Bác sỹ 115 kể về áp lực nghề nghiệp

Tỉnh dậy sau 5 ngày hôn mê, thầy giáo Nguyễn Thành Trung ngơ ngác nhìn người vợ trẻ đang khóc òa. Chị ôm chầm lấy anh và luôn miệng nói: "Cảm ơn trời phật, cảm ơn bác sỹ và cảm ơn anh đã trở về với mẹ con em…".

Khi bác sĩ hỏi anh có nhớ gì không, thầy giáo Trung lắc đầu nhẹ nhẹ! Anh đâu biết được mình vừa từ "cõi chết" trở về.
Mải mê với công việc dạy học và chủ quan không điều trị thuốc thường xuyên mặc dù biết mình có tiền sử hen phế quản từ nhỏ, thầy giáo Nguyễn Thành Trung không ngờ mình bị nhiễm khuẩn hô hấp. Đây là yếu tố khởi phát tình trạng khó thở tăng dần và đáp ứng kém với các thuốc điều trị.
Những chiếc xe cứu thương sẵn sàng chờ lệnh lên đường.
Những chiếc xe cứu thương sẵn sàng chờ lệnh lên đường. 
Khoảng 1h trước khi vào viện, thầy Trung rơi vào tình trạng khó thở dữ dội, gia đình gọi cấp cứu 115. Khi nhân viên 115 có mặt tại nhà, thầy đã mất ý thức, ngừng thở, mất mạch cảnh, ngừng tuần hoàn. Nhân viên 115 tiến hành ép tim ngoài lồng ngực, kèm theo bóp bóng oxy, tiêm adrenalin tĩnh mạch.
Thật kỳ diệu, sau 15 phút thì có mạch trở lại, tiếp đến thầy được đặt mask thanh quản, bóp bóng oxy, và được chuyển đến Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực (CC&HSTC) - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (BVĐHYHN).
Chúng tôi có mặt tại Khoa CC&HSTC - BVĐHYHN, nơi mà lúc nào cũng đông người và trong tình trạng quá tải. Nhìn người nhà các bệnh nhân lo lắng đứng ngồi không yên, cứ cố nhìn vào bên trong qua lớp kinh mờ, thầm cầu mong cho người thân của mình tai qua nạn khỏi. Được sự đồng ý của lãnh đạo khoa, chúng tôi xin phép vào thăm thầy Trung.
Tại bệnh viện, thầy được hồi sức tích cực bằng thở máy và dùng thuốc giãn phế quản cắt cơn hen, duy trì thuốc vận mạch. Sau 3 ngày điều trị, tình trạng ý thức của thầy phục hồi dần, hô hấp được cải thiện. Sang ngày thứ 5 đã được rút ống nội khí quản và tự thở oxy kính. Hiện tại, sau 1 tuần điều trị, thầy đã tỉnh táo và không cần hỗ trợ đặc biệt về các phương tiện cấp cứu.
ThS. Nguyễn Tiến Thành, bác sĩ điều trị cho thầy giáo Trung chia sẻ: "Tôi nhớ lúc đó khoảng hơn 5h, bệnh nhân Trung được nhân viên cấp cứu 115 đưa vào khoa trong tình trạng hôn mê sau ngừng tuần hoàn. Qua thăm khám và khai thác thông tin người nhà, chúng tôi nhận định nguyên nhân ngừng tuần hoàn là do cơn hen phế quản nguy kịch.
Tình trạng này rất thường gặp. Dù vậy, tỉ lệ cấp cứu thành công không nhiều, bệnh nhân có nhiều biến chứng và di chứng sau quá trình điều trị, thậm chí tử vong. Khi bệnh nhân Trung tỉnh lại, nhìn những giọt nước mắt hạnh phúc của người vợ, chúng tôi rất vui mừng".
Thầy Trung được điều trị tại Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực.
Thầy Trung được điều trị tại Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực. 
