Căng thẳng ở biên giới Trung- Ấn được ghi nhận bởi xuất hiện các vũ khí hạng nặng trong khu vực song phía Bắc Kinh khẳng định tình hình đang được kiểm soát và ổn định.
Binh sĩ Trung Quốc đứng cạnh nhóm lính Ấn Độ nằm dưới đất sau vụ ẩu đả gần hồ Pangong Tso hồi tháng 4. Ảnh: SCMP. |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết, Trung Quốc và Ấn Độ duy trì đều đặn các kênh liên lạc ngoại giao và quân sự về những vấn đề tại các khu vực biên giới giữa hai nước, đồng thời khẳng định tình hình biên giới giữa hai nước nhìn chung ổn định và trong tầm kiểm soát.
“Về vấn đề biên giới Trung Quốc - Ấn Độ, Trung Quốc luôn nghiêm túc tuân thủ sự đồng thuận đã đạt được giữa lãnh đạo hai nước, thực hiện nhiêm chỉnh những thỏa thuận đã ký, luôn nỗ lực bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh quốc gia, cũng như duy trì hòa bình và ổn định tại các khu vực biên giới." - ông Triệu nêu rõ.
Ông Triệu Lập Kiên cũng bày tỏ tin tưởng rằng các vấn đề giữa Trung Quốc và Ấn Độ có thể được giải quyết một cách thỏa đáng thông qua đàm phán.
Tình hình ở khu vực biên giới đã leo thang trong những ngày qua.
Tờ ANI của Ấn Độ hôm 2/6 dẫn các nguồn tin trong quân đội Ấn Độ cho biết, đã xuất hiện các chiến đấu cơ J-7 và J-11 của Trung Quốc bay rất gần biên giới tranh chấp với Ấn Độ.
New Delhi đang theo dõi sát sao hoạt động của các chiến đấu cơ Trung Quốc, sau khi các máy bay này bay rất gần biên giới tranh chấp.
Trung Quốc duy trì phi đội khoảng 10-12 chiến đấu cơ J-7 và J-11 ở căn cứ Hotan và Gargusa. Các căn cứ này cách vùng tranh chấp ở Ladakh khoảng 100-150km.
“Phía Trung Quốc duy trì khoảng 10-12 chiến đấu cơ thường trực. Các máy bay J-7 và J-11 này thường xuyên áp sát biên giới Ấn Độ. Chúng tôi đang theo dõi sát sao tình hình... Các chiến đấu cơ Trung Quốc thường bay sát vùng biên giới tranh chấp, có lúc chỉ còn cách khoảng 10km” - nguồn tin nói trên tờ ANI.
Trước đó, hôm 31/5, quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đã đưa vũ khí hạng nặng đến các căn cứ hậu phương gần đường Ranh giới thực tế (LAC) giữa hai nước.
Quân đội Trung Quốc đã tăng cường các xe kéo pháo, xe chiến đấu bộ binh và các khí tài quân sự hạng nặng khác, phía Ấn Độ cũng điều thêm binh sĩ và các trang thiết bị như súng, pháo tương ứng.
Các nguồn tin quân sự Ấn Độ cho biết nước này sẽ không "xuống thang căng thẳng" cho đến khi hiện trạng được khôi phục ở khu vực hồ Pangong, thung lũng Galwan và một số khu vực khác.
Quân đội Ấn Độ đã phản đối quyết liệt sự vi phạm của quân đội Trung Quốc và yêu cầu Bắc Kinh rút ngay lập tức để khôi phục hòa bình và yên tĩnh trong khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh ngày 31/5 tuyên bố New Delhi sẽ không để "niềm tự hào bị tổn thương" trong căng thẳng biên giới hiện nay với Trung Quốc, nhưng quyết tâm giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán với Bắc Kinh.
Phát biểu trên kênh truyền hình Aaj Tak, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ so sánh tình trạng hiện nay với thời điểm năm 2017 mà ông mô tả là "rất căng thẳng" tại cao nguyên Doklam.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh Ấn Độ theo đuổi chính sách rõ ràng là duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng, theo đó cố gắng để đảm bảo "căng thẳng không leo thang", đồng thời khẳng định New Delhi và Bắc Kinh có cơ chế giải quyết các vấn đề thông qua đàm phán ngoại giao và quân sự.
Khu vực tranh chấp ở biên giới Trung- Ấn. |
Theo Petri Mäkelä, người am hiểu về tình hình ở Ấn Độ chia sẻ trên Express, các máy bay Trung Quốc đang gây sức ép gián tiếp trước những diễn biến căng thẳng dưới mặt đất.
Căn cứ Hotan của Trung Quốc từ lâu đã trở thành mục tiêu mà quân đội Ấn Độ chú ý. Các máy bay Pakistan thường xuất hiện ở căn cứ này mỗi khi tham gia tập trận.
Còn phía Ấn Độ hiện sử dụng máy bay không người lái (UAV) để theo dõi hoạt động quân sự của Trung Quốc dọc biên giới ở thung lũng Galwan
Gần đây, cả Ấn Độ và Trung Quốc đều tăng viện đến điểm nóng tranh chấp ở vùng Ladakh, với sự xuất hiện của các trang thiết bị vũ khí hạng nặng.
Chiến đấu cơ J-11 được Trung Quốc. |
Báo Times of India dẫn các nguồn tin cho rằng, cuộc đối đầu Ấn Độ- Trung Quốc trên biên giới có khả năng sẽ kéo dài qua mùa hè này, trong bối cảnh cả hai bên đều tăng cường triển khai lực lượng tại đây.
Ở thời điểm hiện tại, cuộc đối đầu diễn ra tại 4 điểm - 3 điểm ở khu vực Galwan, gồm một tại ngã ba Galwan hoặc điểm tuần tra 14 (PP 14), PP 15 và Gogra PP 17. Điểm thứ tư là tại hồ Pangong.
Theo các quan chức, Ấn Độ sẽ không giảm bớt hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng. Rõ ràng Ấn Độ có các tuyến tiếp tế ngắn hơn Trung Quốc, nên có khả năng duy trì tốt hơn trong trường hợp xảy ra xung đột.
Với việc triển khai thêm binh sĩ và vũ khí, các quan chức khẳng định, Ấn Độ có thể sánh ngang với Trung Quốc về vũ khí, lực lượng và chiến lược. Cho đến nay, Chính phủ Ấn Độ cho rằng, vấn đề Trung Quốc xâm nhập có thể được giải quyết ở cấp địa phương giữa các chỉ huy quân sự. Tuy nhiên, New Delhi cũng chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc đối đầu kéo dài.
Hãng DW (Đức) bản tiếng Trung nhận định, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều là các quốc gia có vũ khí hạt nhân, nên khả năng xảy ra cái gọi là "chiến tranh toàn diện" là rất nhỏ, nhưng một cuộc xung đột quy mô nhỏ rất có thể xảy ra.