Xung đột biên giới kéo dài hai tháng qua giữa Trung Quốc và Ấn Độ không phải là mối lo ngại lớn của cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc tại Ấn Độ. Lý do là ít người cho rằng chiến tranh toàn diện có thể nổ ra giữa “hai gã khổng lồ châu Á”.
Trung tâm nghiên cứu và phát triển Huawei của Trung Quốc ở Bangalore, Ấn Độ. |
Tuy nhiên, mối lo ngại lớn nhất của họ là thiếu hụt nhân sự Trung Quốc, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đưa tin.
Điều này được thể hiện rõ nhất trong trường hợp của hai công ty điện thoại di động Trung Quốc ở thành phố Bangalore, Ấn Độ. Họ tranh giành khốc liệt để thuê được đầu bếp Trung Quốc có kỹ năng tốt. Người đầu bếp này sống ở Ấn Độ vài năm và có thể nói tiếng Anh cơ bản - kỹ năng khiến anh ta trở nên đặc biệt vì có thể vận hành nhà bếp một cách độc lập.
Đây chỉ là ví dụ của một vấn đề quen thuộc của doanh nhân Trung Quốc ở Ấn Độ - trong khi các doanh nghiệp của họ đang mở rộng, số người có kiến thức đạt yêu cầu là rất hạn chế.
Ví dụ, đầu bếp người Trung Quốc rất khó tìm ở Ấn Độ. Hầu hết họ đều đến Mỹ hoặc châu Âu nếu muốn làm việc ở nước ngoài và ít người sẵn sàng làm việc tại Ấn Độ - ngay cả khi họ được tăng gấp đôi lương kiếm được ở nhà.
Hồi tháng 6, phóng viên của Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đến thăm công trình xây dựng ở ngoại ô Bangalore. Một nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đang xây dựng khu căn hộ cao cấp 50 tầng.
Người quản lý 27 tuổi tên Xiong đưa phóng viên đi xem xét dự án, khiến phóng viên rất ấn tượng với kiến thức địa phương và sự chuyên nghiệp của anh.
Tốt nghiệp Đại học Hyderabad, Ấn Độ, Xiong đã sống ở đây trong tám năm qua. Anh là ứng cử viên hoàn hảo cho bất kỳ công ty Trung Quốc nào muốn mở rộng ở Ấn Độ.
Lớn lên ở Trung Quốc và được đào tạo ở Ấn Độ, Xiong nhận được công việc điều hành khi còn khá trẻ. Và chủ của anh tin rằng kiến thức địa phương có thể giúp anh vượt qua rào cản ngôn ngữ và văn hoá để kinh doanh ở Ấn Độ.
Sự thiếu hụt ứng cử viên như Xiong trở nên trầm trọng trong những năm gần đây vì số lượng sinh viên Trung Quốc ở Ấn Độ giảm đáng kể trong thập kỷ qua.
Liu Jinsong, nhân viên Đại sứ quán Trung Quốc ở Ấn Độ, phát biểu hồi tháng 4 rằng có nhiều sinh viên Ấn Độ ở Trung Quốc hơn là ngược lại.
Liu cảnh báo vấn đề phải được giải quyết vì nó có thể dẫn đến thông tin sai lệch và sự thiếu tin tưởng.
"Số sinh viên Trung Quốc học ở Ấn Độ chỉ dưới 3.000, trong khi có 30.000 sinh viên Ấn Độ học tại Trung Quốc", ông Liu nói.
Đối với nhiều người Trung Quốc, Ấn Độ nằm gần cuối danh sách khi lựa chọn địa điểm du học.
Xiong nói có khoảng 200 sinh viên Trung Quốc tại Đại học Hyderabad, nơi anh theo học hồi năm 2008. "Giờ, con số đó giảm xuống còn dưới 20 người", anh nói.
Xiong vẫn còn nhớ những ngày đầu tiên ở Ấn Độ, khi anh vật vã tìm chương trình thực tập trong mùa hè. "Rất ít công ty Trung Quốc hoạt động ở Ấn Độ lúc đó. 100 sinh viên Trung Quốc cùng xin một vị trí mặc dù lương gần như là không có gì”, anh nói.
Nhưng tình hình đang thay đổi nhanh chóng. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ. Quan trọng hơn, các doanh nghiệp Trung Quốc đang vội vã đầu tư vào Ấn Độ. Năm 2011, Trung Quốc là nguồn đầu tư trực tiếp lớn thứ 35 của Ấn Độ, đến năm 2016, Trung Quốc nhảy lên vị trí số 17.
Nỗi lo lớn nhất lúc này là người trẻ Trung Quốc đang ngó lơ Ấn Độ mặc dù các lợi ích về kinh tế và an ninh là rất lớn, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng nhận định.