Bày cách mua hàng online từ nước ngoài cực bảo đảm
(Kiến Thức) - Việc mua sắm trên các kênh bán hàng quốc tế hiện nay đang phổ biến. Những cách dưới đây sẽ giúp bạn săn hàng online nước ngoài đảm bảo hơn bao giờ hết.
Nhiều người tiêu dùng đang thường xuyên mua hàng online nước ngoài. Tuy nhiên, vấn đề này cũng dễ gặp rủi ro vì điều kiện địa lý không cho phép bạn đổi hay trả hàng khi không ưng ý. Những tư vấn dưới đây sẽ giúp ích cho bạn trong việc chọn mua hàng nước ngoài chất lượng và đảm bảo nhất.
|
Ảnh minh họa. |
Hiện nay, hai cách phổ biến nhất để mua hàng từ nước ngoài là đặt trực tiếp website bán lẻ lớn trên thế giới hoặc thông qua dịch vụ trung gian tại Việt Nam.
Chị Oanh (38 tuổi, Hà Nội) cho biết: “Tôi thường xuyên mua hàng nước ngoài bằng việc đặt trực tiếp tại các website bán lẻ quốc tế có hình thức chuyển hàng về Việt Nam. Tôi thường chọn mặt hàng có phiên bản tiếng Anh, sau đó sử dụng tính năng dịch tự động của các công cụ truy cập Internet để nắm bắt các thông tin chính về sản phẩm cần mua. Bên cạnh đó, phải chuẩn bị sẵn thẻ Visa hoặc Master card, đây là hai thẻ thanh toán quốc tế phổ biến nhất. Tuy nhiên, việc mua hàng kiểu này cũng sẽ rất dễ gặp rủi ro, ví dụ như có lần tôi đặt hàng áo quần từ Pháp về, nhưng quên rằng size (cỡ áo quần) của người nước ngoài khác hẳn người Việt Nam nên khi nhận hàng, áo quá to so với người mình. Sau đợt đó, tôi tìm hiểu mới biết, mỗi hãng nước ngoài đều có một bảng kích cỡ riêng kèm theo hướng dẫn rất cụ thể, tính theo cả “inch” và “cm” (1inch = 2,54cm). Mình phải tự tìm hiểu kỹ, tra cứu, quy đổi từ size nước ngoài sang Việt Nam”.
Nói về vệc đặt hàng nước ngoài qua các website bán lẻ quốc tế, bạn Phan Kiều (24 tuổi) chia sẻ: “Mình từng mua hàng kiểu này nhưng lại gặp khó khăn trong việc thanh toán website không chấp nhận vận chuyển về Việt Nam. Họ yêu cầu mình chủ động liên hệ với một dịch vụ chuyển phát nhanh khác. Nhưng may mắn sau đó mình được giới thiệu đến một gói chuyển phát nhanh uy tín nên hầu hết mọi thủ tục khai thuế cùng một số giấy tờ liên quan đều được họ làm sẵn. Chính vì thế, nếu các bạn cũng gặp trường hợp như mình thì nên chọn các gói dịch vụ có sẵn vì công ty sẽ làm các thủ tục kê khai thuế kèm theo một số giấy tờ chứng nhận cần thiết. Khi đó, hàng hóa sẽ ít bị thất lạc hoặc chậm trễ”.
Đối với việc lựa chọn dịch vụ trung gian để mua hàng, theo tư vấn của nhiều người có kinh nghiệm, bạn cần nắm bắt được đầy đủ thông tin của kênh trung gian mà mình ký gửi sản phẩm bởi đã có nhiều trường hợp người làm dịch vụ “ôm” hàng của khách trong một thời gian dài. Thủ đoạn tiếp theo là gian dối về tình trạng hàng hóa, chẳng hạn như “bị kẹt ở hải quan”, “tắc biên”… và yêu cầu khách chi thêm một khoản nữa để “hàng về trôi chảy”. Nhiều khách lỡ đặt cọc tiền trước đành phải trả thêm tiền để nhận hàng.
Theo chia sẻ của chị Thu Hương, nhân viên một công ty xuất nhập khẩu ở Hà Nội: "Có lần mua hàng online nước ngoài, muốn hàng về nước nhanh nên tôi chọn dịch vụ trung gian. Tuy nhiên, tôi từng bị lừa gần 3 triệu khi đặt tổng hàng gần 50 triệu. Lúc đó tôi mua khoảng 30 món đồ tất cả. Mỗi món thì người order gian dối thêm khoảng vài chục – vài trăm ngàn, vì số tiền khá nhỏ nên mình nhẩm qua không phát hiện ra. Đến một hôm ngồi buồn đem ra tính lại thì mới biết bị mất oan gần 2 triệu đồng”.
Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng, việc chọn hình thức này thì bạn sẽ phải tiêu tốn nhiều khoản phí hơn. Bởi công thức tính phức tạp hơn, thông thường là: Giá trị món hàng niêm yết trên trang web + thuế ở nước đó (tính % theo giá trị sản phẩm, nếu có) + phí vận chuyển nội địa (nếu có, thường được thông báo ngay trên web) + phí vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam (tính theo cân nặng).