Đối tượng Trần Duy Chinh. |
Vậy, kẻ ôm lựu đạn náo loạn Sài Gòn, xuống Đồng Nai đấu súng CA có thể sẽ bị xử lý thế nào? Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, đối tượng ôm lựu đạn cố thủ ở Đồng Nai đấu súng với công an vừa bị bắt sẽ bị khởi tố về nhiều tội danh trong đó có Tội giết người, Tội tàng trữ sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, Tội chống người thi hành công vụ...
Ngoài ra, trong quá trình điều tra cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ các hành vi có liên quan đến ma túy, nếu đủ căn cứ sẽ khởi tố hình sự đối tượng này về các tội danh có liên quan.
Với diễn biến vụ việc khi bắt giữ đối tượng cho thấy: Một cảnh sát hình sự hóa trang xe ôm đã chở được Chinh đi trên đường và cho xe chạy thẳng vào trụ sở Công an xã Phú Hòa. Lúc này, Chinh nhảy xuống và kê súng vào đầu một cảnh sát hình sự bóp cò nhưng may mắn đạn không nổ. Chinh tháo chạy và xảy ra cuộc đấu súng ngay tại xã Phú Hòa với một cảnh sát hình sự.
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội. |
Có lẽ đối tượng này có vũ khí, lại manh động, do lực lượng mỏng nên một cảnh sát hình sự chưa thể khống chế bắt giữ được đối tượng này, mới chở đối tượng thẳng vào trụ sở công an xã Phú Hoà để có lực lượng phối hợp bắt giữ. Không ngờ đối tượng đã rút súng dí vào đầu cảnh sát hình sự này để bóp cò, hành vi hết sức nguy hiểm, rất may là súng không nổ nếu không thì đồng chí cảnh sát này khó mà giữ được mạng sống. Bởi vậy hành vi này của đối tượng có dấu hiệu của tội giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự với tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là sử dụng vũ khí, hung khí nguy hiểm; giết người thi hành công vụ, vì lý do công vụ của nạn nhân.
Để xử lý đối tượng này về tội giết người thì cơ quan điều tra sẽ làm rõ việc bóp cò của đối tượng này được thực hiện như thế nào, kim hỏa của khẩu súng đó đã tác động đến viên đạn hay chưa, vì sao viên đạn lại không nổ, vì sao sau đó đối tượng lại nổ súng được để chống trả lực lượng bắt giữ.
Nếu có căn cứ cho thấy đối tượng này đã dí súng vào đầu cảnh sát hình sự và đã bóp cò: Thông qua lời khai nhận tội của đối tượng này, phù hợp với các chứng cứ, tài liệu khác, phù hợp với vật chứng vụ án, viên đạn thu được trên hiện trường có vết lõm ở phía sau vỏ đạn.
Các chứng cứ đó thể hiện đối tượng đã bóp cò khi dí súng vào đầu cảnh sát, viên đạn không nổ, bị kẹt nên sau đó văng ra ngoài... thì sẽ đủ căn cứ xử lý đối tượng này về tội giết người với nhiều tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự nêu trên và đối tượng này sẽ phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình theo quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015.
Đối với súng, lựu đạn và các loại vũ khí khác thu được của đối tượng này thì cơ quan điều tra cũng tiến hành giám định làm căn cứ để xác định loại vũ khí, hung khí mà đối tượng này đã tàng trữ, sử dụng.
Khi có căn cứ cho thấy hung khí mà đối tượng này tàng trữ, sử dụng là vũ khí quân dụng thì sẽ khởi tố đối tượng này về tội tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng theo quy định tại Điều 304 Bộ luật hình sự, tội danh và hình phạt được quy định như sau:
Điều 304. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự
1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
c) Làm chết người;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Vật phạm pháp có số lượng lớn hoặc có giá trị lớn;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
đ) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn hoặc có giá trị rất lớn.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên;
đ) Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn hoặc có giá trị đặc biệt lớn.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, với hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng thì đối tượng này sẽ phải đối mặt với mức hình phạt từ 01 năm đến 07 năm tù theo quy định tại khoản 1, Điều 304 Bộ luật hình sự nêu trên.
Với hành vi dùng súng chống trả lại lực lượng chức năng thì đây là hành vi chống người thi hành công vụ, với hành vi này thì đối tượng này sẽ bị xử lý hình sự về tội chống người thi hành công vụ cùng với các tội danh nêu trên.
Ngoài ra, trong quá trình điều tra thì cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ động cơ, mục đích của đối tượng này khi mang theo vũ khí tiếp cận khu vực ngân hàng khiến lực lượng chức năng phải kiểm tra hành chính và các tình tiết có liên quan đến dụng cụ sử dụng trái phép chất ma túy mà cơ quan điều tra đã thu giữ được. Nếu đủ căn cứ để xử lý hình sự về các tội danh khác thì sẽ tiến hành xử lý theo quy định pháp luật.
Nguồn: VTC 14.