Hoạt kinh tế ngày càng sôi động trở lại
Mới đây, Cục Thống kê thành phố Hà Nội cho biết, kinh tế Thủ đô trong tháng 8 và 8 tháng của năm 2022 đang tiếp đà phục hồi rõ nét, nhiều ngành/lĩnh vực và hoạt động kinh tế ngày càng sôi động trở lại.
Theo đó, tính chung 8 tháng của năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn thành phố tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước (8 tháng của năm 2021 tăng 6,3%). Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,6% so với cùng kỳ; sản xuất và phân phối điện tăng 4,7%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 8%; khai khoáng giảm 3%.
Một số ngành có chỉ số IIP đạt mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước gồm: Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 18,8%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 18,2%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 18%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 16,5%; sản xuất đồ uống tăng 16,5%.
Đáng chú ý, lũy kế 8 tháng của năm 2022, Hà Nội thu hút được 992,3 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 49,6% so với cùng kỳ.
Trong đó, thành phố đăng ký cấp mới cho 226 dự án, với số vốn đạt 141,3 triệu USD, tăng 19,4% (so với cùng kỳ). Có 122 dự án được bổ sung tăng vốn đầu tư, với số vốn tăng thêm là 374,6 triệu USD, tăng 16%. Có 258 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần với số vốn 476,4 triệu USD.
Về đăng ký doanh nghiệp, 8 tháng đầu năm Hà Nội có hơn 20 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 22%; với tổng vốn đăng ký đạt 226 nghìn tỷ đồng, tăng 2%. Cơ quan chức năng đã thực hiện thủ tục giải thể cho gần 2,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 14%. Ngoài ra, có 13,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 46% và 7,8 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 7%.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8 trên địa bàn đạt 1,422 tỷ USD, tăng 2,1% so với tháng trước và tăng 10% so với cùng kỳ. Tính chung 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 11,1 tỷ USD, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 8 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 451,3 nghìn tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước (8 tháng của năm 2021 giảm 6,3%).
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 288,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 64% tổng mức trên và tăng 18,4%; khách sạn, nhà hàng đạt 56,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,6% và gấp 2,1 lần cùng kỳ; du lịch lữ hành đạt 8,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,9% và gấp 4,1 lần cùng kỳ; dịch vụ khác đạt 97 nghìn tỷ đồng, chiếm 21,5% và tăng 26,1%.
Hà Nội phấn đấu thu ngân sách cả năm 2022 vượt 5% dự toán
Tại buổi làm việc giữa Thường trực Thành ủy Hà Nội với Ban Cán sự đảng UBND Thành phố về tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính, ngân sách năm 2022 ngày 25/8 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải trình bày báo cáo của Ban Cán sự đảng UBND Thành phố cho biết, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 8 tháng năm 2022 đạt nhiều kết quả khả quan so với cùng kỳ năm 2021.
Cụ thể, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn lũy kế đến hết ngày 20/8 là 219.126 tỷ đồng, đạt 70,3% dự toán, bằng 109,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thu nội địa đã thực hiện đạt 200.618 tỷ đồng, bằng 69,5% dự toán, bằng 108,2% so với cùng kỳ, bao gồm: Thu từ khu vực sản xuất kinh doanh là 99.727 tỷ đồng, đạt 73,6% dự toán, bằng 115,5% so với cùng kỳ. Dự báo, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2022 ước thực hiện là 342.365 tỷ đồng, đạt 109,9% dự toán, bằng 105,8% so với thực hiện năm 2021.
Tuy nhiên, một số khoản thu ngân sách trên địa bàn đạt thấp, nhất là khoản thu về nhà, đất, thu đấu giá quyền sử dụng đất; 8 tháng đạt 11.055 tỷ đồng, bằng 41,5% dự toán. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư còn thấp. Một số đơn vị dự toán chưa chủ động triển khai nhiệm vụ được giao ngay từ đầu năm. Tổng chi ngân sách địa phương lũy kế đến hết ngày 20/8 là 40.309 tỷ đồng, mới đạt 37,7% dự toán năm và bằng 106,6% so với cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển đã thực hiện 13.843 tỷ đồng, đạt 27,1% dự toán và bằng 110,5% so với cùng kỳ.
