Ai cấp phép cho các quầy bánh Trung thu lấn chiếm vỉa hè Hà Nội?
Năm nào cũng thế, trước Tết Trung thu cả tháng, dọc vỉa hè nhiều tuyến phố Hà Nội, quầy bánh Trung thu đã "mọc" tràn lan gây ảnh hưởng tới giao thông.
Thiên Tuấn - Vũ Dũng
Xem toàn bộ ảnh
Ghi nhận của PV Báo Tri thức và Cuộc sống, dọc vỉa hè các đoạn đường lớn như Nguyễn Hoàng, Phạm Hùng, Trung Kính,... có hơn 10 ki ốt bán bánh Trung thu và đều lấn chiếm một phần vỉa hè dành cho người đi bộ.
Mỗi điểm đều tụ họp đầy đủ các thương hiệu bánh kẹo lớn của Việt Nam như: Kinh Đô, Hữu Nghị, Madame Hương, Bảo Ngọc, Maison Mooncake, Thu Hương,... Đây đều là những hãng có danh tiếng. Nhưng vấn đề đặt ra là ai cho phép các nhãn hàng bánh nổi tiếng này lập quầy bán ngay trên vỉa hè, vi phạm Luật Giao thông đường bộ?.
Giữa những con phố sầm uất, nằm dưới chân những toà nhà cao tầng - nơi vốn không cho phép các gánh hàng rong hoạt động lại là địa bàn chính của các cửa hiệu bánh Trung thu.
Các điểm bày bán bánh Trung thu có diện tích trung bình từ 10 - 15 m2/gian hàng, được dựng bằng khung sắt chắc chắn.
Một người dân ở Cầu Giấy cho biết, năm nào cũng vậy, cứ đến mùa Trung thu, các thương hiệu bánh Trung thu đều dựng những gian hàng di động lấn chiếm vỉa hè. Vào giờ cao điểm rất dễ tắc đường. Cơ quan chức năng cần xử lý triệt để việc lấn chiếm vỉa hè để buôn bán, trong đó có bán bánh Trung thu.
Trước thực trạng quầy bán bánh Trung thu liên tục lấn chiếm vỉa hè, dư luận lại đặt vấn đề liệu rằng "Chiến dịch giành lại vỉa hè tại Hà Nội" có còn hoạt động? hay cá nhân nào đang tiếp tay cho các cơ sở kinh doanh bánh kẹo vi phạm Luật Giao thông?.
Được biết, "Chiến dịch giành lại vỉa hè tại Hà Nội" bắt đầu từ năm 2017. Đây là cuộc chiến chống lấn vỉa hè, lấy lại vỉa hè cho người đi bộ và đã được thực hiện trong nhiều năm trước, nhưng lấn chiếm lại tiếp tục xảy ra sau đó. Mặc dù lãnh đạo Thủ đô đã có nhiều quyết tâm thực hiện nhiều biện pháp giành lại vỉa hè cho người đi bộ nhưng hiệu quả chưa cao.
Quy định tại Điều 35 Luật Giao thông đường bộ 2008 nêu rõ: Lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông. Trong một số trường hợp vẫn cho phép tổ chức một số hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội trên đường bộ. Trường hợp đặc biệt, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác phải do UBND cấp tỉnh quy định nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông. Vậy, với hàng trăm quầy bán bánh Trung thu nằm trên vỉa hè Hà Nội, cá nhân, đơn vị nào đã cho phép khiến dư luận bức xúc?
>>> Mời độc giả xem thêm video Muôn kiểu kiếm tiền từ vỉa hè: