Mời quý độc giả xem video: Ngắm mặt trời Bắc Cực ít nhất một lần trong đời |
Báo cáo thường niên do Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) công bố chỉ ra rằng năm 2017 đã bớt nóng hơn một chút so với năm nóng kỷ lục 2016. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn quan ngại bởi vì khu vực cực Bắc đang nóng lên nhanh gấp hai lần so với phần còn lại của thế giới và đã đạt đến một mức độ chưa từng có trong thời hiện đại.
"2017 tiếp tục cho thấy chúng ta đang phải chịu tình trạng ngày càng nghiêm trọng, Bắc Cực giờ đây đã rất khác so với cách đây một thập kỷ", Guardian dẫn lời Jeremy Mathis, người đứng đầu chương trình nghiên cứu Bắc Cực của NOAA và là đồng tác giả của báo cáo dài 93 trang.
Băng tan ở Kulusuk, Greenland, gần Vòng Bắc Cực. Ảnh: AP. |
Các phát hiện đã được thảo luận tại cuộc họp Hiệp hội Địa vật lý Mỹ ở New Orleans.
"Điều gì xảy ra ở Bắc Cực không ở lại Bắc Cực, nó ảnh hưởng đến phần còn lại của hành tinh", Timothy Gallaudet, nhân vật quan trọng số 2 tại NOAA, nhận định. "Bắc Cực có ảnh hưởng lớn đến toàn thế giới".
Các hồ sơ cho thấy đất tầng đóng băng vĩnh cửu với nhiều tòa nhà, đường sá và đường ống được xây dựng phía trên đã đạt mức tan chảy kỷ lục. Những báo cáo trước đó thực hiện ở Mỹ và Canada trong năm nay cũng chỉ ra nhiệt độ của đất tầng đóng băng vĩnh cửu "nóng nhất ở mọi địa điểm" được nghiên cứu ở Bắc Mỹ.
Lượng băng biển năm 2017 cũng đạt kỷ lục thấp nhất đối với giai đoạn băng thường hình thành mạnh mẽ. Đây đã là năm thứ ba liên tiếp mức độ phục hồi băng biển mùa đông đạt kỷ lục thấp.
Lượng băng biển Bắc Cực hồi tháng 3 đạt mức thấp kỷ lục đối với thời điểm phát triển của băng. Ảnh: NASA. |
Nghiên cứu còn cho thấy nhiệt độ đại dương ở Bắc Cực đang tăng lên và lượng băng biển đang giảm xuống mức chưa từng thấy trong 1.500 năm. Và những thay đổi đột ngột đó trùng hợp với sự gia tăng mức độ CO2 trong không khí, báo cáo cho biết.
Đây không chỉ là mối quan ngại đối với những người sống ở phía bắc của Vòng Bắc Cực. Những thay đổi này có thể ảnh hưởng đến nguồn cung cá. Và những mùa hè không có băng ở Bắc Cực kéo dài hơn có thể dẫn đến việc các quốc gia đua nhau đổ về khai thác tài nguyên.
"Bắc Cực vốn là cái tủ lạnh của Trái Đất, nhưng cánh cửa tủ lạnh đã bị để mở", Mathis nói.
Báo cáo mới này nhận được nhiều sự tán dương của các nhà khoa học. "Những dữ liệu đó phù hợp với xu hướng dài hạn, cho thấy bằng chứng rõ ràng về sự ấm lên gây ra những thay đổi lớn", Richard Alley từ Đại học bang Pennsylvania nhận định.