Tại cuộc họp này, Chủ tịch HĐND Thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, quan trọng nhất hiện nay là phải tập trung tháo gỡ khó khăn, cải thiện các khoản thu, chi còn thấp, như: thu từ nhà, đất; giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời cũng đề nghị bổ sung thêm nhiệm vụ bảo đảm ổn định ngân sách 3 năm; bảo đảm tỷ lệ điều tiết ngân sách tương ứng với phân cấp, ủy quyền cho các địa phương; khai thác nguồn thu từ tài sản công, trong đó, có phần diện tích tầng 1 ở các khu chung cư.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị cần xử lý dứt điểm các khoản thuế nợ đọng lâu năm; tháo gỡ các thủ tục hành chính để thúc đẩy tiến độ đấu giá đất, tăng cường phân cấp, ủy quyền cho địa phương; triển khai đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án theo Nghị định số 25/2020-NQ/CP ngày 28/2/2020 của Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư. Số lượng các hộ sản xuất kinh doanh ở các địa phương rất lớn, nhiều hộ mong muốn phát triển thành doanh nghiệp. Thành phố cần phải có giải pháp khuyến khích chuyển đổi vừa giúp người dân mở rộng sản xuất, vừa tăng nguồn thu cho Thành phố.
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, trên cơ sở kết luận của Thường trực Thành ủy sau cuộc làm việc này, UBND Thành phố sẽ tập trung chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vứng mắc để bảo đảm mục tiêu thu ngân sách nhà nước và tăng tỷ lệ chi đầu tư xây dựng cơ bản; trước mắt tập trung tháo gỡ vướng mắc về giá, phân cấp và thủ tục hành chính để đấu giá quyền sử dụng đất bảo đảm nguồn thu đồng đều cho các quận, huyện, thị xã. Chủ tịch UBND Thành phố cũng cho biết sẽ tập trung chỉ đạo đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp mới để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu cho Thành phố về lâu về dài.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng ghi nhận, đánh giá cao các cơ quan Thành phố, các cấp, các ngành đã cố gắng với trách nhiệm cao thực hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách thời gian qua. Nhờ đó, kết quả phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách năm 2021 rất tích cực trong bối cảnh rất khó khăn do dịch Covid-19. Đặc biệt, 8 tháng năm 2022, kinh tế phục hồi mạnh, tổng sản phẩm trên địa bàn 6 tháng đầu năm tăng 7,79%. Thu ngân sách đạt cao, Hà Nội thực sự là “hộ lớn” đóng góp rất quan trọng cho ngân sách cả nước với vị trí đứng đầu về thu nội địa.
Tuy nhiên, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, kết quả chi đầu tư xây dựng cơ bản còn thấp. Đây là vấn đề các cấp, các ngành phải tập trung tháo gỡ trong thời gian tới; coi đây là giải pháp mang tính động lực đối với tăng trưởng từ nay đến năm 2025.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, để thực hiện thắng lợi mục tiêu thu và nhiệm vụ chi năm 2022, Thành phố nói chung trước hết là Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ chỉ đạo ráo riết cùng Ban Cán sự đảng UBND thành phố, Đảng đoàn HĐND thành phố và sự vào cuộc của các cấp, các ngành để tháo gỡ từng khó khăn, vướng mắc, nhất là về thủ tục hành chính, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, qua đó, bảo đảm nguồn thu bền vững cho thành phố. Đồng thời tin tưởng, với sự tập trung cao độ, quyết tâm cao và sự vào cuộc của mọi cấp, mọi ngành và từng cán bộ, Thành phố sẽ hoàn thành tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, trong đó có các chỉ tiêu về thu, chi ngân sách, phấn đấu thu ngân sách cả năm 2022 vượt 5% dự toán HĐND Thành phố giao.
>>> Mời độc giả xem thêm video Hà Nội thu hồi 400 biển quảng cáo ngoài trời để đấu thầu:
Nguồn: VTV24