Bạn đời phải đâu vật sở hữu

Điều mà phụ nữ chán ngán thật ra là “có chồng mà cũng như không” và “vô trách nhiệm với gia đình”.

Bạn đời phải đâu vật sở hữu

Thống kê cho thấy tỷ lệ phụ nữ đứng đơn ly hôn hiện nay là 70%, gấp đôi nam giới. Các bà có mua cả khối sách dạy làm vợ về đọc cũng chẳng ích gì, bởi họ làm sao thay đổi được cục diện gia đình nếu vẫn còn đó quan niệm bạn đời là vật sở hữu của riêng mình.

Chẳng ngày nào lại không có những người vợ thấy nói với chồng như nước đổ lá khoai nên đành than thở với chuyên gia tâm lý: “Tôi cảm thấy mình bị bỏ rơi. Chồng không còn là người bạn đời của tôi nữa. Có lẽ chỉ lúc nào cần “giải trí” anh ấy mới nhớ mình có vợ. Không bao giờ anh có mặt khi tôi cần. Anh sống cuộc sống riêng của mình cứ như người độc thân. Với tôi, chồng đã trở thành xa lạ, tôi không biết gì về anh ấy. Anh ấy cũng không cần biết tôi sống thế nào. Có nên kéo dài cuộc hôn nhân này nữa không?” Tuy nhiên, khi tiếp xúc với ông xã của nhiều quý bà, tôi lại nghe được những lời còn… thất vọng hơn! Quý ông cho rằng làm sao để các bà xã thời nay hài lòng là chuyện khoa học viễn tưởng. Phải chăng vai trò đơn giản trong quá khứ của những ông chồng đã được thay thế bởi vai trò phức tạp và rắc rối hơn nhiều.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Không ít ông cho rằng họ đã cố gắng tột bực, chẳng từ bất cứ việc gì đóng góp cho gia đình nhưng vẫn bị sức ép khổng lồ – từ vợ – thôi thúc họ kiếm tiền nhiều hơn, quan tâm đến vợ con hơn. Bao nhiêu công sức của họ chỉ đổi lấy những lời chê trách. Có người kết luận: phụ nữ sinh ra để kêu ca phàn nàn và đàn ông muốn tồn tại chỉ còn cách giả đui giả điếc. Phải chăng với họ, cuộc sống vợ chồng đã trở thành quá tải?

Biết không thể làm cách nào xoay chuyển được tình hình, có những ông chồng trở nên… vô cảm. Họ luyện được đôi tai để nghe những lời than phiền của vợ như nghe nhạc không lời. Luyện đôi mắt nhìn bộ mặt cau có của vợ như nhìn cánh đồng hoang. Họ tồn tại trong gia đình như một thứ inox bất chấp mưa nắng. Có ông rủ bạn đi câu cá, đánh bida hay dán mắt vào máy tính. Một số khác đi khẳng định mình ở nơi nào có người con gái ngưỡng mộ họ, có khi là những cuộc tình một đêm. Tất nhiên những lối thoát tiêu cực đó chỉ làm tình hình tồi tệ thêm, có khả năng dẫn đến đổ vỡ khi nó vượt quá sức chịu đựng của người bạn đời.

Lạ lùng là rất ít ông chồng bị vợ đòi ly hôn vì tội cờ bạc, nghiện hút hay bạo hành. Điều mà phụ nữ chán ngán thật ra là “có chồng mà cũng như không” và “vô trách nhiệm với gia đình”. Cứ tưởng lĩnh lương về đưa hết cho vợ là xong, còn lại các ông đi đâu, làm gì, vợ không cần biết. Có lẽ không hình ảnh nào xác thực hơn là ví đàn ông thời nay với ngôi nhà có nhiều phòng và mỗi phòng có một vai trò trong cuộc sống của họ: phòng dành cho công việc, phòng cho những trò giải trí, phòng cho bạn bè, phòng cho con, phòng cho vợ. Đàn ông luôn di chuyển từ phòng này sang phòng khác và phòng nào họ cũng đam mê, có khi quên cả những phòng còn lại. Đáng tiếc, vợ cũng chỉ là một trong những cái phòng đó. Và điều bất mãn của phụ nữ là ở đây, vì cái họ muốn là cả ngôi nhà, không chừa lại dù chỉ một góc!

