nay, keylogger là một mối đe dọa thực sự đối với an toàn dữ liệu và tin tặc có thể lợi dụng cài đặt các chương trình này vào máy tính người khác để theo dõi, sau đó ăn cắp dữ liệu. Nếu bị nhiễm keylogger, mỗi thao tác gõ bàn phím mà bạn thực hiện sẽ bị kẻ xấu thu thập, đó có thể là số tài khoản ngân hàng, số thẻ tín dụng hay mật khẩu những tài khoản cá nhân quan trọng.