Hệ thống pháo phản lực phóng loạt Pinaka trong lễ diễu hành tại New Delhi. |
Hệ thống pháo phản lực phóng loạt Pinaka trong lễ diễu hành tại New Delhi. |
Mở rộng lực lượng với máy bay chiến lợi phẩm
Theo tài liệu Lịch sử Không quân Nhân dân Việt Nam, đến tháng 4/1975, không quân Quân đội Sài Gòn được xây dựng và trang bị khá hiện đại, là một trong những lực lượng mạnh ở khu vực Đông Nam Á.
Ở thời điểm cao nhất, lực lượng này được trang bị 1.193 máy bay các loại (trong đó có 188 máy bay cường kích A-37, 126 tiêm kích F-5, 594 trực thăng UH-1 và 32 máy bay vận tải C-130).
Tiêm kích F-5E trong Không quân Nhân dân Việt Nam. |
Sau ngày thống nhất đất nước, Quân chủng Phòng không - Không quân nhanh chóng thu hồi chiến lợi phẩm để bảo vệ Tổ quốc. Tính đến cuối tháng 5/1975, bộ đội ta đã thu hồi được 877 máy bay các loại (bao gồm nhiều chiếc chiến đấu cơ F-5E và A-37). Với số máy bay thu được, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập một loạt trung đoàn không quân mới.
Ngày 30/5/1975, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Trung đoàn Tiêm kích 935 sử dụng máy bay F-5A/E và Trung Đoàn Cường kích 937 dùng A-37. Hai trung đoàn có nhiệm vụ tác chiến phòng không, tiến công đường không, giành và giữ quyền làm chủ bầu trời, chi viện bảo vệ lực lượng binh chủng hợp thành.
Tiếp đó, ngày 5/7/1975, Trung đoàn Vận tải 918 được thành lập với trang bị máy bay C-130, C-47 và C-119. Đơn vị làm nhiệm vụ vận tải và có thể tham gia tiến công đường không khi cần.
Ngày 20/7/1975, Trung đoàn trinh sát - vận tải 917 trang bị trực thăng UH-1, CH-47 và máy bay trinh sát L-19, U-17 ra đời. Đoàn 917 có nhiệm vụ yểm trợ hỏa lực, trinh sát đường không, chỉ thị mục tiêu, đổ bộ vận chuyển/vận tải đường không, cấp cứu.
Trên cơ sở các trung đoàn mới, ngày 15/9/1972, Sư đoàn Không quân 372 được thành lập với biên chế 4 đơn vị trên.
Những trung đoàn không quân này góp công không nhỏ trong chiến dịch biên giới Tây Nam năm 1979 và sau đó là truy quét tàn quân Khơ Me đỏ trong suốt những năm 1980.
Máy bay cường kích A-37 trong biên chế Không quân Nhân dân Việt Nam. |
Biến “máy bay bị bỏ rơi” thành “anh hùng”
Trong số các loại máy bay mà ta thu giữ được, 2 chiến đấu cơ F-5A/E và A-37 được coi là những “kẻ bị bỏ rơi” trong lịch sử hàng không quân sự nước Mỹ. Khi mà chính quốc gia sản xuất ra chúng lại không sử dụng chúng làm tiêm kích chiến đấu mà thường viện trợ cho quốc gia đồng minh hoặc dùng để “đóng giả” máy bay địch để phi công Mỹ tập chiến đấu. Ngay cả khi được viện trợ cho Quân đội Sài Gòn, những chiếc F-5E vẫn khá lu mờ, không thể hiện được hết những khả năng của nó.
Nhưng khi được các “bàn tay vàng” phi công Không quân Nhân dân Việt Nam sử dụng, F-5E và A-37 đã phát huy được hiệu quả cao nhất, góp phần bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam sau 1975.
Cuối năm 1976, trước những khiêu khích của quân Khmer Đỏ tại biên giới Tây Nam, Trung đoàn 935 đã làm được một việc chưa từng có trong lịch sử hàng không thế giới, dùng 2 tiêm kích F- 5 do hai phi công Đinh Văn Bồng và Nguyễn Hữu Lâm điều khiển để rải truyền đơn tuyên truyền đường lối, quan điểm của Việt Nam về mối quan hệ đoàn kết giữa hai nước.
Tuy nhiên, đáp lại quân Khmer Đỏ vẫn tiếp tục các hành động khiêu khích, đưa quân tấn công vào biên giới nước ta. Trước tình hình đó, quân dân ta đã đứng lên đánh trả quyết liệt và giúp đỡ quân dân Campuchia thoát họa diệt chủng. Các chiến dịch phản công có sự góp sức rất lớn từ lực lượng không quân với máy bay chiến lợi phẩm.
Máy bay A-37 đã nhiều lần trút bão lửa lên đầu quân Khmer Đỏ. |
Trong suốt các chiến dịch phản công, Trung đoàn 935 và 937 đã xuất kích hàng ngàn chuyến với biên đội lớn 4-8 chiếc/lần F-5, A-37 không kích mãnh liệt vào sở chỉ huy địch, phá hủy các trận địa phòng thủ, phương tiện, vũ khí…tạo điều kiện thuận lợi cho các sư đoàn bộ binh, xe tăng tấn công tiêu diệt quân Khmer Đỏ.
Đóng góp to lớn của không quân tiêm kích trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam được Đảng và Nhà nước ghi nhận. Năm 1979, Trung đoàn 935 đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Hai phi công F-5 của Trung đoàn gồm Đại úy Lê Khương và Nguyễn Văn Kháng cũng được phong tặng danh hiệu cao quí này.
Bên cạnh đó, trong suốt chiến dịch phản công biên giới Tây Nam, ta cũng sử dụng nhiều lượt máy bay vận tải và trinh sát. Không quân ta đã dùng máy bay vận tải C-130, C-47, C-119 và trực thăng vận tải hạng nặng CH-47 xuất kích chở hàng nghìn lượt quân, đạn dược chi viện đánh địch.
Không chỉ có thể, các kỹ sư Không quân Nhân dân Việt Nam còn áp dụng một số cải tiến nhằm biến máy bay vận tải C-130 thành máy bay ném bom để không kích mục tiêu quân Khmer Đỏ.