Cuộc đấu giá bất nhẫn
Theo tổ chức quyền trẻ em Plan International, 5 người đàn ông, trong đó có một số người là quan chức cấp cao trong chính phủ Nam Sudan đã tham gia đấu giá để mua thiếu nữ 16 tuổi trên.
Kết quả đấu giá cuối cùng là, ông bố của thiếu nữ 16 tuổi nhận được 500 con bò, 3 xe hơi và 10.000 USD để gả bán con gái.
Các nhà hoạt động quan ngại rằng, cuộc đấu giá này có thể mở đường cho nhiều gia đình khác cũng sử dụng các mạng xã hội để bán đấu giá con gái họ với mức giá cao hơn.
"Thiếu nữ đó có thể bị bán để kết hôn trên trang mạng xã hội lớn nhất thế giới ở thời đại này và độ tuổi của cô gái thật khó chấp nhận. Cách sử dụng công nghệ dã man này khiến ta nghĩ đến thị trường nô lệ của thế giới hiện đại. Không điều gì có thể biện minh cho hành động mua bán một cô gái còn nhỏ tuổi, coi nạn nhân là món hàng để đổi lấy tiền và tài sản", ông George Otim, Giám đốc của Plan International khu vực Nam Sudan bình luận.
Là nạn nhân của nạn tảo hôn ở Nam Sudan, Rebecca Amok phải làm mẹ ở tuổi 16. Con cô bé tên là Yar, 7 tháng tuổi. Ảnh Gethin Chamberlain |
Suzy Natana, một luật sư thuộc Hiệp hội Luật sư Phụ nữ Quốc gia Nam Sudan (NAWL) dẫn lời người dân địa phương cho biết, cuộc hôn nhân đã diễn ra vào ngày 3.11.2018 và đây là mức giá cao nhất để mua một cô dâu được báo cáo trong khu vực. NAWL tuyên bố chống lại việc bán đấu giá các cô dâu vì "việc này khiến nạn nhân giống như một mặt hàng thay vì là một con người".
Tổ chức Plan International đã kêu gọi chính phủ Nam Sudan điều tra và xử lý bất cứ quan chức nào tham gia đấu giá cô dâu trên Facebook.
"Kết hôn trẻ em là hành vi vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền và một hình thức bạo lực đối với trẻ em gái", ông Otim tuyên bố.
Trách nhiệm của Facebook
Facebook cho biết, họ đã xóa bài đăng bán đấu giá thiếu nữ 16 tuổi sau khi nhận được báo cáo vào ngày 9.11.
"Bất kỳ hình thức buôn người nào, dù dưới dạng bài đăng, trang chuyên biệt, nhóm hay quảng cáo... đều bị cấm trên Facebook. Ngay sau khi chúng tôi biết được bài đăng này, nó và những thứ liên quan đã bị xóa", phát ngôn viên của Facebook cho biết.
"Chúng tôi luôn cải thiện các phương pháp mà chúng tôi sử dụng để xác định nội dung vi phạm các chính sách của chúng tôi, bao gồm việc tăng gấp đôi đội ngũ an ninh và an toàn lên hơn 30.000, bên cạnh việc đầu tư vào công nghệ", phát ngôn viên nói thêm.
Tuy nhiên, theo Vice News, bài viết kêu gọi đấu giá đã lên sóng từ ngày 25.10. Như vậy, bài đăng đã xuất hiện trên Facebook 15 ngày trước khi được xóa và điều này khiến Facebook hứng chịu sự chỉ trích từ các nhà hoạt động.
Equality Now, một tổ chức bình đẳng giới đã yêu cầu Facebook cải thiện các hoạt động giám sát của họ.
"Những vi phạm chống lại phụ nữ ở Nam Sudan vốn là vấn đề nhức nhối vẫn đang tiếp diễn. Nhưng Facebook để nền tảng của họ thúc đẩy thêm những vi phạm này là đáng lên án. Họ nên triển khai thêm nhân lực để giám sát nền tảng của họ nhằm đảm bảo quyền phụ nữ nói riêng và quyền của tất cả mọi người nói chung được bảo vệ", Judy Gitau, điều phối viên khu vực châu Phi của Equality Now nhấn mạnh.