Ảnh: Bến phà hiếm hoi còn sót lại gần trung tâm Sài Gòn
Nằm cách trung tâm chưa đầy 10 km, bến phà An Phú Đông gợi nhớ về một Sài Gòn xưa, người dân qua sông, qua rạch bằng đò và phà.
Theo Liêu Lãm/Zing
Xem toàn bộ ảnh
Nằm trên sông Vàm Thuật (là một nhánh của sông Sài Gòn), phà An Phú Đông là một trong số rất ít những phà ngang sông còn sót lại trên địa phận TP.HCM. Nơi đây kết nối giao thông giữa phường An Phú Đông, quận 12 ngoại thành và phường 5, quận Gò Vấp.
Tại đây có bốn chiếc phà, của hai chủ đầu tư khác nhau luân phiên chạy. Vào giờ thấp điểm, chỉ có một chiếc phà hoạt động để chuyên chở người và phương tiện. Riêng những lúc cao điểm, có tối đa hai chiếc phà hoạt động cùng lúc.
Việc đi qua phà trên sông chỉ khoảng 100 m giúp hành khách rút ngắn quãng đường di chuyển từ quận ngoại thành về trung tâm và hướng ngược lại gần 10 km, tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức.
Anh Võ Minh Thành (40 tuổi), làm nghề lái phà đã gần 20 năm nay, từ khi còn là một thanh niên. Đến nay, anh đã có vợ với 2 con nhỏ, kinh tế cả nhà phụ thuộc cả vào đồng lương kiếm từ công việc này.
Một ngày làm việc của anh được chia làm hai ca: từ 6h đến 8h30 và từ 12h đến 19h. Anh Thành cho biết ngày xưa người làm nghề như anh được gọi là "tài công", nhưng nay được gọi là "thuyền trưởng" vì anh đã được cấp "Chứng chỉ thuyền trưởng".
Mỗi ngày có hàng nghìn lượt người di chuyển qua phà để đi học, đi làm, đông nhất là vào lúc sáng sớm và chiều muộn.
Bé Kim Ngân (3 tuổi), hàng ngày được mẹ chở từ quận 12 qua phà sang Gò Vấp để đi học mẫu giáo.
Trên mỗi chiếc phà, vào giờ cao điểm, luôn luôn có 3 thuyền viên túc trực để đảm bảo an toàn giao thông đường thuỷ...
...cũng như điều tiết lưu lượng phương tiện rất lớn qua phà.
Áo phao cứu hộ, phao cứu sinh luôn có sẵn trên phà và được phát cho hành khách ở mỗi lượt đi. Ngoài ra, bình chữa cháy cũng được bố trí, sẵn sàng được sử dụng khi có bất kỳ tình huống bất trắc nào xảy ra.
Anh Nguyễn Tấn Hùng, làm thuyền viên đã hơn 20 năm nay, từ lúc bến phà này chỉ là một bến đò nhỏ và đưa đón khách bằng tàu gỗ. Vợ anh cũng là người thu tiền tại phà.
Mỗi chiếc phà có giá từ 1,3 đến 1,5 tỷ, do tư nhân đầu tư và thu phí hành khách dưới sự cho phép của chính quyền.
Giá mỗi lượt qua phà là 2.000 đồng/người và phương tiện. Nếu chỉ đi bộ tiền vé chỉ 1.000 đồng/lượt.
Tuy nhiên, đối với học sinh, người lao động nghèo, người tàn tật, người già, bến phà miễn phí hoàn toàn, dù họ đi bao nhiêu chuyến mỗi ngày.
Tiền lương của một thuyền viên khoảng 350.000 đồng/ngày, nhưng chỉ làm cách nhật. Họ được chủ phà lo ăn uống trong mỗi ca làm việc.
Thời gian hoạt động của phà từ 3h30 đến 23h30 mỗi ngày. Tuy nhiên, bất cứ giờ nào, khi người dân hai bên bờ có nhu cầu cấp cứu bệnh nhân, phà sẽ chạy được huy động chạy ngay và hoàn toàn miễn phí.
Mỗi lần phà cập bến, các phương tiện lên xuống phà cùng lúc và được ngăn cách bằng "dải phân cách" dây thừng.
Ông Nguyễn Văn Tuấn (65 tuổi), là một trong hai chủ đầu tư tại đây. Ông tâm sự: "Các bến phà khác lấy phí mỗi lượt là 3.000 - 4.000 đồng, riêng tôi chỉ duy trì mức 1.000 - 2.000 đồng từ nhiều năm nay, rồi còn miễn phí cho học sinh và người nghèo. Ngày xưa, thương mấy em chạy xe đạp đi học, không có tiền nên tôi không thu phí, riết rồi thành cái nếp. Giờ đứa nào cũng có xe máy, có tiền nhưng tôi vẫn duy trì nếp cũ, dù bị lỗ nhiều lắm, nhất là khi máy phà gặp trục trặc cần phải sửa. Lỗ nhiều quá, từ lúc có nhà riêng hai lầu, giờ gia đình tui phải ở nhà thuê".
Chừng nào chiếc cầu bắc qua sông còn chưa được xây, những chiếc phà như thế này sẽ còn hoạt động, vừa đảm bảo giao thông thông suốt giữa hai đầu bến, vừa là một nét đẹp mang dáng dấp làng quê bình dị giữa thành phố.