Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, tài liệu y khoa Việt Nam và thế giới chưa ghi nhận các ca phẫu thuật tương tự.
Ảnh minh họa: Internet.
Tiến sĩ, bác sĩ Phùng Tuyết Lan - Phó trưởng khoa Ung bướu Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết bệnh nhi là bé Đoàn Thế Bảo (30 tháng tuổi, ở Lạng Sơn). Bệnh nhi bị tiêu chảy kéo dài, chướng bụng, hạ kali máu từ lúc 20 tháng tuổi và thường xuyên phải nhập viện điều trị nhưng không có kết quả.
Lần này, bé được nhập viện tại Khoa Ung bướu với các dấu hiệu cao huyết áp, tiêu chảy ngày 5-7 lần, siêu âm bụng nghi ngờ có u tuyến thượng thận hai bên.
CT ổ bụng phát hiện hai khối u sau phúc mạc dọc hai bên cột sống cạnh tuyến thượng thận, các khối u bao quanh động mạch chủ bụng. CT lồng ngực phát hiện các khối u nằm ở trung thất sau dọc hai bên cột sống. May mắn, các xét nghiệm khác cho thấy khối u chưa có di căn xa.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định sinh thiết kim dưới hướng dẫn siêu âm khối u sau phúc mạc.
Bé Bảo được chẩn đoán là u nguyên bào thần kinh và điều trị hóa chất bốn đợt theo phác đồ, song kích thước các khối u không có xu hướng nhỏ lại. Trước tình hình đó, các bác sĩ đã đưa ra quyết định phẫu thuật cho cháu bé. Ca mổ dự tính rất khó khăn vì khối u ở nhiều nơi và nằm cả hai khoang sau phúc mạc và trung thất sau.
PGS. TS. Trần Ngọc Sơn, Phó trưởng khoa Ngoại, phẫu thuật viên chính thực hiện ca mổ cho biết, u nguyên bào thần kinh là một trong những ung thư hay gặp nhất ở trẻ em. Tuy nhiên u nguyên bào thần kinh nguyên phát nhiều khối (đa ổ) như trường hợp bé Bảo là rất hiếm gặp.
Với các khối u nguyên bào thần kinh ở cả lồng ngực và ổ bụng, các nghiên cứu trước đây trên thế giới đều khuyến cáo điều trị phẫu thuật nhiều thì. Bệnh nhân thường được phẫu thuật thành ít nhất hai lần, một lần ở ổ bụng và một lần ở lồng ngực (hoặc hai lần ở lồng ngực nếu u hai bên), các ca mổ cách nhau khoảng một tháng hoặc lâu hơn.
Trường hợp bé Bảo, u nguyên bào thần kinh phát triển nhiều khối ở cả ổ bụng lẫn lồng ngực ở hai bên cột sống khiến nguy cơ tử vong rất cao.
Tuy nhiên, nếu phẫu thuật được một lần an toàn thì bệnh nhân giảm thời gian phải chịu đau đớn, giảm số lần nhập viện và tổng thời gian nằm viện, giảm gánh nặng chi phí điều trị cho gia đình người bệnh cũng như bệnh viện… Do đó, các bác sĩ Khoa Ngoại, Bệnh viện Nhi Trung ương quyết định thực hiện phẫu thuật một lần, cắt toàn bộ các khối u. Việc gây mê hồi sức và kế hoạch mổ đã được tính toán tỉ mỉ để đảm bảo an toàn cho bệnh nhi.
Bé Bảo được phẫu thuật mở ổ bụng cắt toàn bộ các khối u ở bụng, bảo tồn hai tuyến thượng thận, và ngay sau đó nội soi lồng ngực hai bên cắt toàn bộ các khối u ở lồng ngực. Kíp mổ thực hiện thành công sau 5 giờ.
Ngày thứ ba sau mổ, bé Bảo đã phục hồi tốt, có thể ăn lại bằng đường miệng, hết tiêu chảy. Cháu được xuất viện ngày thứ 9 sau mổ trong trạng thái sức khỏe tốt và được hẹn theo dõi khám định kỳ.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung Ương, tài liệu y khoa Việt Nam và thế giới chưa ghi nhận các ca phẫu thuật tương tự.
Các bác sĩ khuyến cáo, trẻ bị tiêu chảy kéo dài không rõ nguyên nhân nên làm thêm các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh để phát hiện các bệnh lý nguyên nhân hiếm gặp như u nguyên bào thần kinh.