1. Đinh Thị Vân - Người vẽ bản đồ phòng ngự Nam vĩ tuyến 17
Đinh Thị Vân là 1 trong những người có công rất lớn trong việc phát triển hệ thống tình báo của Việt Nam.
Lưới tình báo do bà xây dựng đã cung cấp cho quân ta nhiều tin tức có giá trị góp phần vào chiến công chung của ngành tình báo, mặc dù bà chưa một ngày học qua nghiệp vụ điệp viên. Một trong những thành tích đáng kể là điều tra tỉ mỉ hệ thống phòng ngự của quân đội Sài Gòn ở Nam vĩ tuyến 17 trong giai đoạn 1959 - 1960.
Thời điểm này, ta bắt đầu mở đường Trường Sơn vào Nam, rất cần những thông tin về sự bố phòng của quân đội Sài Gòn ở nam vĩ tuyến 17. Ngoài ra, còn cần tìm hiểu xem đối phương đã biết những gì về việc quân ta xuất hiện ở Hạ Lào. Nhiệm vụ đó được cấp trên giao cho Đinh Thị Vân.
Ngoài vụ trên, Đinh Thị Vân cùng với mạng lưới của mình còn lập nhiều chiến công khác. Chẳng hạn thông tin kịp thời về việc Mỹ sẽ đổ quân vào Nam Việt Nam sau khi chiến lược chiến tranh đặc biệt thất bại hay biết trước được kế hoạch của cuộc hành quân Junction City (Gian-Xơn-Xi-Ty) giúp quân ta chủ động đối phó làm thất bại âm mưu của chúng.
Không kể đến bà còn là người đã dẫn dắt nhiều thế hệ tình báo cũng như lực lượng không quân Việt Nam.
2. Phạm Xuân Ẩn - "Ký giả số 1 Việt Nam"
Phạm Xuân Ẩn ( 1927- 2006 ) tham gia hoạt động cách mạng từ đầu thập niên 1950.
Năm 1953, ông được kết nạp Đảng và được giao nhiệm vụ hoạt động điệp báo. Nhằm tạo vỏ bọc tốt hơn để có thể thâm nhập sâu hơn vào giới chức chính quyền và quân đội Sài Gòn, năm 1957, ông được cấp trên bố trí sang Mỹ học ngành báo chí.
Năm 1959, Phạm Xuân Ẩn về nước, làm việc cho hãng tin Reuters và sau đó là tạp chí Time, New York Herald Tribune của Mỹ. Với kiến thức uyên bác, hiểu biết rộng, cương trực và tài năng giao tiếp, ngoại giao khác biệt, độc đáo theo kiểu lãng tử, hào hoa ngang tàng, “chửi thề như bắp rang”, xuất hiện với phong cách thượng lưu, thừa hưởng văn hóa được đào tạo chính quy từ Mỹ, ông đã thâm nhập và là bạn tri kỷ với các tướng lĩnh, trùm an ninh mật vụ cả Mỹ và Sài Gòn, giới báo chí cũng như các chính khách chóp bu của chính quyền Sài Gòn để khai thác thông tin tuyệt mật mang tầm chiến lược cho cuộc đối đầu của Miền Bắc Việt Nam với Mỹ và chính quyền Sài Gòn.
Ông có công rất lớn trong việc bảo vệ những cán bộ Cộng sản tránh việc bị Mỹ phát hiện cũng như cung cấp những tin tình báo quan trọng cho quân ta. Điểm khiến ông thật sự khác biệt so với những tình báo khác là dù từng được mệnh danh là "Ký giả chống cộng số 1 Việt Nam" nhưng thật sự hoàn toàn không có bài báo nào của ông màng tư tưởng này và cũng không có bất kỳ bài báo nào chống Mỹ và làm tổn hại cho 2 tờ báo nổi tiếng ông từng làm Time và New York Herald Tribune.
3. Phạm Ngọc Thảo - "Nhà tình báo cô độc"
Đại tá Phạm Ngọc Thảo sinh năm 1922 tại Sài Gòn, nguyên quán ở tỉnh Bến Tre. Ông xuất thân trong một gia đình điền chủ có quốc tịch Pháp. Tốt nghiệp trung học Công giáo Taberd ở Sài Gòn và có theo học ngành công chính.
Sau năm 1945 theo kháng chiến chống Pháp. Sau hiệp định Genève, ông dạy học ở Sài Gòn, Vĩnh Long và nhờ Ngô Đình Thục giới thiệu với tổng thống Diệm.
Giữ các chức vụ trong chính quyền Sài Gòn: tỉnh đoàn trưởng Bảo an Vĩnh Long, chỉ huy trưởng Bảo an Bình Dương, tỉnh trưởng tỉnh Kiến Hòa (Bến Tre).
Khác với Vũ Ngọc Nhạ và Phạm Xuân Ẩn, Phạm Ngọc Thảo là người duy nhất có thể tác động trực tiếp đến chính quyền Sài Gòn. Là sỹ quan cao cấp trong quân đội VNCH lai có lực lượng trong tay, ông chính là người đã trực tiếp đạo diễn và tham gia chỉ đạo hàng loạt vụ đảo chính làm rung chuyển nền chính trị Miền Nam những năm 64-65, gây mất ổn định nghiêm trọng chế độ Sài Gòn, tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng miền Nam. Nếu cuộc đảo chính với Lâm Văn Phát gạt Nguyễn Khánh năm 1964 thành công, Phạm Ngọc Thảo trở thành thủ tướng VNCH thì lịch sử có thể đã có những thay đổi lớn.
