An-124 Ruslan đưa tên lửa chống hạm Ba Lan tới điểm nóng
Máy bay vận tải An-124 Ruslan của Ukraine đang được các quốc gia NATO tin dùng cho những nhiệm vụ đặc biệt.
Theo Bạch Dương/ANTĐ
Xem toàn bộ ảnh
Máy bay vận tải hạng nặng An-124 Ruslan của Ukraine thuộc sở hữu hãng hàng không Antonov Airlines đã tham gia đưa các hệ thống tên lửa chống hạm ven biển của Ba Lan tới Iceland.
Tại đây, quân đội Ba Lan sẽ tham gia cuộc tập trận quốc tế Northern Viking 2024. Căn cứ vào những bức ảnh do Hải quân Ba Lan công bố, máy bay Ukraine mang theo một bệ phóng tự hành và một trạm chỉ huy di động.
Đối với cuộc tập trận thường niên của Liên minh quân sự NATO diễn ra ở Iceland, quân đội của các nước đồng minh sẽ thực hành kiểm tra tương tác giữa các lực lượng và phương tiện khác nhau có liên quan.
Ba Lan đã nhiều lần điều động các hệ thống tên lửa chống hạm, cơ sở là tên lửa tấn công hải quân (NSM) do Na Uy sản xuất tới các quốc gia châu Âu trong khuôn khổ huấn luyện quốc tế với đồng minh.
Để làm được điều này, họ đã sử dụng tàu thủy và bây giờ là dịch vụ thuê máy bay vận tải hạng nặng An-124 Ruslan từ hãng hàng không Antonov Airlines, khi đây là phương tiện đáp ứng các yêu cầu chiến thuật.
Hiện nay ngoài Nga, Ukraine là nước có phi đội máy bay vận tải An-124 Ruslan khá lớn, các phi cơ đang ở trong tình trạng kỹ thuật tốt. Thậm chí quy mô phi đội trên của Antonov Airlines còn mở rộng khi được nhận thêm một số chiếc An-124 mà NATO bắt giữ của Nga.
Các máy bay vận tải hạng nặng này đang phục vụ cho nhu cầu của không chỉ riêng Lực lượng vũ trang Ukraine, mà còn cả các đồng minh trong khối quân sự NATO nhờ khả năng chở hàng hóa kích thước rất lớn.
Về tổ hợp vũ khí mà nó mang theo, hiện tại Hải quân Ba Lan có 2 tiểu đoàn được trang bị đầy đủ hệ thống chống hạm di động ven biển tối tân NSM. Mỗi khẩu đội được trang bị 3 bệ phóng với 4 tên lửa NSM trên mỗi xe.
Ngoài ra, tổ hợp này còn bao gồm phương tiện chỉ huy, trung tâm liên lạc di động, radar phát hiện và theo dõi mục tiêu do PIT-RADWAR sản xuất, cũng như một số thành phần hỗ trợ khác, tất cả đều sử dụng xe tải Jelcz của Ba Lan làm khung gầm cơ sở.
Vào tháng 9 năm ngoái, tại triển lãm quốc phòng và công nghiệp MSPO 2023, chính phủ Ba Lan đã ký thỏa thuận mua thêm 2 bộ phận mới dành cho các tổ hợp tên lửa chống hạm nói trên.
Thỏa thuận giữa chính phủ Ba Lan với Tập đoàn Kongsberg Defense & Aerospace quy định việc mua các bệ phóng, phương tiện chỉ huy cũng như hàng trăm tên lửa chống hạm NSM, trị giá gần 2 tỷ USD.
Nhờ các kênh kết nối mới, Ba Lan sẽ có cơ hội bao phủ bờ biển Biển Baltic một cách đáng tin cậy, cũng như mở rộng khả năng thực hiện những cuộc tấn công tầm xa nhằm vào các mục tiêu mặt đất.
Tên lửa hành trình chống hạm NSM hiện được xem là sản phẩm tiên tiến hàng đầu trong phân khúc, nó không chú trọng đến tốc độ mà đề cao khả năng tàng hình cùng độ chính xác để vượt qua hệ thống phòng thủ của đối phương. Tên lửa NSM có khả năng bắn trúng mục tiêu cách xa 200 km, ngoài ra biến thể tấn công mặt đất cũng đã được phát triển hoàn thiện, biến tổ hợp vũ khí này thành phương tiện răn đe rất đáng gờm.