Không có giải pháp nào hay hơn là đàn ông hãy đưa vợ đi thăm toàn bộ ngôi nhà, vào tất cả các phòng để hiểu thế nào là đàn ông thời @. Vợ có thể góp ý phòng này nhỏ bớt, phòng kia to lên, phòng nọ bỏ đi, thêm phòng nữa vào. Nhưng muốn làm được chuyện đó, không thể ra lệnh mà vợ chồng cần trò chuyện, trao đổi để hiểu nhau và người vợ sẽ ngộ ra vị trí của mình trong trái tim chồng. Nó chỉ chiếm được một phần thôi, có thể là phần lớn hơn nhưng không bao giờ là tất cả và phụ nữ sẽ hài lòng, ít ra là chấp nhận được. Người vợ thời nay phải làm sao để chính mình cũng là ngôi nhà có ít ra là vài ba phòng, cuộc sống của cả hai sẽ cùng phong phú lên. Đó chính là mô hình của hôn nhân hiện đại. Không nên giám sát nhau 24/24 và coi bạn đời như vật sở hữu của riêng mình. Bởi trước khi lấy vợ, đàn ông sống như thế nào thì sau đó, dù có ít nhiều thay đổi, chắc chắn đàn ông không thể biến thành một người hoàn toàn khác theo ý muốn bạn đời.

Vô ý như… đàn ông

Đàn ông xem những chuyện đại loại như vậy là nhỏ, nhưng phụ nữ lại thấy nó lớn và không “dằn” được sự khó chịu.

Vô ý như… đàn ông

Nhiều người hẳn còn nhớ, trong một sự kiện diễn ra tại Nam Phi, ông Tổng thống Mỹ đã hồn nhiên chụp ảnh với bà Thủ tướng Đan Mạch, khiến vợ ông “khó chịu”. Chuyện cho thấy, dù vốn được ngưỡng mộ về sự lịch lãm của một chính khách đẳng cấp, vị tổng thống này vẫn phạm một lỗi cơ bản “rất đàn ông”: thỉnh thoảng vô ý vô tứ trước những chuyện mà họ xem là nhỏ nhặt. Đàn ông xem những chuyện đại loại như vậy là nhỏ, nhưng phụ nữ lại thấy nó lớn và không “dằn” được sự khó chịu.

Trong cuộc sống hàng ngày, kiểu vô ý của đàn ông này xảy ra khá phổ biến. Có đôi vợ chồng đều trạc tuổi 50 vào quán ăn. Ông vui vẻ nói với cô phục vụ chừng đôi mươi: “Em lấy trước cho anh chai bia nhé”. Cô phục vụ: “Dạ, em lấy liền, anh”. Cô lại quay sang bà vợ: “Dạ, cô gọi món giúp con”. Người vợ sa sầm nét mặt, đứng phắt dậy: “Thôi, về, khỏi ăn uống gì nữa”. Ông chồng gãi đầu, chạy theo giải thích: “Tại con bé đó vô ý vô tứ, đã gọi anh là anh rồi mà còn gọi em là cô”. Bà vợ giận dữ: “Anh vô duyên trước thì có. Đã bao nhiêu lần rồi, gặp mấy cô gái trẻ, cứ anh với em. Anh xưng là anh thì được, chứ làm sao tôi xưng là chị với con bé kia? Cái tật không bỏ”. Người chồng hài hước để xoa dịu: “Rút kinh nghiệm, lần sau vào quán, anh sẽ bảo “cháu - em cho chú - anh một chai bia”. Vợ bật cười, nhưng bữa tối coi như đã hỏng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Một câu chuyện khác. Tiệc cưới, người chồng xăng xái gắp đồ ăn cho những người phụ nữ trong bàn, rồi xới qua xới lại đĩa gà luộc để tìm miếng đùi gà cho vợ. Người vợ trừng mắt nhìn chồng. “Sao vậy em?”- Chồng ghé tai hỏi nhỏ. Vợ rít thầm: “Anh vô duyên quá, gắp đùi gà cho em, người ta nghĩ sao? Em là kẻ phàm ăn tục uống à?”. 

