|
Ấn Độ là khách mời danh dự tại Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt Nam lần thứ 33 (VIETNAM - EXPO 2024). |
Tổ chức Xúc tiến Thương mại Ấn Độ trực thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ sẽ điều phối Gian hàng Ấn Độ bao gồm 14 gian hàng trưng bày các sản phẩm khác nhau của Ấn Độ trong các lĩnh vực như điện tử và truyền thông, linh kiện ô tô, xử lý nước thải, dịch vụ tài chính ngân hàng, chế biến nông sản, hàng tiêu dùng và cơ sở hạ tầng như cảng và hậu cần.
Các công ty Ấn Độ như Công ty cảng & Khu kinh tế đặc biệt Adani, Ngân hàng Ấn Độ, Điện tử Bharat, Spark Minda, Ion Exchange, Allanasons, thực phẩm đông lạnh Marhaba, Fair Exports, KCP, tập đoàn Marico Đông Nam Á, Tata Coffee Việt Nam mong muốn được trao đổi với các doanh nghiệp Việt Nam nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác sâu rộng hơn.
Những năm gần đây, thương mại song phương giữa Ấn Độ và Việt Nam tăng trưởng ổn định, đạt 14,36 tỷ USD vào năm 2023 khi Ấn Độ trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7, thị trường xuất khẩu lớn thứ 7 và thị trường nhập khẩu lớn thứ 10 của Việt Nam.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Ấn Độ sang Việt Nam bao gồm máy móc và thiết bị, linh kiện ô tô, dược phẩm, ngô, thủy hải sản, kim loại, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và hóa chất. Các mặt hàng nhập khẩu chính của Ấn Độ từ Việt Nam là đồ điện tử, điện thoại di động và linh kiện, máy móc thiết bị, thép và kim loại.
Ấn Độ và Việt Nam hiện nằm trong số những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Ấn Độ đã trở thành nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới với GDP đạt 4.1 nghìn tỷ USD và có tốc độ tăng trưởng GDP bình quân là 7% trong 4 năm tới. Dòng vốn FDI của Ấn Độ đã tăng lên 84,84 tỷ USD trong năm 2021-22 và vẫn duy trì mức tăng trưởng tích cực.
|
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại gian hàng của Ấn Độ. |
Quá trình chuyển đổi kinh tế của Ấn Độ được thúc đẩy bởi cải cách, công nghệ, đổi mới sáng tạo và tinh thần kinh doanh.
Theo Báo cáo Môi trường Kinh doanh (DBR) của Ngân hàng Thế giới, Ấn Độ đã cải thiện vị trí trong bảng xếp hạng Chỉ số Thuận lợi Kinh doanh lên vị trí thứ 63 vào năm 2020. Ấn Độ đã tăng 6 bậc lên vị trí 38 trong Chỉ số Hiệu quả Logistics của Ngân hàng Thế giới năm 2023.
Ấn Độ cũng đứng thứ 13 trong báo cáo về bảo vệ các nhà đầu tư thiểu số và đã cải thiện hiệu suất trong việc xử lý tình trạng mất khả năng thanh toán, khởi nghiệp hoặc đăng ký công ty.
Các chương trình tiêu biểu của Ấn Độ như Sản xuất tại Ấn Độ (Make in India), Ấn Độ khởi nghiệp (Start-up India), Ấn Độ kỹ thuật số (Digital India), Sứ mệnh Thành phố thông minh và Chuyển đổi đô thị đã đơn giản hóa các thủ tục nhằm thúc đẩy môi trường đầu tư thuận lợi trên nhiều lĩnh vực.
|
Khách hàng thăm quan gian hàng Ấn Độ. |
Việc tự do hóa các chính sách FDI, đặc biệt là trong lĩnh vực bán lẻ, quốc phòng, bảo hiểm và kinh doanh sản phẩm một nhãn hiệu duy nhất, cùng các ưu đãi về thuế đã tăng cường dòng vốn FDI. Hiện tại, Ấn Độ là quê hương của 113 kỳ lân với tổng giá trị 350 tỷ USD với hơn 124.000 công ty khởi nghiệp được chính phủ công nhận ở Ấn Độ.
Ngoài những nỗ lực ở cấp Chính phủ của hai nước Ấn Độ và Việt Nam, việc tăng cường trao đổi kinh doanh, đặc biệt là dựa vào thế mạnh của cả hai nền kinh tế, có thể giúp hiện thực hóa các cơ hội kinh doanh tiềm năng giữa hai nước. Trong bối cảnh này, sự hiện diện của các công ty Ấn Độ tại Việt Nam EXPO sẽ giúp truyền tải thông tin nhanh chóng về cơ hội kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trao đổi và thúc đẩy hơn nữa các hoạt động hợp tác kinh doanh giữa hai nước.