Theo thống kê mới nhất của Forbes, nhóm tỷ phú đô la Việt Nam tăng từ 4 lên 6 thành viên, tổng tài sản ròng đạt 14,8 tỷ USD. Trong đó, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cán mốc 6,6 tỷ USD, tăng 1 tỷ USD trong nửa năm, tiếp tục dẫn đầu danh sách tỷ phú Việt Nam.
Thị giá MSN tăng mạnh cũng giúp tài sản của Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang và Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh cùng tăng mạnh. Hiện giá trị tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang được Forbes định giá ở mức 1,4 tỷ USD còn ông Hồ Hùng Anh đang sở hữu 1,6 tỷ USD.
Trong khi đó, tài sản của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo có mức tăng khiêm tốn hơn - 100 triệu USD so với hồi tháng 4. Giá trị tài sản của CEO Vietjet hiện tại là 2,2 tỷ USD. khối tài sản của Chủ tịch Tập đoàn Thaco Trần Bá Dương không biến động, giữ nguyên ở mức 1,5 tỷ USD.
Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long cũng thăng tiến trên bảng xếp hạng tỷ phú của Forbes. Tương tự Chủ tịch Masan, ông Long không có tên khi danh sách tỷ phú thế giới 2020 được công bố đầu tháng 4 nhưng trở lại nhóm những cá nhân sở hữu tài sản tỷ USD vào cuối tháng 5 khi thị giá HPG bắt đầu phục hồi. Hiện tại, giá trị tài sản ròng của tỷ phú Trần Đình Long là 1,5 tỷ USD, tăng thêm 500 triệu USD sau 5 tháng.
Tỷ phú Trần Đình Long. Ảnh: HPG. |
Thời gian qua, Tập đoàn Hòa Phát của ông Trần Đình Long gây nhiều chú ý khi bất chấp đại dịch COVID-19, lũy kế 9 tháng năm 2020 đạt doanh thu 65.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 8.845 tỷ đồng, tăng 40% và 56% so với cùng kỳ năm trước.
Trong phiên giao dịch ngày 27/10, cổ phiếu của tỷ phú Trần Đình Long tăng mạnh. Cụ thể, cổ phiếu HPG đứng đầu nhóm cổ phiếu có lượng giao dịch lớn nhất với hơn 25,2 triệu cổ phiếu khớp lệnh. Chốt phiên, HPG tăng 1,95% lên mốc 31.400 đồng/cổ phiếu.
Theo kết quả kinh doanh hợp nhất quý 3 của CTCP Tập đoàn Hoà Phát, sản xuất và kinh doanh thép, lĩnh vực trọng tâm của doanh nghiệp mang về 32.019 tỷ đồng doanh thu thuần, cao hơn 47% so với cùng kỳ năm trước và lãi sau thuế 5.038 tỷ đồng, tăng 47%.
Tính chung, doanh thu thuần quý 3 đạt 24.685 tỷ đồng, tăng 63%. Lợi nhuận sau thuế 3.785 tỷ đồng, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, tổng vay nợ của tập đoàn tăng thêm 8.572 tỷ trong 9 tháng đầu năm, từ 36.680 tỷ lên 45.252 tỷ (hơn 2 tỷ USD), trong đó vay ngắn hạn gần 24.000 tỷ, vay dài hạn 21.255 tỷ.
Có khả năng khoản vay nợ này chưa được giải ngân, khoản tiền gửi ngân hàng của Hoà Phát đang để dưới dạng đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn tăng từ 1.374 tỷ đầu năm lên 8.790 tỷ tại thời điểm cuối quý 3.