Bài 1 - “Đất tặc” ngang nhiên xẻ đồi, khoét núi ở xã Thành Công, Thái Nguyên
Hơn chục quả đồi ở các thôn của xã Thành Công (Phổ Yên, Thái Nguyên) đang ngày đêm bị “xẻ thịt” công khai để lấy đất bán. Trong khi người dân bức xúc kêu than thì chính quyền xã lại mơ hồ nói rằng do lực lượng mỏng.
Mới đây, phản ánh đến đường dây nóng của Báo Tri thức và Cuộc sống, nhiều người dân ở xã Thành Công (Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) tỏ ra vô cùng bức xúc trước tình trạng đồi núi bị “xẻ thịt”, san gạt lấy đất bán trái phép gây thất thoát tài nguyên. Đặc biệt là tình trạng các xe tải chở đất, đá tung hoành “băm nát” đường giao thông, gây ô nhiễm môi trường.
Theo phản ánh của người dân địa phương, việc xẻ đồi, khoét núi lấy đất đem bán diễn ra từ khoảng 2 năm nay nhưng không được chính quyền địa phương ngăn chặn, xử lý dứt điểm, thậm chí có hiện tượng chính quyền buông lỏng quản lý khi tình trạng này ngày càng diễn ra rầm rộ và công khai hơn. Đặc biệt, trong số những “mỏ đất” trái phép có cả của cán bộ thôn, xóm, thậm chí là cán bộ xã?
Mời độc giả xem video: Ngày đêm xẻ đồi, khoét núi lấy đất trái phép ở xã Thành Công:
Tiếp nhận thông tin, nhiều ngày trong tháng 10/2022, PV Báo Tri thức và Cuộc sống đã ghi nhận tại các thôn Ao Sen, Vạn Phú, Nhội, Động 2, xóm Đặt, Cầu Dài…, của xã Thành Công cho thấy, có hơn chục quả đồi là đất trồng cây đang bị múc nham nhở với hàng ngàn mét khối đất, đá đã được lấy đi.
Tại đây xuất hiện những chiếc máy múc gầm rú, hoạt động hết công suất, thi nhau đục khoét sâu vào sườn đồi để lấy đất một cách công khai, sau đó, đất được đưa lên những chiếc xe tải đang chờ sẵn rồi nuối đuôi nhau chạy rầm rập theo tuyến đường liên tỉnh để sang địa bàn huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội) tiêu thụ.
Hoạt động khai thác đất trái phép tại một mỏ ở thôn Ao Sen của xã Thành Công diễn ra công khai.
Trong quá trình xe chạy, đất đá trên thùng không được che chắn kỹ, xe đi đến đâu đất, đá, bụi bặm rơi vãi, bay mù mịt tới đó, làm ảnh hưởng đến cuộc sống khu dân cư và người tham gia giao thông.
“Đất họ xúc ở đây bán toàn là đất rừng. Để lách luật họ biện minh là san gạt mặt bằng, hạ cốt nền đất để trồng cây, nuôi gà. Cả nhà trưởng thôn cũng bán đất. Đất sau khi được múc lên, nếu bán cho người trong xã thì khoảng 300 nghìn đồng/xe; còn mang ra khỏi địa bàn, bán nơi khác thì khoảng 500-600 nghìn đồng/xe”, một người dân địa phương phản ánh.
Những quả đồi đang bị "xẻ thịt" ở xã Thành Công.
Theo ghi nhận, việc đồi núi bị “xẻ thịt” để lấy đất bán trái phép ở xã Thành Công không chỉ diễn ra vào ban ngày mà còn xuyên đêm. Buổi tối, hoạt động khai thác đất diễn ra càng tấp nập hơn. Ban đêm, trên những quả đồi lấp lóe ánh đèn pin, đèn pha, tiếng máy móc rền vang, xe ben thay nhau ra vào “ăn hàng” nhộn nhịp, khiến nơi đây giống như “đại công trường”, “xé toạc” cả một vùng quê tĩnh lặng.
Tình trạng "xẻ thịt" đồi núi để khai thác đất trái phép ở xã Thành Công diễn ra nhộn nhịp cả vào ban đêm.
Riêng tại thôn Động 2 của xã Thành Công có 3 quả đồi rộng bị cạo trọc. Trong đó, một quả đồi với diện tích vài ha, trước đây vốn được phủ cây xanh nhưng nay đã và đang bị hủy hoại đất làm biến dạng địa hình. Đáng nói, khu đất này nằm thọt lỏm, khuất sau những ngọn đồi khác nên việc phát hiện ra các hoạt động san lấp rất khó.
Tại hiện trường nhiều đống vật liệu xây dựng đã được tập kết, chất đống ngổn ngang giống như chuẩn bị cho hoạt động xây dựng, sau khi quả đồi này được san lấp mặt bằng.
Quả đồi ở thôn Động 2 bị "cạo" trọc.
Vật liệu xây dựng được chất đống để chuẩn bị cho hoạt động xây dựng tại đây.
