Bão số 3 diễn biến bất thường đang đổ bộ Quảng Ninh - Thái Bình
Tại cuộc họp triển khai các biện pháp ứng phó với cơn bão số 3 đang hướng vào đất liền các tỉnh Bắc Bộ sáng 2/8, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết trong nhiều giờ qua, bão số 3 đã di chuyển chậm lại, khoảng 5 - 10 km/giờ. Vùng gần tâm bão gió mạnh cấp 9, giật cấp 12 và vùng gió mạnh từ cấp 6 - cấp 8 trở lên có bán kính khoảng 170 km, tính từ vùng tâm bão.
Dự báo cơn bão sẽ duy trì cấp gió mạnh này cho đến 16 - 17 giờ chiều nay, tiếp tục di chuyển theo hướng tây. Khi đi vào bờ, bão có xu hướng lệch xuống phía nam.
Về thời điểm bão ảnh hưởng đến đất liền, ông Mai Văn Khiêm cho rằng, dự kiến chiều tối và đêm nay (2/8), bão áp sát vào bờ và đi vào khu vực từ Quảng Ninh đến Thái Bình. Nhưng ngay từ sáng nay, theo quan trắc tại một số trạm khí tượng ở Cô Tô, Cửa Ông, Tiên Yên, Quảng Hà, khí áp đang giảm mạnh và đây là một trong những yếu tố cho thấy bão sẽ quét qua khu vực này.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp và Phó Trưởng ban Chỉ đạo TW về PCTT - Tổng cục trưởng Trần Quang Hoài chủ trì cuộc họp. |
“Sau khi áp sát bờ và có khả năng đi dọc bờ biển Hải Phòng - Quảng Ninh, đến thời điểm này, vùng tâm bão chưa chắc lắm ở chỗ nào của Quảng Ninh, Hải Phòng hay Thái Bình, nhưng vùng gió mạnh cấp 8 sẽ ảnh hưởng đến tất cả các huyện từ Quảng Ninh, Hải Phòng và phía bắc tỉnh Thái Bình”, ông Khiêm cảnh báo.
Bên cạnh đó, ông Khiêm cũng lưu ý, bão số 3 đang đổ bộ vào Quảng Ninh và Hải Phòng đúng vào thời điểm triều cường mạnh nhất, dự báo nước biển dâng trong cơn bão có thể cao từ 4 - 4,5 m.
14 tàu hiện đang mất liên lạc, 307 khách du lịch vẫn ở đảo Cô Tô
Phó Trưởng ban Chỉ đạo TW về PCTT - Tổng cục trưởng Trần Quang Hoài cho biết, hiện Quân đội đã triển khai 6.884 CBCS, 300 phương tiện; Công an đảm bảo ATGT đường thủy – đường bộ; Hàng không điều chỉnh một số chuyến bay đến HP, QN. Đài THVN và các cơ quan thông tấn báo chí đưa tin về bão số 03.
“Trong ngày 1/8 (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định) đã thực hiện cấm biển. Đồng thời tiến hành di dân khoảng 4.471 người trong đó (Quảng Ninh: 311, Hải Phòng: 861, Thái Bình: 2.809, Nam Định: 490). Hiện còn 307 người (4 ng nước ngoài) ở đảo Cô Tô.
Đại tá Phạm Xuân Diệu - Phó tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết từ chiều 1/8, các đơn vị của Bộ đội biên phòng phối hợp với các địa phương kêu gọi, kiểm đếm, sắp xếp tàu thuyền, đưa người, lồng bè, chòi canh ven biển lên bờ an toàn.
"Ngày hôm qua, 20 tàu Quảng Bình vào tránh trú tại đảo Hải Nam (Trung Quốc), hiện tại mới xác minh được 6 tàu, còn lại 14 tàu sau khi di chuyển về phía đảo Hải Nam đang mất liên lạc với chủ tàu. Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đã cử cán bộ, chiến sĩ tới gia đình các chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên để làm việc nhưng hiện chưa liên lạc được", Đại tá Diệu cho biết.
