Trong thời gian qua, quyết tâm phòng chống tham nhũng với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai" mà Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh được minh chứng bằng việc nhiều cán bộ cấp cao đã bị kỷ luật, thậm chí phải chịu trách nhiệm hình sự về những sai phạm của mình.
Mới đây, tại Hội nghị tổng kết ngành Nội chính Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng chuyển biến mạnh mẽ, đạt kết quả rất quan trọng, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng. Ảnh: Zing. |
Ông Trần Quốc Vượng cho biết, đến nay đã đưa ra xét xử sơ thẩm 62 vụ với 720 bị cáo. Cơ quan tố tụng đã tuyên phạt 11 án tử hình, 23 án tù chung thân; 10 bị cáo bị phạt án tù 30 năm; 23 bị cáo từ 20 đến 30 năm tù.
“Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay đã thi hành kỷ luật Đảng, xử lý hành chính, hình sự gần 80 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, thể hiện quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng chống tham nhũng”, ông Trần Quốc Vượng nói.
Kiến Thức điểm lại những vụ việc “quan Việt ngã ngựa” vì tiếp tay gây thiệt hại cho nhà nước hàng nghìn tỷ đồng đang và đã bị đưa ra khởi tố, xét xử.
Giúp Vũ “nhôm” thâu tóm đất vàng, thiệt hại 22.000 tỷ, hai cựu Chủ tịch Đà Nẵng cùng hàng loạt cán bộ hầu tòa
Phiên tòa xét xử hai cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến cùng 19 bị cáo trong vụ án bán đất công sản tại TP Đà Nẵng cho Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "Nhôm", cựu Chủ tịch Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79) gây thất thoát cho nhà nước lên đến 22.000 tỷ đồng đang diễn ra thu hút sự quan tâm của dư luận.
Theo cáo trạng, từ 2006-2014, ông Trần Văn Minh và ông Văn Hữu Chiến là những người đứng đầu, có trách nhiệm trong chỉ đạo, quản lý sử dụng tài sản nhà nước, quản lý đất đai trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Tuy nhiên 2 bị can trên đã có hành vi cố ý làm trái các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, các quy định về quản lý đất đai. Theo đó, cựu Chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh và đồng phạm đã tạo điều kiện cho Vũ “nhôm” trực tiếp được nhận chuyển giao tài sản, quyền quản lý, khai thác đối với 15/22 nhà, đất công sản và 6/7 dự án đất.
Bị cáo Trần Văn Minh. |
Hậu quả thiệt hại cho nhà nước tại các vụ án này, tính từ khi Vũ “nhôm” cùng các công ty của Vũ và một số cá nhân, tổ chức khác nhau làm các thủ tục để nhận chuyển giao tài sản đến khi hành vi phạm tội bị phát hiện và ngăn chặn, số tiền nhà nước bị thiệt hại tại 22 nhà, đất công sản là hơn 2.400 tỷ đồng và tại 7 dự án đất là hơn 19.600 tỷ đồng; tổng số tiền nhà nước bị thiệt hại trong vụ án là hơn 22.000 tỷ đồng (trong đó riêng dự án 29ha Khu đô thị Quốc tế Đa Phước, nhà nước bị thiệt hại là hơn 11.200 tỷ đồng).
Cựu Phó Chủ tịch UBND TP HCM cùng hàng loạt cựu cán bộ lĩnh án
Cũng liên quan đến Vũ “nhôm”, ngày 31/12/2019, TAND TP.HCM đã tuyên án bị cáo Nguyễn Hữu Tín (cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM), Đào Anh Kiệt (cựu Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP HCM) cùng 3 đồng phạm về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Theo đó, tòa tuyên phạt ông Nguyễn Hữu Tín 7 năm tù; Đào Anh Kiệt lĩnh 6 năm 6 tháng tù; Trương Văn Út lĩnh 5 năm tù; Lê Văn Thanh lĩnh 4 năm tù và Nguyễn Thanh Chương nhận mức án 3 năm tù.
Theo cáo trạng, ông Nguyễn Hữu Tín được phân công phụ trách lĩnh vực xây dựng, quản lý đất đai môi trường giai đoạn 2011-2016. Biết khu đất số 15 Thi Sách (quận 1, TP.HCM) là tài sản thuộc sở hữu Nhà nước, việc tham mưu, sắp xếp thuộc Ban chỉ đạo 09 thuộc Sở Tài chính. Tuy nhiên, ông Tín vẫn giao 2.300 m2 khu đất này cho Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 của Vũ "Nhôm" thuê trong 50 năm.
Bị cáo Nguyễn Hữu Tín. |
Các ông Lê Văn Thanh, Nguyễn Thanh Chương, Trương Văn Út, Đào Anh Kiệt đã tham mưu cho ông Tín ký ban hành chủ trương, quyết định cho thuê đất, bán chỉ định nhà và khấu trừ tiền thuê đất đối với nhà đất số 15 Thi Sách trái quy định.
Với sai phạm này, ông Tín tạo điều kiện cho công ty của Vũ "Nhôm" chiếm đoạt hơn 6,7 tỷ đồng được hỗ trợ sai quy định pháp luật và 802 tỷ đồng giá trị sử dụng đất (tính đến thời điểm khởi tố vụ án ngày 17/9/2018).
Cũng liên quan đến Vũ “nhôm”, ngày 13/6/2019, HĐXX phúc thẩm Tòa án Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án bị cáo Phan Văn Anh Vũ 15 năm tù, tổng hợp với bản án 15 năm tù của TAND Cấp cao tại TP.HCM là 30 năm. Bị cáo Phan Hữu Tuấn bị tuyên 4 năm tù, tổng hợp hình phạt chung với bản án 7 năm tù của TAND TP.Hà Nội là 11 năm tù. Bị cáo Nguyễn Hữu Bách bị tuyên 42 tháng tù, tổng hợp hình phạt 6 năm tù của TAND TP.Hà Nội là 9 năm 6 tháng tù. Bị cáo Trần Việt Tân bị tuyên 36 tháng tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Bị cáo Bùi Văn Thành 30 tháng tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Hàng loạt cán bộ “ngã ngựa” liên quan Út trọc
Liên quan đến Út trọc Đinh Ngọc Hệ, hàng loạt cán bộ đã bị “ngã ngựa” khởi tố bắt giam.
Đáng chú ý, trong quá trình điều tra mở rộng vụ án Đinh Ngọc Hệ (tức Út 'trọc'), Bùi Văn Nga và đồng phạm, về tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai và lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ngày 22/10/2019, Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng phối hợp với Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương thi hành quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân chủng Hải quân về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo Khoản 3 Điều 360 Bộ Luật hình sự năm 2015.
Tháng 3/2019, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách tất cả các chức vụ trong Đảng đối với đại tá Nguyễn Ngọc Thư và đại tá Đào Ngọc Tuấn - nguyên là Bí thư Đảng ủy, Phó TGĐ Tổng công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng do liên quan tới vụ Út "trọc" Đinh Ngọc Hệ.
Út trọc Đinh Ngọc Hệ. |
Trước đó, liên quan vụ Út "trọc", cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với đại tá Phùng Danh Thắm, tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng, về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Cơ quan điều tra cũng khởi tố và ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú với đại tá Bùi Văn Tiệp, nguyên Sư đoàn trưởng Sư 367, Quân chủng Phòng không Không quân.
Mới đây, ngày 27/10/2019, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 6 bị can, gồm: Dương Tuấn Minh (nguyên Tổng giám đốc), Dương Thị Trâm Anh (nguyên Phó tổng giám đốc), Nguyễn Thu Trang (nguyên Phó phòng đầu tư và quản lý đấu thầu Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Tổng công ty Cửu Long) thuộc Bộ GTVT) để điều tra về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Tạ Đức Minh, Phạm Tấn Hoàng và Đinh Thị Chung (cùng là nhân viên Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh, gọi tắt là Công ty Yên Khánh) để điều tra tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Đồng thời, C03 cũng khởi tố các bị can Đinh Ngọc Hệ (tức Út "trọc", nguyên Chủ tịch HĐQT, nguyên TGĐ Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P), Phạm Văn Diệt (Giám đốc điều hành) và Vũ Thị Hoan (Tổng giám đốc Công ty Yên Khánh) để điều tra tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Các bị can trên bị khởi tố trong quá trình điều tra mở rộng vụ án vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, xảy ra tại Công ty Yên Khánh, Tổng công ty Cửu Long và các đơn vị có liên quan trong đấu thầu và thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Trước đó, ngày 26/12/2018, Cục Cảnh sát kinh tế đã chủ trì, phối hợp với Cục CSGT, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, cùng một số đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an tiến hành bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp và khám xét khẩn cấp đối với: Ngô Bá Thắng, Giám đốc chi nhánh Long An thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh; Trần Văn Miền, Phó Giám đốc chi nhánh Long An kiêm Trạm trưởng Trạm thu phí Chợ Đệm, Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh; Tô Phước Hùng, Kế toán trưởng Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh; Nguyễn Thị Kim Huệ, Kế toán Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh; Nguyễn Văn Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật Xuân Phi.