Đáng chú ý, người dân địa phương còn cho rằng, người đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khu đồi bị san lấp trái phép ở Động 2 là một cán bộ địa chính công tác tại UBND xã Thành Công. Tuy nhiên, đối với thông tin này thực hư ra sao PV sẽ làm việc với chính quyền địa phương để xác minh.
Bên cạnh đó, người dân địa phương cũng bức xúc phản ánh, mặc dù việc “xẻ thịt” đồi, khoét núi bán đất rầm rộ là vậy nhưng nhiều “mỏ đất” lại không bị xử lý?
“Chúng tôi nhiều lần thông báo lên chính quyền xã nhưng bất lực. Cứ khi thông báo cho xã thì các xe chở đất, máy móc đang đào xới lại dừng được vài giờ. Nếu sáng thông báo thì chiều họ lại khai thác, xúc đất bình thường”, một người dân xã Thành Công chia sẻ.
Đồi núi ở khu vực nhà một trưởng thôn Vạn Phú cũng bị đục khoét nham nhở.
Liên quan đến sự việc, ngày 17/10/2022, ông Dương Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Thành Công cung cấp thông tin trả lời báo chí rằng, để xảy ra việc người dân xẻ đồi bán đất là do lực lượng mỏng đồng thời hứa tiếp nhận thông tin PV cung cấp để xử lý dứt điểm.
Thực tế tại xã Thành Công đã và đang có hơn chục quả đồi bị “xẻ thịt” để lấy đất bán, san lấp gây biến dạng địa hình. Thế nhưng không hiểu vì sao chính quyền địa phương không có những biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời? Có hay không việc lãnh đạo, cán bộ liên quan của UBND xã Thành Công buông lỏng quản lý, giám sát nên mới xảy ra tình trạng “đất tặc” tung hoành như vậy?
Thú chơi xa xỉ nhà giàu Việt: Chi trăm tỷ mua… 1 chiếc lá
Monstera (trầu bà lá xẻ) là một trong những loại cây cảnh được giới sành chơi săn lùng nhất thị trường. Với những giống monstera đột biến, người chơi có thể phải chi từ 100 triệu đến nửa tỷ chỉ để sở hữu… một chiếc lá.
Hơn 1 năm trở lại đây, người chơi kiểng lá rộ lên trào lưu sưu tầm những gốc cây cảnh đột biến “hiếm có khó tìm”, một trong số đó là monstera (trầu bà lá xẻ) – giống cây mới được du nhập vào Việt Nam nhưng cực kỳ phát triển.
Một người chơi cầm trên tay cây Monstera White monster có giá 150 triệu đồng/lá. (Ảnh: Định Hàn)
Monstera còn được mệnh danh là “quái vật rừng xanh”, chúng có nguồn gốc từ những nơi có khí hậu ôn đới như Trung Mỹ hay các hòn đảo gần xích đạo. Với tán lá rộng, xẻ sâu và có nhiều lỗ trên lá, bất kì ai cũng có thể nhận ra ngay loại cây này trong lần đầu "gặp mặt".
Khởi tố vụ án núi Thị Vải bị “xẻ thịt“ ở Bà Rịa - Vũng Tàu
(Kiến Thức) - Công an thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu) đã khởi tố vụ án "Huỷ hoại rừng" tại khu vực tiểu khu rừng Tân Phước – núi Thị Vải thuộc khu phố Song Vĩnh, phường Tân Phước, thị xã Phú Mỹ để điều tra.
Trước đó, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có công văn hỏa tốc gửi các Sở, ngành yêu cầu nhanh chóng kiểm tra tình hình san hạ, xây dựng tại khu vực núi Thị Vải mà báo chí phản ánh trong những ngày qua.
UBND tỉnh giao UBND thị xã Phú Mỹ rà soát, báo cáo nhanh nội dung trên; kiểm tra, rà soát việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại khu đất trong vụ việc; đánh giá các tồn tại, vướng mắc và kiến nghị biện pháp xử lý, quản lý gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 25/6.
Nam Định: Hành lang đê Hữu Hồng bị “xẻ thịt” nghiêm trọng
Hành lang đê Hữu Hồng (đoạn đê Km 207+900 thuộc xã Xuân Tân, Xuân Trường, Nam Định) đang bị “xẻ thịt” thành các bãi tập kết vật liệu cao như núi, trạm trộn bê tông thương phẩm gây bức xúc.
Vừa qua, phản ánh đến đường dây nóng của Báo Tri thức và Cuộc sống người dân sinh sống tại xã Xuân Tân (huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) tỏ ra bức xúc trước tình trạng nhiều bãi tập kết vật liệu xây dựng, trạm trộn bê tông, một số công trình nhà kiên cố “mọc như nấm sau mưa” ngay tại hành lang đê Hữu Hồng (đoạn đê Km 207+900) gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hành lang an toàn đê và hành lang thoát lũ sông Hồng.
Phản ánh cho hay, tình trạng trên đã diễn ra nhiều năm, đến nay, khi mà những bãi tập kết vật liệu cũ chưa được chính quyền địa phương xử lý dứt điểm thì có dấu hiệu xuất hiện thêm nhiều bãi mới.
Hà Nội: Khu đất dự án bị “xẻ thịt” thành gara ô tô?
Lô đất D27 phố Phạm Văn Bạch (Cầu Giấy, Hà Nội) được quy hoạch làm các dự án đã và đang bị “xẻ thịt” thành nhiều nhà xưởng, gara ô tô kinh doanh, có dấu hiệu sử dụng sai mục đích đất?
Thời gian gần đây, UBND quận Cầu Giấy (Hà Nội) tổ chức ra quân rầm rộ “trảm” nhiều công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn, thực hiện các biện pháp nhằm khắc phục những tồn tại theo kết luận 39/KL-TTr của Thanh tra của Bộ Xây dựng.
Tuy nhiên, trên thực tế tại lô đất D27, phố Phạm Văn Bạch, thuộc địa bàn phường Dịch Vọng Hậu và phường Yên Hòa (Cầu Giấy) vẫn tồn tại nhiều công trình vi phạm.
Nhiều gara ô tô "mọc" lên tại lô đất D27 phố Phạm Văn Bạch.
Cụ thể, theo phản ánh của bạn đọc, tại lô đất D27 Phạm Văn Bạch (hướng Tôn Thất Thuyết đi Phạm Văn Bạch) đã và đang bị “xẻ thịt” thành nhiều nhà xưởng, gara sửa chữa và bảo dưỡng xe ô tô, quán ăn… không phép, nhưng không thấy chính quyền sở tại xử lý dứt điểm?
Theo quan sát của phóng viên, dọc lô đất D27 (mặt phố Phạm Văn Bạch) hiện có khoảng trên dưới 10 nhà xưởng, gara ô tô như: Hà Nội Atuto Spa; Gara ô tô B&T; Phú Long Auto; Sơn Thủy Auto…
Hình ảnh nhiều xe ô tô đến các gara sử dụng dịch vụ, đỗ lấn chiếm vỉa hè, lòng đường phố Phạm Văn Bạch.
Hầu hết, các gara ô tô “xẻ thịt” lô đất D27 Phạm Văn Bạch chủ yếu được làm bằng khung thép và lợp mái tôn. Cũng có một vài công trình nằm bên trong nhà xưởng được xây kiên cố bằng gạch và xi măng.
Chủ các gara ô tô tại đây còn lắp đặt nhiều tấm biển quảng cáo kích cỡ lớn, in lòe loẹt thông tin cơ sở và các dịch vụ thực hiện.
Vỉa hè phố Phạm Văn Bạch bị "nuốt" trọn để phục vụ việc kinh doanh của các gara ô tô.
Đáng nói, trong quá trình hoạt động, các gara còn thản nhiên lấn chiếm vỉa hè, lòng đường phố Phạm Văn Bạch để làm nơi dừng, đỗ xe ô tô của “thượng đế”… nhất là Hà Nội Atuto Spa. Bất cập này gây cản trở phương tiện qua lại, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông khiến người đi đường bức xúc.
Phía trước cửa gara ô tô Hà Nội Atuto Spa "xẻ thịt" lô đất D27 phố Phạm Văn Bạch.
Nhằm đa chiều, khách quan các thông tin phản ánh, ngày 11/7/2022 phóng viên đã liên hệ và trao đổi trực tiếp qua điện thoại với ông Tống Xuân Duy - Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu. Tuy nhiên ông Duy lại nói rằng, phố Phạm Văn Bạch không thuộc địa bàn của phường, địa giới hành chính phường chỉ chạy hết phố Trần Thái Tông?
Trái ngược lời ông Duy, tại buổi làm việc ngày 20/7/2022, ông Nguyễn Xuân Quang - Phó Chủ tịch UBND phường Yên Hòa khẳng định với phóng viên, lô đất D27 phố Phạm Văn Bạch thuộc địa giới hành chính của hai phường Yên Hòa và Dịch Vọng Hậu. Trong đó, toàn bộ gara ô tô nằm phía mặt phố Phạm Văn Bạch, chưa giải tỏa đều thuộc địa bàn phường Dịch Vọng Hậu.
Nhìn từ bản đồ quy hoạch, lô đất D27 (đánh dấu sao màu vàng) thuộc địa giới hành chính của hai phường Dịch Vọng Hậu và phường Yên Hòa.
Phó Chủ tịch UBND phường Yên Hòa thông tin thêm, lô đất D27 phố Phạm Văn Bạch đã được quy hoạch, tới đây 8.000m2 đất nằm trong lô này được chia ra để xây dựng hai trường học. Phần đất còn lại của lô D27 sẽ thực hiện dự án khác. Các công trình vi phạm tại lô đất mà thuộc quản lý của phường Yên Hòa đã được giải tỏa gần hết.
Trước thực trạng lô đất D27 Phạm Văn Bạch bị “xẻ thịt”, có dấu hiệu sử dụng sai mục đích đất, đề nghị UBND quận Cầu Giấy, UBND TP Hà Nội sớm xử lý dứt điểm.