Chồng không nhận khuyết điểm: “Anh biết em thích miếng đùi mới tìm cho em, em quá đáng với anh đó nha, để ý từng ly từng tí vậy?”. Mất hứng, vợ đòi về sớm, chồng cũng đứng dậy luôn. Suốt quãng đường về, người vợ xâu chuỗi thêm một danh sách dài những lần chồng vô ý. Nào là giữa đám đông, đang đứng cạnh vợ mà chồng sốt sắng làm quen, cười nói vui vẻ với một người phụ nữ khác; gặp phụ nữ lạ thì lăng xăng kéo ghế, trong khi chẳng bao giờ kéo ghế cho vợ; rồi chuyện không biết giữ khoảng cách cần thiết với các cô em họ bên nhà vợ trong những lần đi ăn đám giỗ... Càng nghe, anh chồng càng tự ái. Theo như cách “quy kết” của vợ, thì anh quá vô duyên. Anh cố gắng giữ không phản ứng lại. Chỉ đến khi vợ bật ra một câu, anh mới thực sự thấm: “Ngày mới quen nhau, em thấy anh ý tứ, biết trước biết sau lắm. Nhưng, khi đã là vợ chồng, anh vô tư không tả hết. Anh nghĩ, đằng nào em cũng là vợ rồi nên không cần giữ ý, không cần lấy lòng nữa phải không?”. Nói đến đây, cô vợ khóc.

Liệu có thể thay đổi sự “vô tâm vô tính” của đàn ông không? Nhiều nhà tâm lý đã chứng minh: đàn ông thì đại cương, đàn bà thì chi tiết. Đặc tính nghĩ xa, nghĩ rộng, nhìn bao quát của đàn ông dễ khiến họ xem nhẹ tiểu tiết. Mà để đảm bảo được sự tinh tế, ý tứ “trên từng cây số”, đàn ông phải để ý đến từng chuyện nhỏ trong cuộc sống hàng ngày. Trong khi đó, bản tính kỹ lưỡng của đàn bà khiến họ liên tục nhận thấy sự vô ý của đàn ông, và thường xuyên bực bội với điều đó. Có lẽ, khó mà thay đổi triệt để được thực tế này.

Nếu một bên cứ xem nhẹ mọi chuyện, bên còn lại mãi theo xu hướng trầm trọng hóa vấn đề, sự tôn trọng dành cho nhau chắc chắn sẽ dần mai một. Một số phụ nữ đã tự tìm cách hóa giải nỗi bực tức bằng cách chấp nhận thực tế theo kiểu: “Ổng vô tâm vậy đó, hơi đâu mà để bụng”.

“Đàn ông nông nổi giếng khơi”, những vô ý vụn vặt ấy thường khiến họ mất điểm bước đầu, nhưng nếu phụ nữ hiểu được điều đó mà bỏ qua, sẽ “khai thác” được sự quan tâm có chiều sâu sau đó. Nói nôm na là họ chỉ sơ ý quên lãng nhiệm vụ với bà xã thôi. Bằng chứng là khi bị vợ khó chịu về sự vô ý ấy, người đàn ông tìm ngay cách để lấy lại lòng tin yêu của vợ đó thôi. Đàn ông dễ làm phật lòng phụ nữ, nhưng lại cũng rất biết cách khiến phụ nữ nhanh chóng nở nụ cười trở lại. Có chị thử chiếc váy mới để đi dự tiệc, nhờ chồng nhận xét. Anh chồng vừa xem ti vi, vừa lơ đễnh buông một câu: “Nhìn như trẻ con, chả khác nhân vật trong phim hoạt hình”. Vợ cau mày. Biết mình nói hớ, anh chữa cháy ngay: “Nói chơi vậy thôi, chứ em mặc váy này đẹp như một nàng công chúa ấy”. Vừa nói, anh vừa đứng lên xăng xái giúp vợ chuẩn bị đồ đạc, dắt xe ra cho vợ. Nếu người vợ cứ chấp nhặt, sẽ “ghim” câu nói vô tâm của chồng, rồi ghét hờn, không thèm để ý đến những hành động chuộc lỗi dễ thương của chồng nữa.

Thế nhưng, bắt đàn bà không chấp nhặt cũng khó chẳng kém bắt đàn ông luôn phải tập trung để không sơ sẩy, vô ý. Xem ra, chỉ còn cách là cả hai phía tập chấp nhận “lỗi tạo hóa” của nhau để nhìn vấn đề nhẹ nhàng hơn.

Vợ “lâu năm”

Vợ “lâu năm” hiểu chồng cặn kẽ đến từng chân tơ kẽ tóc, nên rất dễ “bắt bài” .

Vợ “lâu năm”

Vợ “lâu năm” là cách nói vui của những người đàn ông, ám chỉ vợ mình “tuy chưa già nhưng không còn trẻ nữa”. Vợ “lâu năm” hiểu chồng cặn kẽ đến từng chân tơ kẽ tóc, nên rất dễ “bắt bài” .

Anh bạn thân tôi đưa mắt về phía chị nhà đang thoăn thoắt đôi tay lấy hàng cho khách, bảo: “Bà vợ “lâu năm” của tôi có tật nói nhiều. Trong nhà, chồng con làm gì đều không qua mặt cô ấy, nhưng phải công nhận vợ tôi quán xuyến gia đình tài tình lắm. Vợ vén khéo, đảm đang, lèo lái con thuyền gia đình chạy đúng hướng, dù đôi khi sự chủ quan của vợ cũng làm tôi bực mình". Anh thẳng thừng tổng kết về người vợ của mình một cách hồn nhiên, chân thành, và không giấu nổi vẻ tự hào.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Sống với nhau gần 20 năm, cô ấy không còn giữ ý tứ với chồng, thậm chí trở nên xuề xòa, bỗ bã, cũng chỉ vì phải đối mặt trước những bộn bề lo toan của cuộc sống. Phụ nữ thường hay càm ràm, nói nhiều, có lẽ vì họ bận rộn việc nhà, chồng con, tiếp xúc với những điều dễ bực mình, nên “ưa” nói, mà đôi khi chẳng quan tâm tới việc mình nói chồng con có chịu lắng nghe, có tiếp thu hay không. Nói để dạy con, bảo chồng, nói để nhắc nhở, để nhớ, nên xét cho cùng cũng vì yêu chồng thương con, lo lắng cho cuộc sống gia đình, nên sự nói nhiều ấy cũng cần được thông cảm.

Bạn tôi khéo léo hãm tật nói nhiều của vợ bằng cách này cách nọ, thay vì bực mình, đôi co. Có hôm anh nhậu về khuya. Biết lỗi, anh im lặng đóng cửa, rồi tìm cách… đánh bài chuồn, vào ngủ với con trai, cốt chỉ để trốn bị vợ “thuyết”. Vợ anh nói nhiều, nhưng lại ít để bụng. Nói để giải tỏa sự bực bội, nói để mong chồng con rút kinh nghiệm, nói cho đã nư rồi thôi. Nghĩ vậy, nên anh chẳng chấp. Biết anh xởi lởi, tôi đùa: “Có khi nào anh thấy nhàm vì bà vợ của anh có phần “cũ kỹ” không?”. Anh bảo: “Cũ” hay mới cũng chỉ vì chuyện cơm áo gạo tiền. Những lúc lo toan, bận bịu, trông cô ấy cứ “mòn” dần; lúc thư thái, rảnh rang, cô ấy cũng biết làm mới mình”.

Thiên chức làm vợ, với biết bao niềm vui, nỗi buồn, sự “thâm niên” ấy khiến vợ anh sống thật, bày tỏ một cách rõ ràng nhất, mà đôi khi sự thật dễ gây nhàm chán, mếch lòng. Dù vậy, vợ “lâu năm” của anh luôn có một thế mạnh nhất định bởi những gì cô ấy tạo ra cho gia đình. Vợ chồng sống với nhau lâu bền, con cái lớn khôn, thành đạt, là tài sản, là thành quả của những năm tháng vất vả nuôi con, vượt qua sóng gió gia đình, cùng nhau xây dựng mái ấm hạnh phúc. Dân gian có câu “gừng càng già càng cay”. Thật chính xác.

Bị “bồ” bỏ, chồng xin vợ quay về

(Kiến Thức) - Lấy nhau được ba năm thì tôi thấy thái độ anh đối với vợ con đổi khác.

Bị “bồ” bỏ, chồng xin vợ quay về
Công việc của anh làm hướng dẫn viên du lịch, hay phải xa nhà, nhưng trước đây, cứ hết tour dẫn khách đi là anh lại về với vợ con thì bất chợt anh đi dằng dặc, có khi cả tháng cũng không về. Sau này tôi mới biết, anh có người đàn bà khác. 
Lấy nhau được ba năm thì tôi thấy thái độ anh đối với vợ con đổi khác. Công việc của anh làm hướng dẫn viên du lịch, hay phải xa nhà, nhưng trước đây, cứ hết tour dẫn khách đi là anh lại về với vợ con thì bất chợt anh đi dằng dặc, có khi cả tháng cũng không về. Sau này tôi mới biết, anh có người đàn bà khác. Tôi đau khổ, tìm đủ cách để níu kéo, nhờ đến sự giúp đỡ từ bố mẹ tới bạn bè. Tuy nhiên, anh không mảy may đếm xỉa tới nỗ lực hàn gắn của tôi, ai khuyên gì cũng mặc, cương quyết đệ đơn ly hôn ra tòa. 

Tin mới