Chân dung bà trùm đội lốt doanh nhân
Phạm Thị Nga (sinh năm 1971) sinh ra và lớn lên tại thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Cao Lộc là một huyện nằm trên QL1A, có đường sắt liên vận quốc tế từ Việt Nam đi qua biên giới Trung Quốc và từ đó đi các nước khác rất thuận lợi cho việc giao thương, buôn bán hàng hóa nên vì thế mà Nga sớm sành sỏi theo nghề buôn chuyến.
Nhận thấy mặt hàng được người dân khu vực giáp biên này ưa chuộng và có nhu cầu rất lớn là cá, mực khô các loại, khoảng cuối những năm 1990, Nga mở rộng thị trường, tìm kiếm nguồn hàng khắp các địa phương trong cả nước.
Đối tượng Nga tại cơ quan công an. |
Mảnh đất được xem là "lành" của Nga không đâu khác chính là Đà Nẵng, nơi thuận tiện cả về vận chuyển, mặt hàng hải sản lại phong phú, giá cả phải chăng…
Quả thực, chỉ vài năm sau khi tiến hành buôn chuyến mặt hàng mực, cá khô tuyến Đà Nẵng - Lạng Sơn và ngược lại, Nga đã dành dụm cho mình số tài sản khá lớn. Đầu năm 2001, Nga quyết định chọn Đà Nẵng làm quê hương thứ hai. Việc đầu tiên là mua nhà, sau đó đưa cả gia đình gồm chồng và 3 con vào sinh sống tại Đà Nẵng...
Năm 2003, Nga ly dị chồng. Một nách nuôi 3 con nhỏ, lăn lộn ngược xuôi Nam - Bắc nên càng ngày càng lọc lõi trong giới kinh doanh. Cùng với việc mua thêm đất, xây nhà trên đường Ngô Quyền (Đà Nẵng) để ở, Nga còn lấn sân sang các loại hình dịch vụ khác như cho vay tín dụng đen, mở trường mầm non, xây dựng khách sạn… với số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng.
Và để thuận tiện cho việc kinh doanh, buôn bán này, Nga không ngừng tạo dựng các mối quan hệ, quen biết với nhiều người. Khi đã hoàn thành xong việc tạo dựng một "vỏ bọc" hoàn hảo, Nga bắt đầu chuyển hướng sang hoạt động mua bán trái phép chất ma túy.
Những năm gần đây, tại hầu hết các địa phương trong cả nước, tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy, đặc biệt là trong giới trẻ rất lớn, tại Đà Nẵng cũng không ngoại lệ. Đối với một người có đầu óc kinh doanh như Nga, việc suy tính kiểu như: sử dụng nhiều thì nhu cầu sẽ cao, nhu cầu cao chắc chắn sẽ đắt hàng, và đắt hàng thì sẽ thu về lợi nhuận khủng…
Với lợi thế của một người sinh ra và lớn lên ở Lạng Sơn - một tỉnh giáp biên giới phía Bắc, nơi được ví là thánh địa của loại hàng hóa đặc biệt này, Nga đã không mất nhiều thời gian, công sức để tìm nguồn cung ma túy.
Từ đây, việc buôn bán các mặt hàng hải sản khô từ Đà Nẵng ra Lạng Sơn được Nga kết hợp với vận chuyển ma túy theo chiều ngược lại. Bà trùm ma tuý được ngụy trang bằng vỏ bọc một doanh nhân, hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy thời gian đầu khá suôn sẻ và Nga giàu lên nhanh chóng.
8 tháng theo dấu bà trùm
Đầu năm 2014, người dân quanh khu vực Bến xe Trung tâm TP Đà Nẵng cung cấp thông tin cho rằng, hiện có một phụ nữ nói giọng phía Bắc thường xuất hiện tại đây và có nhiều biểu hiện rất đáng ngờ. Nguồn tin khẳng định, người phụ nữ có những biểu hiện của một dân buôn, tuy nhiên, không phải buôn bán hàng hóa bình thường mà có thể đó là hàng cấm.
Bởi, biểu hiện của chị ta thường lấm lét, quan sát trước sau và nhanh chóng đến rồi đi như thể sợ ai đó phát hiện. Thông tin quan trọng này được kết hợp với công tác nghiệp vụ cơ bản, công tác quản lý địa bàn, tuyến, lĩnh vực của lực lượng trinh sát cho ra khả năng người phụ nữ nói giọng Bắc hoạt động phạm pháp là có cơ sở.
Mặc dù trong thời điểm tập trung lực lượng, phương tiện bảo vệ Tết Nguyên đán 2014, tuy nhiên theo chỉ đạo của cấp trên, lực lượng trinh sát phải gánh thêm trọng trách nặng nề nữa, đó là phải xác minh cho được người phụ nữ lạ mặt đó là ai, tại sao chị ta lại có những biểu hiện bất minh như thế.
Những trinh sát dày dạn kinh nghiệm của Phòng CSĐT tội phạm về ma túy được tung vào cuộc và chỉ sau thời gian ngắn, khoảng đầu tháng 2/2014, chân dung người phụ nữ nói giọng Bắc được xác định là Phạm Thị Nga. Bí mật đầu tiên đã giải được, còn câu hỏi thứ hai, khó khăn hơn vẫn còn bỏ ngỏ.
Tiếp tục tiến hành giám sát, theo dõi chặt chẽ ngôi nhà trên đường Cao Sơn Pháo, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ mà Nga đang ở, các trinh sát nhận thấy thỉnh thoảng có một số đối tượng mặt mày bặm trợn, xăm trổ đầy mình xuất hiện rồi nhanh chóng biến mất.
Điều đáng nói là Nga cũng chỉ ở đây vài ngày rồi chuyển qua khách sạn Honey trên đường Ngô Quyền. Qua kiểm tra, xác minh chủ sở hữu khách sạn Honey, lực lượng trinh sát phát hiện Nga chính là chủ của khách sạn này, đồng thời ngôi nhà trên đường Cao Sơn Pháo cũng được Nga "kê biên" cho mình sau khi chủ ngôi nhà vay tiền Nga nhưng không có trả. Mở rộng xác minh, lực lượng trinh phát hiện thêm Nga còn có một cơ sở giáo dục mầm non tại phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) do con gái là Phạm Thị Bích Phượng (1992) đứng tên.
Trước những biểu hiện bất minh về kinh tế, câu hỏi đặt ra là Nga kinh doanh mặt hàng gì mà có thể làm giàu nhanh chóng, với khối tài sản khổng lồ như vậy, trong khi buôn bán cá, mực khô thì không thể. Khi cơ quan điều tra đang tìm câu trả lời thì cuối tháng 2/2014, Nga bắt đầu bộc lộ nhiều bất minh trong quan hệ.
Theo đó, Nga thường xuyên liên hệ, tiếp xúc với các đối tượng mua bán trái phép chất ma túy nằm trong diện quản lý của Phòng CSĐT tội phạm về ma túy CATP Đà Nẵng. Từ đây, những nghi vấn về Nga dần được sáng tỏ: Nga hoạt động mua bán trái phép chất ma túy.
Sau khi xác định được hoạt động phạm tội của Nga, lực lượng trinh sát Phòng CSĐT tội phạm về ma túy CATP kiên trì theo dõi, bám sát mọi di biến động của đối tượng liên tục 24/24 giờ.
Quá trình theo dõi cho thấy, Nga thường gặp gỡ các đối tượng hoạt động mua bán trái phép chất ma túy tại những nơi vắng vẻ, vào thời điểm khuya khoắt; thỉnh thoảng các đối tượng lại xuất hiện tại khách sạn, thậm chí thuê phòng ở lại khách sạn của Nga trên đường Ngô Quyền. Mặc dù nắm được quan hệ của Nga với các đối tượng, nhưng để chứng minh được nguồn hàng ở đâu, số lượng bao nhiêu… là rất khó khăn.
Bởi Nga chỉ tiếp xúc với các đối tượng là “đại lý” quen biết từ trước, và Nga cũng rất ít khi ra khỏi địa bàn. Củng cố thêm thông tin, nhận thấy cần phải tập trung lực lượng, huy động phương tiện để làm rõ hành vi phạm tội của Nga và đường dây ma túy này, tháng 4/2014, lãnh đạo Phòng CSĐT tội phạm về ma túy đã chủ động đề xuất và được Đại tá Lâm Cao Luynh - Phó Giám đốc CATP Đà Nẵng phê chuẩn lập Chuyên án 124N để đấu tranh, chủ công và trực tiếp là Đội 2, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy.
Có một điều dễ nhận thấy là những tháng đầu năm, lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy toàn thành phố tập trung đấu tranh, phá nhiều vụ án, chuyên án ma túy lớn, bắt hàng chục đối tượng, nhưng ở thành phố không có biểu hiện cháy, khan hiếm hàng.
Bên cạnh đó, lượng người nghiện ma túy, đặc biệt là ma túy đá tăng mạnh, vậy nguồn hàng từ đâu cung cấp? Câu hỏi đặt ra là, có hay không nguồn cung cấp ma túy lớn chưa bị phát hiện? Để tìm đáp án, ban Chuyên án 124N đã nhiều lần họp, đánh giá tình hình và đưa ra giải pháp đấu tranh.
Qua công tác trinh sát, ban chuyên án nhận định nguồn hàng được Nga lấy từ các tỉnh phía Bắc như Lạng Sơn, Hà Nội, thậm chí đưa từ Trung Quốc về. Do nguồn cung phong phú, giá cả phải chăng nên Nga đem về bán cho các “đại lý” với giá rẻ hơn bình thường. Chính vì điều này mà lượng hàng Nga cung cấp cho thị trường Đà Nẵng khá dồi dào. Nắm được quy luật này, sau khi trinh sát thu thập tài liệu, diễn biến quá trình điều tra đều báo cáo trực tiếp cho đồng chí Trưởng, Phó ban Thường trực ban chuyên án để có hướng chỉ đạo theo từng tháng một.
Đến cuối tháng 9/2014, thông tin trinh sát cho biết Nga vắng mặt tại địa phương một thời gian. Sau khi xác minh thì biết được Nga đi Hà Nội để chữa bệnh và giao toàn quyền quản lý ở nhà cho con gái tên Phạm Thị Bích Phượng. Được biết, Phượng sau khi tốt nghiệp ngành kế toán một trường cao đẳng thì về quản lý trường Mầm non Sao Sáng cho Nga. Biết mẹ buôn ma túy, thời gian đầu Phượng có khuyên nhủ, nhưng Nga vẫn lôi kéo con vào con đường này.
Dù tài sản cố định rất nhiều, nhưng Nga vẫn lấy lý do nợ ngân hàng tiền mua trường mầm non để gây áp lực với con gái. Khi biết đường dây và các đệ tử thân tín bị theo dõi, Nga vẫn đánh liều cho Phượng đi giao ma túy.
Ban chuyên án nhận định, có thể Nga đi chữa bệnh và kết hợp với tìm kiếm thêm nguồn hàng. Nhận định trên là có cơ sở khi ban chuyên án phối hợp với lực lượng CATP Hà Nội kiểm tra, phát hiện Nga thường xuyên tìm đến các đầu mối cung cấp ma túy (dạng thuốc lắc) để liên hệ mua hàng với số lượng lớn. Nắm được thông tin quan trọng nêu trên, một lần nữa ban chuyên án tổ chức họp, triển khai công tác đánh án.
Quan điểm tối ưu được Đại tá Lâm Cao Luynh – Trưởng ban chuyên án đưa ra là làm mọi cách phải bắt cho được Nga, thu được lượng hàng lớn trước khi thị tung ra thị trường. Mệnh lệnh ngắn gọn nhưng lại chứa đựng sức nặng khổng lồ, cũng là áp lực, trăn trở đặt ra cho lực lượng trực tiếp đánh án.
Ban chuyên án xác định thời gian khoảng giữa tháng 10/2014 Nga sẽ về Đà Nẵng, có thể sẽ trực tiếp mang hàng về theo đường bộ hoặc cũng có thể gửi hàng qua các phương tiện khác rồi đón nhận tại Đà Nẵng... Mọi nhận định, phương án được ban chuyên án đưa ra, đồng thời cắt cử trinh sát bám sát đối tượng.
Sau khi nắm được thông tin ngày 18/10 Nga sẽ đi xe tốc hành từ Hà Nội về Bến xe Trung tâm Đà Nẵng, một tổ trinh sát được lệnh lên xe đi cùng. Nhiệm vụ đặt ra là phải giám sát chặt chẽ Nga, bởi nếu giữa đường Nga thay đổi lịch trình thì sẽ mất dấu. Khi xe đến địa phận TT-Huế, một tổ trinh sát khác được phân công thay thế công tác giám sát đối tượng.
22h ngày 18/10, trong khi Nga đang bình thản ngồi trên xe thì tại Đà Nẵng, ban chuyên án tổ chức họp khẩn, triển khai kế hoạch phá án. Theo đó, ban chuyên án huy động toàn bộ lực lượng, phân công 5 tổ trinh sát chốt chặn tại các địa điểm dọc tuyến từ hầm đèo Hải Vân về trung tâm thành phố, quyết không cho đối tượng có cơ hội tẩu thoát.
8h30 ngày 19/10/2014, chiếc xe khách từ Hà Nội về đến Bến xe Trung tâm Đà Nẵng an toàn, các hành khách lục đục xách hành lý xuống xe sau một đêm dài mệt mỏi. Khi một người phụ nữ được xác định là Nga ôm hành lý trên tay vừa bước xuống xe, lập tức tổ trinh sát bám theo trên tuyến xuống cùng và khóa chặt tay. Nga chỉ kịp thốt lên một câu: “Em biết tội của em rồi” và sững lại, chân tay run rẩy.
Cùng thời điểm đó, các tổ trinh sát khác được phân công theo dõi tại ngôi nhà ở đường Cao Sơn Pháo, khách sạn Honey ở đường Ngô Quyền, trường mầm non ở phường Thọ Quang nhận lệnh tấn công và đều thu được kết quả mỹ mãn. Khám xét hành lý của Nga, tổ trinh sát tại bến xe thu được 2.508 viên ma túy tổng hợp dạng thuốc lắc (thông tin ban đầu là 2.340 viên).
Tại ngôi nhà ở đường Cao Sơn Pháo, trinh sát thu được nhiều giấy tờ, hóa đơn, súng bắn điện và hàng chục cây đao tự tạo chứng minh hành vi phạm tội của Nga. Tại khách sạn Honey, trinh sát thu được 140g ma túy tổng hợp dạng đá và đặc biệt, tại trường mầm non thu được hơn 2,2kg ma túy tổng hợp dạng đá...
Ghi nhận thành tích của Ban chuyên án, chiều 20/10/2014, lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng đã quyết định trao thưởng cho Ban chuyên án với số tiền 30 triệu đồng.
Liên quan đến hoạt động tại trường Mầm non Sao Sáng, nơi cất giấu 2,2kg ma túy đá, sau khi sự việc xảy ra, phụ huynh của 94 cháu trong độ tuổi từ 24 tháng đến 6 tuổi tỏ ra hoang mang, lo lắng về sự an toàn của con em mình cũng như vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Chiều 24/10/2014, UBND phường Thọ Quang đã tổ chức đối thoại với phụ huynh và khẳng định, trường vẫn hoạt động bình thường.
Được biết, trường Mầm non Sao Sáng đi vào hoạt động từ tháng 9/2014, mặc dù đứng tên song Phạm Thị Bích Phượng chỉ quản lý về ngân sách chứ không làm công tác giáo dục. Ngay khi Phan Thị Nga bị bắt, chồng cũ bà này đến nhận mình là người đã bỏ tiền ra mua lại trường và lương tháng 9 của 12 giáo viên cũng do ông chi trả.