Ba phương án tháo gỡ dự án vướng đất công tại TP HCM

(Vietnamdaily) - Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa có văn bản đề xuất 3 phương án xử lý phần đất thuộc Nhà nước quản lý trong dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp (dự án có đất công), thuộc thẩm quyền của UBND TP HCM.

Phương án 1, HoREA đề nghị TP HCM cho phép giao phần đất rạch, bờ đất, đường do Nhà nước quản lý có hình dạng bất định hình (không thể xác định chỉ tiêu quy hoạch thành một dự án độc lập), nằm xen cài rải rác trong dự án nhà ở cho chủ đầu tư mà không phải thực hiện đấu giá.

Giá trị phần đất này được xác định theo "giá đất cụ thể" phù hợp giá thị trường theo quy định của pháp luật đất đai, khi tính tiền sử dụng đất dự án để nộp ngân sách nhà nước, như cách làm hiện nay.

Phương án  2, TP HCM thực hiện chuyển đổi quyền sử dụng đất rạch, bờ đất, đường thuộc Nhà nước quản lý theo cơ chế "chuyển đổi quyền sử dụng đất" và "dồn điền đổi thửa". Cơ chế chuyển đổi được áp dụng là đổi ngang "đất thô", các thửa đất (cũ) thuộc Nhà nước quản lý nằm rải rác trong khu vực đất dự kiến đầu tư, được dồn lại thành một thửa đất (mới) ở ranh khu vực đất để Nhà nước sử dụng hoặc bán đấu giá.

Sau khi "dồn điền đổi thửa", doanh nghiệp sẽ chỉ lập dự án nhà ở thương mại trên phần đất còn lại. Nếu tổ chức đấu giá thì doanh nghiệp đã có quỹ đất liền kề sẽ tham gia và chấp nhận cả mức giá cao nhất để sau đó hợp thửa vào dự án.

Ba phuong an thao go du an vuong dat cong tai TP HCM
 

Phương án 3, trong trường hợp diện tích các phần đất rạch, bờ đất, đường nằm trong dự án nhà ở, do Nhà nước quản lý, có hình dạng xác định, quy mô lớn, có thể xác định chỉ tiêu quy hoạch xây dựng để hình thành dự án độc lập, xác định được giá khởi điểm nên thực hiện đấu giá đất, hoặc đấu thầu dự án để lựa chọn chủ đầu tư.

Theo HoREA, cả phương án 1 và 2 đều có thể thực hiện ngay vì có căn cứ pháp luật. Phương án 2 có lợi cho Nhà nước, vừa thực hiện đổi ngang đất thô, vừa tích tụ được quỹ đất (mới) tập trung, có giá trị cao hơn, so với nhiều thửa đất nhỏ, bất định hình, nằm rải rác trước đây. Doanh nghiệp có bị thiệt thòi vì không còn quỹ đất rạch, bờ đất, đường để phát triển dự án như trước đây. Nhưng họ cũng được lợi vì quy trình thủ tục phê duyệt dự án sẽ thuận lợi và nhanh hơn.

Trong khi đó, để thực hiện phương án 2, UBND TP cần quy định diện tích tối thiểu của các phần đất thuộc Nhà nước quản lý cộng gộp lại, có thể từ 1.000 m2 trở lên. Nếu dưới diện tích này, giao đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án và nộp ngân sách nhà nước theo phương pháp xác định giá đất cụ thể.

Riêng đối với dự án nhà chung cư cao tầng, tùy theo từng dự án, nếu phần đất thuộc Nhà nước quản lý có diện tích đủ để xây dựng từ một block nhà chung cư trở lên, giao phần đất này cho Nhà nước sử dụng xây dựng nhà chung cư hoặc đấu giá để tạo nguồn thu nhằm phát triển nhà ở xã hội. Nếu phần diện tích đất này không đủ để xây dựng một block nhà chung cư thì đề nghị áp dụng phương án 1 để đảm bảo quy hoạch phát triển đô thị.

HoREA: Nếu không tháo điểm nghẽn sẽ có doanh nghiệp phá sản

(Vietnamdaily) - Theo HoREA, thị trường bất động sản TP hiện nay về bản chất không xấu, chưa có nguy cơ bị khủng hoảng, vì vẫn còn nằm trong chu kỳ phục hồi và tăng trưởng.

Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa có báo cáo gửi Thủ tướng và các bộ ngành kiến nghị một số giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản.

Theo HoREA, trong 2 năm gần đây, thị trường bất động sản TP HCM đã bị sụt giảm mạnh nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là tình trạng quá thiếu nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội.

HoREA: Bảng giá đất ở TP HCM đã quá lạc hậu

Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản góp ý kiến về khung giá đất giai đoạn 2019-2024 để khắc phục nội dung bất hợp lý của khung giá đất hiện tại.

Trong văn bản này, HoREA cho rằng Hà Nội và TP.HCM cần có khung giá đất riêng của mỗi thành phố. 

Cụ thể, đối với ba đô thị loại một là thành phố trực thuộc trung ương gồm Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, HoREA đề nghị quy định khung giá đất riêng với mức giá riêng cho từng thành phố, do các thành phố này cũng có nhiều điểm đặc thù, khác biệt và thuộc ba vùng kinh tế khác nhau tại ba miền Bắc, Trung, Nam.