Quá trình khám xét, cơ quan Công an đã thu giữ một số tài liệu, chứng cứ điện tử xác định các đối tượng nêu trên có hành vi mua bán, sử dụng phần mềm trái pháp luật để trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách của Nhà nước với số tiền rất lớn bằng thủ đoạn lập 2 hệ thống sổ sách (sổ sách công khai doanh số thấp hơn rất nhiều, còn sổ sách ghi doanh số thật để sử dụng tập thể là rất lớn).
Hai cựu Bộ trưởng TT&TT cùng hàng loạt bị cáo lĩnh án vụ AVG
Ngày 28/12/2019, TAND Hà Nội đã tuyên án đối với ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn và 12 bị cáo khác liên quan đại án MobiFone mua 95% cổ phần AVG.
Theo đó, ông Nguyễn Bắc Son bị tuyên chung thân cho hai tội danh Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng và Nhận hối lộ. Cùng hai tội danh trên, ông Trương Minh Tuấn bị tuyên 14 năm tù, Cựu Chủ tịch MobiFone Lê Nam Trà lĩnh 23 năm tù, Cao Duy Hải 14 năm tù.
Phạm tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, Phạm Đình Trọng lĩnh 5 năm tù, Phạm Thị Phương Anh 2 năm 6 tháng, Nguyễn Mạnh Hùng 2 năm 6 tháng tù, Nguyễn Bảo Long 2 năm 6 tháng tù, Nguyễn Đăng Nguyên 2 năm tù, Phan Thị Hoa Mai 2 năm 6 tháng tù, Hồ Tuấn 2 năm 6 tháng tù. Cùng tội danh trên, Giám đốc và giám định viên Công ty AMAX là Võ Văn Mạnh và Hoàng Duy Quang lần lượt lĩnh 3 năm 6 tháng và 3 năm tù. Còn bị cáo Phạm Nhật Vũ, cựu Chủ tịch AVG, bị tuyên phạt 3 năm tù về tội Đưa hối lộ.
Các bị cáo vụ AVG. |
Theo cáo trạng, năm 2015, MobiFone thực hiện dự án đầu tư dịch vụ truyền hình bằng cách mua 95% cổ phần AVG với số tiền 8.900 tỷ đồng. Đây là dự án nhóm A - thẩm quyền của Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, khi dự án chưa được Thủ tướng ban hành quyết định chủ trương đầu tư, ông Son đã giao Thứ trưởng Trương Minh Tuấn ký quyết định phê duyệt dự án.
Trong quá trình thực hiện dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone, các bị cáo ở mỗi vị trí, vai trò khác nhau đã có hành vi vi phạm pháp luật trong việc đề xuất dự án đầu tư, đánh giá về tài chính, kinh doanh của AVG, sử dụng kết quả thẩm định giá và quyết định phê duyệt dự án gây thiệt hại 6.500 tỷ đồng.
Đáng chú ý, 4 bị cáo đã nhận tiền hối lộ từ Phạm Nhật Vũ. Cụ thể, Nguyễn Bắc Son 3 triệu USD, Lê Nam Trà 2,5 triệu USD và Cao Duy Hải 500.000 USD, Trương Minh Tuấn 200.000 USD.
Hàng loạt cán bộ bị khởi tố liên quan vụ Nhật Cường
Liên quan vụ Nhật Cường, ngày 28/12, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Tứ, Chánh văn phòng thành ủy Hà Nội và bà Phạm Thị Thu Hường, Chánh văn phòng Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.Hà Nội, cùng về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại điều 222, bộ luật Hình sự năm 2015.
Bị can Nguyễn Văn Tứ và Phạm Thị Thu Hường. |
Trước đó, cuối tháng 11, C03 đã khởi tố bị can, bắt tạm giam các bị can Nguyễn Tiến Học, nguyên Phó giám đốc Sở KH&ĐT TP.Hà Nội; Phạm Thị Kim Tuyến, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh Sở KH&ĐT TP.Hà Nội và Lê Duy Tuấn, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH đầu tư và phát triển Đông Kinh, cũng về tội danh nêu trên.
>>> Mời độc giả xem video Lộ diện nhân vật tiếp tay cho Vũ "nhôm" mua đất vàng:
Nguồn VTC Now.