Xem toàn bộ ảnh
Ảnh vệ tinh cho thấy lượng lớn tiêm kích Su-30 tại căn cứ không quân trên bán đảo Crimea, lãnh thổ bị Nga sáp nhập năm 2014. Số chiến đấu cơ này được chụp lại hôm 16/4, và không xuất hiện trong ảnh chụp cuối tháng 3, theo Wall Street Journal. Trong ảnh, dãy tiêm kích Su-30 của Nga tại căn cứ Saki trên bán đảo Crimea. Ảnh: Maxar. |
Ngoài lực lượng tiêm kích hùng hậu, Nga cũng triển khai tại Crimea các đơn vị lính nhảy dù, môtô cơ giới, xe bọc thép, trực thăng tấn công, máy bay do thám không người lái, thiết bị phá sóng và máy tạo khói. Nga cũng xây thêm một bệnh viện dã chiến tại căn cứ ở Crimea, ảnh vệ tinh cho thấy. Trong ảnh, vệ tinh hôm 15/4 ghi lại sự hiện diện của trực thăng tấn công, xe quân sự và bệnh viện dã chiến tại căn cứ Opuk trên bán đảo Crimea. Ảnh: Maxar. |
Các chuyên gia nhận định việc tăng cường hiện diện quân sự tại Crimea cùng các khu vực dọc biên giới Ukraine, trong đó có việc triển khai nhiều tiêm kích Su-34, Su-30, Su-27, Su-25 và Su-24 giúp Nga củng cố lợi thế chính trị, gây sức ép về phía Ukraine. "Họ đã triển khai hỏa lực cần thiết giúp mang lại ưu thế không quân áp đảo trên chiến trường, có khả năng trực tiếp hỗ trợ các đơn vị chiến đấu trên mặt đất", Philip Breedlove, cựu tướng không quân của Mỹ, nhận định. Trong ảnh, dãy tiêm kích Su-30 của Nga tại căn cứ Saki trên bán đảo Crimea. Ảnh: Maxar. |
Trong một báo cáo gửi Quốc hội Mỹ hồi tuần trước, Giám đốc CIA William Burns đánh giá động thái tăng cường lực lượng là cách để Nga răn đe Ukraine, đồng thời gửi thông điệp tới chính quyền Tổng thống Biden. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố Moscow diễn tập nhằm đáp trả mối đe dọa từ NATO. Ông Shoigu cũng cáo buộc chính phủ Ukraine đang tìm cách gây căng thẳng. Moscow cũng tuyên bố Nga có quyền điều động quân đội bên trong lãnh thổ của mình tùy theo nhu cầu. Trong ảnh, lữ đoàn súng trường cơ giới của Nga tại căn cứ Pogonovo, thành phố Voronezh, cách không xa biên giới Ukraine hôm 10/4. Ảnh: Maxar. |
Chính quyền Tổng thống Biden lúc này đã chuẩn bị các phương án cung cấp viện trợ vũ khí sát thương và phi sát thương cho Ukraine trong trường hợp Nga tấn công, bao gồm các hệ thống hỏa lực chống tăng, chống hạm và phòng không. Washington cũng đang cân nhắc mở rộng trừng phạt kinh tế với Moscow. Trong ảnh, lực lượng nhảy dù Nga diễn tập tại căn cứ Angarsky trên bán đảo Crimea hôm 15/4. Ảnh: Maxar. |
Giới chức Mỹ ước đoán Nga hiện triển khai khoảng 80.000 binh sĩ tại Crimea và các khu vực gần biên giới Ukraine. Con số này đã tăng gấp đôi so với một tháng trước. Trong khi đó, quan chức cấp cao phụ trách đối ngoại của EU, ông Josep Borrell, thì cho biết Nga đã triển khai 100.000 quân, quy mô này thậm chí lớn hơn thời điểm Nga đoạt quyền kiểm soát Crimea từ tay chính phủ Ukraine năm 2014. Ảnh: Maxar. |
Một quan chức quân sự Mỹ cho biết lực lượng Nga gần Ukraine hiện bao gồm 48 tiểu đoàn chiến thuật. Dù vậy, tình báo Mỹ hiện chưa thể xác định năng lực hậu cần cùng các đơn vị hỗ trợ mà Nga có thể sử dụng trong trường hợp nổ ra xung đột vũ trang với Ukraine. Ảnh: Maxar. |
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cảnh báo lực lượng Nga sẽ tăng lên 120.000 quân chỉ trong vài tuần tới, đạt mức "đủ để theo đuổi leo thang quân sự". Tại căn cứ Morozovsk, tỉnh Rostov, máy bay Su-34 đã được đưa ra đường băng. Đây là động thái thể hiện tình trạng sẵn sàng chiến đấu đã được nâng lên mức độ cao hơn. Ảnh: Maxar. |