Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap dẫn lời bác sĩ Lee Cook Jong - người đang chữa trị cho anh lính Triều Tiên đào tẩu này, cho biết anh "sẽ không chết".
Anh lính này - được gọi bằng tên đơn giản là "Oh", hiện đang được theo dõi sức khỏe ở bộ phận cấp cứu thuộc trung tâm y khoa của Trường ĐH Aju, tỉnh Suwon của Hàn Quốc.
Bác sĩ Lee cho biết Oh đã phải trải qua 2 cuộc phẫu thuật do trúng 5-6 viên đạn của đồng đội truy đuổi khi bỏ trốn. Anh có chút suy sụp tinh thần và sẽ được điều trị thêm khi sức khỏe thể chất ổn hơn.
Hiện tại các bác sĩ chọn cách cho anh xem truyền hình và nghe nhạc nhưng tránh cho anh xem tin tức thời sự vì sợ bị ảnh hưởng tâm lý.
Anh lính đào tẩu bị đồng đội bắn nằm gục bên phần đất Hàn Quốc - Ảnh: REUTERS |
Anh đã được phẫu thuật trong 5 giờ vào ngày 13/11 - ngày anh bỏ trốn và được phẫu thuật lần 2 hai ngày sau đó.
Vụ bỏ trốn hôm 13/11 của anh lính trẻ đã trở nên nổi tiếng toàn cầu sau khi đoạn phim tái dựng toàn cảnh anh bỏ trốn được công bố.
Đoạn phim dài 7 phút được Bộ chỉ huy Liên Hiệp Quốc (UNC) đóng tại Khu vực phi quân sự DMZ ở biên giới liên Triều công bố đồng thời để tố cáo việc một số binh sĩ Triều Tiên đã vi phạm vào đường phân định biên giới chia cắt 2 nước và như thế là vi phạm Hiệp ước đình chiến ký năm 1953.
Hình ảnh lính Triều Tiên bị ghi nhận xâm phạm vào Đường phân định biên giới vào ngày 13-11. |
Cuộc đào tẩu diễn ra ở khu vực An ninh chung (J.S.A) là khu vực căng thẳng nhất ở biên giới 2 miền.
Anh lính đã lái xe bỏ trốn sang hướng Hàn Quốc và ngay lập tức bị đồng đội truy đuổi sát nút. Hình ảnh thậm chí cho thấy anh lính suýt bị đồng đội bắt kịp và họ nổ súng khi cách anh chỉ vài mét.
Anh lính trúng đạn nằm gục trên bãi đất và một thời gian sau đó một số binh sĩ Hàn mới bò đến tiếp cận kéo anh về.
Các binh sĩ Triều Tiên hốt hoảng khi có đồng đội đào tẩu - Ảnh: REUTERS |
Vụ việc khiến dư luận sững sờ bởi tính chân thật của nó (đương nhiên ở khu vực này dày đặc các camera an ninh). Tuy nhiên, cũng có ý kiến nghi ngờ về quyết định công bố đoạn phim một cách tỉ mỉ như vậy.
Hôm 22/11, chính Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tại thủ đô Seoul đã chủ động tổ chức họp báo để công bố đoạn phim.
Tình trạng sức khỏe của anh lính Oh cũng được công bố nhỏ giọt, trong đó đáng chú ý là thông tin anh bị nhiễm giun sán nặng. Thông tin này gây ngờ vực bởi những người lính được đưa ra khu vực phi quân sự thường là lính tuyển cả về sắc vóc, sức khỏe lẫn tinh thần.
Đương nhiên khi hồi phục sức khỏe anh lính Oh sẽ được thẩm tra kỹ về động cơ đào thoát nhằm ngăn chặn khả năng "đào tẩu theo kịch bản" để cài người cung cấp thông tin giả.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, vào ngày 22/11, đã công bố đoạn phim anh lính Triều Tiên đào tẩu - Ảnh: REUTERS |
Khu phi quân sự nằm trong làng Panmunjeon (Bàn Môn điếm), phía Bắc cách thủ đô Seoul 50km, ranh giới giữa hai miền Nam - Bắc Triều Tiên. Đây là chứng tích lịch sử chiến tranh lạnh, bởi làng này nằm ngay trận tuyến của cuộc chiến Nam - Bắc Triều Tiên 1950-1953.
Nam và Bắc Triều Tiên thiết lập biên giới, chia cắt bán đảo Triều Tiên ra làm hai sau chiến tranh. Hiệp định đình chiến đã được ký kết vào ngày 27/7/1953 tại làng Pamunjeon (Bàn Môn Điếm), và làng này trở thành khu vực an ninh chung cho cả hai miền.
Khu phi quân sự (DMZ) là khu vực, biên giới hoặc ranh giới nằm giữa hai hay nhiều lực lượng quân sự đối lập mà tại đó hoạt động quân sự không được phép tiến hành.
Khu phi quân sự được thiết lập ở vĩ tuyến 38 trên bán đảo Triều Tiên sau cuộc nội chiến năm 1953. Hai bên Nam - Bắc Triều cùng lùi 2km tạo ra vùng phi quân sự rộng 4km, dài 256km. Đây được coi là khu phi quân sự lớn nhất trên thế giới.
Anh lính Triều Tiên bỏ chạy về phía lãnh thổ Hàn Quốc sau khi chiếc xe của anh bị kẹt vào rãnh thoát nước - Ảnh chụp màn hình |
Anh lính Triều Tiên bỏ chạy về phía lãnh thổ Hàn Quốc sau khi chiếc xe của anh bị kẹt vào rãnh thoát nước - Ảnh chụp màn hình
Theo Hiệp ước đình chiến năm 1953, cả Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh. Hai bên vẫn duy trì quân đội đồn trú tại vĩ tuyến 38 để phòng trường hợp bên kia quyết định tấn công.
Kể từ khi được thiết lập năm 1953 cho tới ngày nay, ở DMZ đã diễn ra nhiều cuộc giao tranh nhỏ làm chết và bị thương nhiều binh sĩ của hai miền Nam - Bắc (kể cả lính Mỹ).
Cũng có vài trường hợp binh sĩ đào tẩu ngay tại khu vực căng thẳng này và thường là không thành công.