Bao y, bác sĩ bị "bóng đen" mua sắm thiết bị y tế "nuốt chửng"?
Hàng loạt lãnh đạo bệnh viện, các bác sĩ, y tá và lãnh đạo các công ty chuyên phục vụ ngành Y tế đã phải rơi vào vòng lao lý chỉ vì lòng tham lợi ích của "món bánh" thiết bị y tế.
Hiểu Lam
Xem toàn bộ ảnh
Năm 2020, dư luận dậy sóng khi cơ quan điều tra phát hiện ông Nguyễn Nhật Cảm, cựu Giám đốc CDC Hà Nội là chủ mưu trong vụ án nâng khống giá máy xét nghiệm COVID-19 khi cả nước đang dồn tâm sức chống đại dịch.
Với động cơ vụ lợi, cựu gGám đốc CDC Hà Nội đã bàn bạc với các bị cáo khác ấn định giá hệ thống máy móc xét nghiệm trước khi tổ chức đấu thầu, chỉ đạo cấp dưới hợp thức hóa hồ sơ chỉ định thầu.
Ngoài chủ mưu Nguyễn Nhật Cảm, vụ án còn 9 bị cáo khác là: Nguyễn Vũ Hà Thanh; Nguyễn Thị Kim Dung; Nguyễn Ngọc Quỳnh; Hoàng Kim Thư; Lê Xuân Tuấn (đều là cán bộ CDC Hà Nội); Nguyễn Ngọc Nhất (Công ty Vitech); Đào Thế Vinh (Công ty MST); Nguyễn Trần Duy (Công ty Nhân Thành); Nguyễn Thanh Tuyền (Công ty Phương Đông). Các bị cáo cùng bị xử về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Cũng trong năm 2020, Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra khởi tố bị can đối với: Nguyễn Quốc Anh, nguyên Giám đốc bệnh viện Bạch Mai; Nguyễn Ngọc Hiền, nguyên Phó Giám đốc bệnh viện Bạch Mai; Trịnh Thị Thuận, nguyên Kế toán Trưởng bệnh viện Bạch Mai về hành vi Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Cả 3 bị can trên đã lợi dụng cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp y tế, chủ trương xã hội hóa liên doanh, liên kết mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh, vì động cơ cá nhân làm trái quy định của Nhà nước, quy định của Bộ Tài chính và Bộ Y tế. Các bị can chấp thuận cho Công ty BMS tham gia đề án, nâng giá thiết bị lên nhiều lần, đẩy giá dịch vụ lên cao nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của người bệnh.
Liên quan đến vụ án ở BV Bạch Mai, C03 cũng ra quyết định khởi tố, bắt bị can đối với Phạm Đức Tuấn (Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty BMS), Ngô Thị Thu Huyền (Phó Giám đốc Công ty BMS), Trần Lê Hoàng (Thẩm định viên Công ty VFS, Hoàng được áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú). Các bị can trên đều bị khởi tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Ngày 8/1/2021, Công an tỉnh Quảng Nam ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 đối tượng là bác sĩ và nhân viên điều dưỡng đã có hành vi gian lận bảo hiểm y tế tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam.
Theo tài liệu điều tra, từ năm 2017 đến năm 2019, bác sĩ Nguyễn Tấn Bá (Trưởng khoa Nội tim mạch) chỉ đạo 2 nhân viên điều dưỡng của khoa là Lương Thanh Trung và Nguyễn Văn Sơn sử dụng thông tin cá nhân, mã thẻ BHYT của các bệnh nhân để lập khống các phiếu phẫu thuật, thủ thuật, kết quả can thiệp động mạch vành... sử dụng hình ảnh của bệnh nhân khác để in vào đĩa DVD lưu vào hồ sơ bệnh án được lập khống, lập bản kê khống nhằm chiếm đoạt stent, vật tư y tế khác có liên quan.
Cũng ngay đầu năm 2021, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố Mai Thị Hoa (Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư trang thiết bị y tế Hà Tĩnh) cùng 8 bị can khác có liên quan đến vụ nâng khống giá thiết bị y tế ở Hà Tĩnh. Trong đó, có 4 giám đốc bệnh viện đã nghỉ hưu và 1 giám đốc bệnh viện đang đương chức của 5 bệnh viện ở địa phương. Số còn lại bị khởi tố là kế toán, cán bộ tại 5 bệnh viện. Trong số 8 người bị khởi tố có 3 người bị bắt tạm giam, số còn lại bị cấm đi khỏi nơi cư trú.
Thông tin chi tiết về vụ việc này, tạp chí Người đưa tin cho biết, 4 lãnh đạo bệnh viện bị khởi tố gồm: Bị can Lê Văn Bình, nguyên Giám đốc bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Hà. Bị can Lê Thế Nhiên, nguyên Giám đốc bệnh viện Đa khoa huyện Can Lộc. Bị can Trần Văn Nhân, nguyên Giám đốc bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ. Bị can Nguyễn Quang Hòe, nguyên Giám đốc bệnh viện Đa khoa huyện Hương Sơn.
Một diễn biến khác của vụ án, Công an Hà Tĩnh cũng đã tống đạt quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can số 1 đối với Mai Thị Hoa (Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư trang thiết bị y tế Hà Tĩnh) từ tội “Trốn thuế” thành tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ngày 5/4/2021, Công an tỉnh Sơn La đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 2 đối tượng về hành vi “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Hai đối tượng bao gồm Tạ Ngọc Chức (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thẩm định, Đầu tư Toàn Cầu) và Hoàng Vũ Quyển (nguyên là nhân viên Công ty TNHH Thiết bị và Công nghệ Y tế Việt Nam).
Cơ quan điều tra xác định Chức và Quyển đã có hành vi thông đồng với chủ đầu tư trong việc thẩm định giá, không thực hiện việc thẩm định giá theo quy định mà lập, điều chỉnh chứng thư thẩm định giá theo yêu cầu của chủ đầu tư để nâng giá gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế tuyến xã, tuyến cơ sở năm 2019 do Sở Y tế Sơn La làm chủ đầu tư, lập khống hai hồ sơ dự thầu “quân xanh”.
Trước đó, cũng tại Sơn La, vào ngày 17/3/2021, Công an tỉnh Sơn La đã ra quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Thị Kim An (nguyên Giám đốc Sở Y tế Sơn La) về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Quá trình điều tra, Công an tỉnh Sơn La xác định Nguyễn Thị Kim An cùng với Bùi Thị Thu (Giám đốc Công ty Cổ phần Thiết bị và Công nghệ Hưng Phát); Sa Văn Khuyên (Nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sơn La); Bùi Thị Hoa (Nguyên Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính) và Mai Anh Tuấn (Chuyên viên Phòng Kế hoạch – Tài chính) đã có sai phạm trong quá trình thực hiện gói thầu mua sắm trang bị y tế tuyến xã, tuyến cơ sở y tế gây thiệt hại ngân sách của Nhà nước.
Gần đây nhất, ngày 12/4/2021, Cơ quan điều tra Bộ Công an xác nhận đang làm việc liên tục với Bệnh viện Tim Hà Nội để xác minh vụ việc liên quan các gói thầu mua sắm thiết bị y tế, đề án xã hội hóa tại các bệnh viện công lập. Được biết, năm 2012, ông Nguyễn Quang Tuấn được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội. Đến ngày 18/3/2020, ông Tuấn được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.
Vụ ma túy trong bệnh viện: Bộ Y tế yêu cầu giám đốc bệnh viện kiểm điểm.