Hiện tại, cả nước đã và đang áp dụng phác đồ cấp cứu ngừng tuần hoàn theo khuyến cáo mới nhất của Hội Tim mạch học Hoa Kỳ. Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS. Hoàng Bùi Hải - Trưởng khoa CC&HSTC - BVĐHYHN cho biết: "Thành công trong điều trị đến từ việc tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn rất chuyên nghiệp của nhân viên cấp cứu 115, cấp cứu ngừng tuần hoàn cơ bản ở những phút đầu tiên là điều quyết định nhất, bên cạnh đó là điều trị hồi sức tích cực trong bệnh viện để loại bỏ nguyên nhân gây ngừng tuần hoàn cùng hồi sức các tạng bị suy.
Với bệnh nhân Trung, sau đây cần được tư vấn và kiểm soát cơn hen chặt chẽ hơn. Để xử trí bệnh nhân ngừng tuần hoàn ngoài viện, người chứng kiến cần phát hiện nhanh tình trạng ngừng tuần hoàn với 3 dấu hiệu như: Mất ý thức, ngừng thở và mất mạch cảnh.
Ngay lập tức phải gọi cấp cứu 115, đặt bệnh nhân lên nền cứng, có thể dưới sàn nhà, đồng thời tiến hành ép ngực bệnh nhân bằng cách đặt tay lên giữa ngực ép mạnh xuống, tần số nhanh khoảng 120 lần/phút, thả tay hết cỡ để ngực nở tối đa. Nếu có thể thì phối hợp ép ngực 30 lần- thổi ngạt 2 lần. Ép ngực liên tục cho đến khi đội cấp cứu 115 đến.
Không nên vận chuyển bệnh nhân rời khỏi hiện trường khi tuần hoàn chưa tái lập. Trường hợp bệnh nhân Trung, thật may mắn là được xử trí cấp cứu một cách kịp thời và chuyên nghiệp từ ngoài bệnh viện đến trong bệnh viện, đó là những điểm sáng trong bối cảnh hiện nay khi chuyên ngành cấp cứu trước viện chưa được phát triển đúng mức.
Thêm một cuộc sống được ngành Y cấp cứu giành giật lại được từ bàn tay tử thần thực sự là một động viên vô cùng quan trọng cho các nhân viên y tế nói chung và những người đang công tác trong chuyên ngành hồi sức cấp cứu, cấp cứu trước viện nói riêng".
Thật may cho thầy giáo Trung, hôm đó vợ anh gọi cấp cứu vào lúc 5h, khi đường còn thông thoáng nên xe cấp cứu đến kịp thời. Trực tiếp và là Trưởng kíp cấp cứu cho thầy giáo Trung, bác sĩ Nguyễn Hồng Diễn kể: "Khi đang thiu thiu ngủ thì nhận được thông báo, chúng tôi vội vã lên đường, tới nhà bệnh nhân Trung, nhìn mọi người ôm nhau khóc, tôi chấn tĩnh gia đình, hỏi nhanh nguyên nhân rồi cùng đồng nghiệp tiến hành ép tim ngoài lồng ngực, kèm theo bóp bóng oxy, tiêm adrenalin tĩnh mạch. Thật may, khoảng hơn 10 phút bệnh nhân có mạch trở lại".
Khi được hỏi về những khó khăn vất vả của công việc hiện tại, bác sĩ Diễn cười nhẹ: "Nhiều năm gắn bó với nghề, với những ca cấp cứu ở vị trí như nghĩa trang, trong hẻm nhỏ, đường vắng... Các bác sĩ nữ chúng tôi đều phải quyết tâm, vượt qua nỗi sợ hãi để tiếp cận bệnh nhân một cách nhanh chóng.
Bên cạnh đó, khi cấp cứu cho người bệnh tại các công trình bị sập, cháy nổ, mưa lũ… vô cùng nguy hiểm. Lúc ấy, chỉ nhiệt huyết, bản lĩnh và tâm nghề mới giúp chúng tôi vượt qua khó khăn, sợ hãi, để hoàn thành công việc".
Chúng tôi thật bất ngờ khi biết thông tin, chỉ có 20 chiếc xe cấp cứu 115 phục vụ gần 8 triệu dân TP Hà Nội. Trung bình mỗi ngày có khoảng 100-200 ca cần cấp cứu, có những thời điểm, các kíp cấp cứu đang trên đường vận chuyển người bệnh đến bệnh viện đã vội nhận lệnh đến cấp cứu bệnh nhân khác. Vậy mà họ vẫn âm thầm nỗ lực, kiên trì vượt qua mọi khó khăn vì người bệnh bằng cái tâm của người thầy thuốc.
Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ 1 triệu dân cần có 15 kíp xe cấp cứu, hiện Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội chỉ có 14 kíp phục vụ cho 8 triệu dân toàn thành phố. Tỷ lệ mới hơn 1/10 này đã đủ cho thấy áp lực và khó khăn dồn lên lực lượng 115 Hà Nội trong công tác cấp cứu trước bệnh viện.
Trong khi đó, không chỉ đáp ứng nhu cầu cấp cứu của người dân Thủ đô, Trung tâm còn phục vụ các hoạt động văn hóa, chính trị, xã hội của Trung ương và Hà Nội khi được giao nhiệm vụ. Điều khó khăn của Trung tâm trong quá trình cứu bệnh nhân là xe cứu thương gặp phải cảnh tắc đường, người nhà bệnh nhân thì mong bác sĩ đến nhanh nhưng việc tắc đường khiến bác sĩ không đến nhanh được.
Mỗi ngày, tổng đài cấp cứu 115 Hà Nội nhận được khoảng 600 - 800 cuộc gọi nhưng chỉ có hơn 100 cuộc báo tin người bệnh chính xác.
Tiếng còi hú của những chiếc xe cứu thương từ lâu đã trở thành âm thanh quen thuộc trong lòng thành phố. Đằng sau những tiếng hú đó là sự sống của một hoặc nhiều sinh mạng đang cầu cứu. Thế nhưng, nhiều người dân thiếu ý thức không nhường đường cho xe ưu tiên.
Tệ hơn, họ còn dùng sim khuyến mại gọi điện đến Trung tâm cấp cứu trêu đùa, báo giả, có người gọi đến để tâm sự. Khi nhân viên của Trung tâm cúp máy họ liên tục gọi lại, không kể ngày đêm gây bức xúc cho nhân viên trực và đặc biệt là những bệnh nhân cần cấp cứu sẽ khó liên lạc được với Trung tâm.
Công việc cứu người của các bác sĩ tại Trung tâm cấp cứu 115, nhìn thì tưởng rất đơn giản nhưng vô cùng căng thẳng, áp lực với vô số công việc và sự việc phát sinh không thể đếm xuể. Những ngày lễ Tết, ai cũng mong được nghỉ để mua sắm, chuẩn bị đón Tết, còn các bác sĩ tại Trung tâm vẫn âm thầm với công việc của mình.
Với bác sĩ Trung tâm cấp cứu 115 là luôn phải đi trước, đón đầu và lặng thầm trước những nguy hiểm, đau đớn của bệnh nhân và thậm chí rớt nước mắt, hay nở nụ cười tươi sau mỗi ca cấp cứu kịp thời đưa bệnh nhân từ cõi tử trở về.
Làm việc tại trung tâm, việc phải trực đêm đã quá quen thuộc với bác sĩ Nguyễn Hồng Diễn, giống như những đồng nghiệp đang làm việc tại các bệnh viện trên cả nước. Có những đêm trực cao điểm, bác sĩ Diễn và đồng nghiệp thức trắng để tham gia hơn 15 chuyến cấp cứu cho người bệnh.
Chị chia sẻ: "Chúng tôi vui vì bệnh nhân đã chuyển viện an toàn, chúng tôi buồn vì bệnh nhân quá nặng mà không thể cứu được nữa như những bệnh nhân nhồi máu cơ tim diện rộng, sốc tim và những tai nạn quá nặng như vỡ sọ, chấn thương sọ não... Chúng tôi thất vọng vì còn đó sự hành hung nhân viên y tế của một số người nhà bệnh nhân"!