Hải đội 2 biên phòng tuyên truyền, vận động ngư dân vào bờ tránh bão. Ảnh Nguyễn Chiến |
Bộ Công an, đã tổ chức sơ tán các lao động trên chòi canh nuôi trồng thuỷ sản, khách du lịch (4.471 người), hiện còn 307 khách du lịch trên đảo Cô Tô và thực hiện cấm biển trong ngày 01/8/2019, cắt cử lực lượng chức năng bảo đảm tính mạng, tài sản của người dân, ứng trực tại các điểm xung yếu, ngập lụt các tuyến quốc lộ và các cầu vượt biển, phân luồng đảm bảo giao thông an toàn.
Ngoài ra, đại diện Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cũng lưu ý trong chỉ đạo cần quyết liệt ngay cả khi bão đã tan vì khả năng sẽ có mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất có khả năng cao xảy ra tại khu vực miền núi.
Hà Nội có nguy cơ ngập lụt
Về vấn đề an toàn hồ chứa, theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi, các hồ chứa thủy lợi ở khu vực Bắc Bộ ở mức 60-70% dung tích; riêng hồ Đầm Hà Động xả tràn 10m3/s. các hồ khu vực Bắc Trung Bộ ở mức thấp, đạt 25-30% dung tích. Đặc biệt có 141 hồ hư hỏng và 62 hồ đang thi công có nguy cơ xảy ra mất an toàn, cần tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo an toàn khi có lũ. Việc tiêu nước đệm tại các khu vực ảnh hưởng đã được thực hiện triệt để, chủ động tiêu bớt nước đệm đảm bảo với lượng mưa như dự báo.
Về vấn đề đê điều và trọng điểm xung yếu, ông Phạm Đức Luận – Vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều cho biết, hiện nay đang có 89 công trình đang thi công, 230 vị trí trọng điểm xung yếu. Vụ Quản lý đê điều cũng đã đi kiểm tra một số trọng điểm vào ngày 01/8/2019 và đã chỉ đạo các đơn vị thi công chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với bão. Theo dõi sát sao tình hình đê điều và trọng điểm xung yếu qua hệ thống camera giám sát và lực lượng quản lý đê tuần tra, canh gác để phát hiện sớm các sự cố có thể xảy ra.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá cao việc ứng phó với cơn bão số 3 đã được triển khai nghiêm túc và hiệu quả.
Để phòng ngừa tình huống nguy hiểm này và gió mạnh khi bão đổ bộ, ông Hiệp yêu cầu công tác sơ tán dân ở các tỉnh ven biển nằm trong vùng cảnh báo phải dứt khoát và triệt để.
“Trước 3h chiều 2/8, các tỉnh phải sơ tán dân khỏi lồng, bè, chòi canh trên biển. Trong trường hợp cần thiết, phải cưỡng chế”, ông Hiệp nhấn mạnh. Thứ trưởng cũng đặc biệt lưu ý đến bài học lũ quét khi thủy điện xả lũ, và đề nghị trong đợt mưa bão số 3 này, Bộ Công thương rà soát kỹ, kiểm soát chặt chẽ việc xả lũ của các hồ thủy điện nhỏ khi dự báo sẽ có mưa lớn trong những ngày tới. Thứ trưởng nhấn mạnh “Trong đợt mưa này, thủy điện nào để xảy ra lũ chồng lũ, chúng tôi sẽ có báo cáo Thủ tướng; và phải chịu trước nhiệm trước pháp luật”.
Tại buổi họp, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhắc lại trận lụt lịch sử tại Hà Nội năm 2008 và bày tỏ quan ngại về hệ thống thoát nước của thành phố hiện không đủ để đáp ứng cho đợt mưa bão lần này.
“Toàn bộ cơ sở vật chất của Hà Nội hiện nay chỉ đủ để xử lý lượng mưa khoảng 120 mm, tuy nhiên, theo dự báo, mưa lớn ở Hà Nội có thể rơi vào khoảng 200 mm. Điều này rất đáng lo ngại”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết.