Chip Micro-comb có kích thước nhỏ hơn một đồng xu - Ảnh: Shutterstock. |
Theo bài báo được công bố trên tạp chí Nature Communications vào tháng 5/2020, chip Micro-comb có kích thước 5x9 mm và khối lượng khá nhẹ. Con chip phân tách ánh sáng truyền qua sợi quang thành hàng trăm tín hiệu giống như laser và mỗi tín hiệu được sử dụng để làm kênh truyền thông riêng.
Nhóm nghiên cứu sử dụng chip Micro-comb để truyền tải tín hiệu trong hệ thống cáp quang có chiều dài 76,6 km nối liền khuôn viên 2 trường Đại học RMIT và Đại học Monash. Kết quả, họ có thể tải 1.000 bộ phim với độ phân giải HD chỉ trong một giây.
“Về lâu dài, chúng tôi sẽ tạo ra những con chip có khả năng tích hợp vào hệ thống cáp quang hiện nay để tăng tốc độ mạng với chi phí tối thiểu”, ông Arnan Mitchell, đồng tác giả nghiên cứu tại Đại học RMIT, cho biết.
Theo nhà cung cấp dịch vụ phân phối nội dung Akamai, tốc độ băng thông rộng trung bình ở Australia là khoảng 11 megabit/giây. 1 terabit tương đương 1 triệu megabit, vì vậy kết nối 44,2 terabit/giây mới nhanh hơn 4 triệu lần so với tốc độ trung bình hiện có.
Mặc dù người dùng thông thường không cần đến tốc độ mạng 44,2 Terabit/giây nhưng nó đặc biệt hữu ích cho hoạt động của doanh nghiệp cũng như giúp cho các hệ thống như internet kết nối vạn vật (IoT), điện toán đám mây, xe tự lái, trí tuệ nhân tạo (AI) hoạt động hiệu quả hơn.
Trước đó, kết nối internet nhanh nhất trên thế giới mà người dùng có thể thuê sử dụng là Google Fiber chỉ đạt tốc độ 1 gigabit/giây (1 terabit = 1.000 gigabit). Thậm chí, kết nối phục vụ nghiên cứu khoa học (ESnet) của Bộ Năng lượng Mỹ cũng mới “khiêm tốn” ở mức 400 gigabit/giây và cũng chỉ để phục vụ những tương tác riêng giữa bộ này với Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).
Theo số liệu của Trung Tâm Internet Việt Nam (VNNIC), tốc độ internet trung bình của Việt Nam cho mạng di động là 39,44 megabit/giây và mạng cố định là 61,60 megabit/giây. Theo đó, tốc độ internet mà nhóm nhà khoa học Australia vừa thử nghiệm nhanh hơn khoảng một triệu lần.