Khác với Vũ Ngọc Nhạ và Phạm Xuân Ẩn, Phạm Ngọc Thảo là nhà tình báo hoạt động đơn tuyến, không hề có đồng đội trực tiếp hỗ trợ mà chỉ chịu sự chỉ đạo về chiến lược của Bác Hồ và Lê Duẩn . Ông không làm công tác đưa tin đơn thuần mà lớn hơn là được giao nhiệm vụ "thay đổi chế độ tại miền Nam" (tương tự như mục tiêu regime change của Mỹ tại I-rắc, nhưng nếu như Mỹ phải dùng đến hàng chục vạn quân thì ta chỉ dùng 1 mình Phạm Ngọc Thảo và ở chừng mực nào đấy đã thành công). Sự nguy hiểm của Phạm Ngọc Thảo đối với tồn vong của chế độ Miền Nam lý giải tại sao chính quyền Thiệu-Kỳ phải quyết bằng mọi giá thủ tiêu ông.
Ông là một con người cực kỳ dũng cảm và tài năng. Mỹ đã từng chọn ông để đào tạo trở thành Tổng thống tương lai của VNCH, đến khi nguy hiểm đã cận kề dù đồng chí Võ Văn Kiệt khuyên ông có thể ra căn cứ nhưng ông vẫn quyết tâm ở lại để tổ chức vụ đảo chính cuối cùng. Việc lớn không thành, bị bắt và tra tấn dã man nhưng Phạm Ngọc Thảo vẫn không để lộ tung tích của mình. Cho đến lúc hy sinh, không ai biết ông là một chiến sỹ tình báo cộng sản.
4. Vũ Ngọc Nhạ - Người xây dựng cụm tình báo chiến lược A22
Vũ Ngọc Nhạ (bí danh Hai Long) sinh năm 1928 tại xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ông tham gia chiến đấu chống Pháp ở Hà Nội (mùa Đông 1946). Ông chính thức kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1947.
Sau đó, ông trở về Thái Bình làm công tác dân vận tại trong chính quyền kháng chiến địa phương. Năm 1953, ông được tuyển chọn tham gia vào cơ quan tình báo quân sự. Năm 1954, với vỏ bọc mới mà tổ chức tạo cho, ông đưa vợ con xuống tàu Pháp di cư vào Nam bắt đầu giai đoạn hoạt động mới.
Ở miền nam, ông đã xây dựng cụm tình báo chiến lược A22 với nhiều điệp viên “chui sâu, leo cao” nắm giữ vị trí quan trọng trong chính quyền VNCH. Nhờ vậy, ông và đồng đội đã cung cấp những thông tin, tài liệu quan trọng góp phần vào chiến thắng của quân dân ta trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Tuy tổ chức chặt chẽ, nhưng cụm A22 bị địch phát giác và bắt giam năm 1969. Chúng đã đày ông cùng nhiều đồng chí khác ra Côn Đảo. Sau hiệp định Paris 1973, ông được trao trả. Ông vẫn tiếp tục hoạt động tích cực cho tới ngày đất nước hoàn toàn giải phóng (30.4.1975).
Năm 1988, ông được Nhà nước phong hàm Thiếu tướng. Ngày 7.8.2002, Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ qua đời ở TP HCM, hưởng thọ 75 tuổi. Với những chiến công xuất sắc, ông đã được Đảng và Nhà nước phong tặng nhiều huân huy chương cao quý. Cụm A22 được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
5. Hoàng Minh Đạo - Cha đẻ của ngành tình báo Việt Nam
Tên tuổi và sự nghiệp của Đào Phúc Lộc với bí danh Hoàng Minh Đạo, Năm Thu gắn liền với sự ra đời của ngành Tình báo quân sự. Ông chính là người đầu tiên xây dựng nền móng cho sự thành lập của ngành. Ngay khi Cách mạng tháng Tám thành công, Hoàng Minh Đạo nhận lệnh về Hà Nội. Ngày 25.10.1945, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái đã tuyên bố thành lập Phòng Tình báo Bộ Tổng Tham mưu. Hoàng Minh Đạo được phân công là Trưởng phòng.
Đồng thời, ông cũng là một trong những nhân vật chủ yếu sáng lập ra Ban địch tình Xứ uỷ và ngành Binh vận vào thời điểm gay go ác liệt nhất của cuộc chiến đấu chống xâm lược Mỹ (1954-1955), trở thành một trong những mũi giáp công lợi hại của Cách mạng miền Nam. Ông đã từng giữ chức ủy viên thường vụ Khu ủy Sài Gòn Gia Định; Bí thư kiêm Chính ủy Phân khu 5; Bí thư Phân khu 1 Khu Sài Gòn Gia Định và Chính ủy lực lượng biệt động Sài Gòn.
Ông hy sinh vào một ngày mùa đông năm 1969 vì trúng phục kích của kẻ địch bên dòng sông Vàm Cỏ Đông. Vì lý do an ninh, tin ông hy sinh được giấu kín suốt một thời gian dài, khiến cho gia đình, người thân của ông đau đáu tìm kiếm. Trong suốt 30 năm đó, ông đã bị nỗi oan kẻ phản quốc.
Công lao của vị tướng tài năng là điều không thể phủ nhận. Song, phải đến ngày 8.4.1998, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng mới tổ chức lễ truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh và truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân cho Liệt sĩ Đào Phúc Lộc.