Bất kể là bà Clinton hay ông Trump, Tổng thống Mỹ thứ 45 vẫn đối mặt ngay lập tức với ba cuộc khủng hoảng trên thế giới. Ảnh ABC News |
Cuộc nội chiến Syria
Cuộc nội chiến Syria không chỉ là một cuộc xung đột giữa quân chính phủ và lực lượng nổi dậy mà là một bộ sưu tập của các cuộc xung đột tàn phá khu vực Trung Đông. Cuộc nội chiến kéo dài 5 năm này đã biến một xã hội đầy kiêu hãnh và có bề dày lịch sử nghìn năm thành một xã hội bị chia rẽ, tan rã đến mức không thể nào hàn gắn.
Thành phố Aleppo, thành phố lâu đời nhất trong lịch sử nhân loại, giờ đây chỉ còn là một đống hoang tàn với các tòa nhà bị phá hủy. Đây là một trong những cuộc xung đột đô thị kinh hoàng nhất trong lịch sử đương đại.
Vị tổng thống Mỹ thứ 45 sẽ phải đối mặt với một khu vực Trung Đông hỗn loạn nhiều hơn so với cách đây 8 năm. Bình định Trung Đông, hoặc ít nhất là hạn chế bạo lực và giảm dòng chảy của những người tị nạn, sẽ đòi hỏi một sự bắt đầu ngay lập tức việc đánh giá lại chính sách Syria của Mỹ, trước khi vị Tổng thống Mỹ thứ 45 tuyên thệ nhậm chức vào tháng Giêng năm 2017.
Vấn nạn khủng bố
Giải quyết vấn đề Syria có nghĩa là giải quyết vấn nạn khủng bố và chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo mà cái gọi là Nhà nước Hồi giáo đang đại diện. May mắn cho vị Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Mỹ là cái gọi là Nhà nước Hồi giáo đã suy yếu đáng kể so “thời đỉnh điểm” trong tháng 7/2014.
Tuy nhiên, sự co cụm của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) ở miền đông Syria và phía tây Iraq không có nghĩa là phiến quân IS đã bị đánh bại hoàn toàn. Nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo trong năm 2017 sẽ không sa vào vết xe đổ của Al Qaeda trong năm 2010 ở Iraq. Ban lãnh đạo IS đã nắm vững nghệ thuật tuyển dụng thông qua các phương tiện truyền thông xã hội và dễ dàng kích động các cuộc tấn công khủng bố quy mô nhỏ ở nhiều nơi trên thế giới, thông qua “những con sói đơn độc”. Việc trở thành một tín đồ Hồi giáo không phải là một điều kiện tiên quyết để một phần tử cực đoan hành động như một người lính của IS. Tất cả những điều cần phải làm là “con sói đơn độc” này tiến hành tấn công khủng bố nhân danh cái gọi là Nhà nước Hồi giáo.
Đây sẽ là một vấn đề “đau đầu nhức óc” dành cho Tổng thống Mỹ kế nhiệm, một vấn đề mà Tổng thống Obama, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp François Hollande đã có những trải nghiệm không mấy dễ chịu.
Quan hệ với Nga
Quan hệ Mỹ-Nga hiện đang xuống đến mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh. Chính sách “tái khởi động” của chính quyền Obama trong nhiệm kỳ đầu tiên đã bị phá hủy gần như ngay sau khi ông Putin trở lại điện Kremlin làm tổng thống thêm một nhiệm kỳ nữa.
Với ngoại lệ là sự hợp tác của Nga trong các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran, Washington và Moscow hầu như đối đầu trong tất cả các cuộc xung đột trên thế giới. Các cuộc nội chiến Syria, Ukraine, NATO tập trận sát biên giới Nga, cuộc chiến chống ISI và kế hoạch hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân... đã khiến cho quan hệ Mỹ-Nga biến chuyển theo chiều hướng xấu đi.
Tuy nhiên, Nga vẫn là một thế lực toàn cầu rất quan trọng. Bất kể các chính trị gia ở Washington có muốn thừa nhận hay không, một số vấn đề trên thế giới hầu như không thể giải quyết nếu không có sự hợp tác của Nga. Nhưng để có được sự hợp tác của Nga, nước Mỹ cần có một vị tổng thống khiêm tốn và đủ thực tế để hiểu rằng người Nga cũng có lợi ích quốc gia mà họ cần phải bảo vệ.
Tuy Washington khó có thể nhượng bộ về vấn đề Ukraine để có được sự hỗ trợ của Nga ở Syria. Nhưng vị Tổng thống Mỹ thứ 45 cũng không nên hô hào việc tiếp tục mở rộng NATO hoặc ra sức lôi kéo Ukraine gia nhập phương Tây.