Cùng với sự phát triển của xã hội, chất lượng cuộc sống của trẻ em ngày nay cũng được cải thiện rõ rệt. Phụ huynh luôn mong muốn con mình có thể ăn những gì ngon lành, bổ dưỡng nhất. Nhưng đôi khi chính việc bồi bổ dinh dưỡng cho trẻ một cách vô tội vạ lại là nguyên nhân gây dậy thì sớm cho trẻ.
Mới đây, tờ Sohu (Trung Quốc) chia sẻ bức thư của một người mẹ có con dậy thì sớm. Trong thư chị tâm sự:
Do vợ chồng phải đi làm xa nên chuyện chăm sóc con gái 5 tuổi đều do bà ngoại quyết định. Nhưng gần đây, trong lúc tắm cho con tôi phát hiện ra một điều mà mình không thể tin được: Ngực của con gái tôi có dấu hiệu phát triển rõ rệt. Chuyện gì đang xảy ra vậy? Con gái tôi không bị béo phì, vậy vì sao mà ngực bé lại to lên? Tôi thắc mắc và đã cùng bà ngoại đưa con đến bệnh viện khám.
(Hình minh họa) |
Khi đưa con đến bệnh viện khám tổng quát, bác sĩ hỏi: "Ở nhà cháu hay ăn gì?".
Bà ngoại bé trả lời rằng: "Buổi sáng ăn 2 quả trứng gà, uống một ly sữa. Buổi tối cũng ăn 2 quả trứng gà, uống một ly sữa". Đồng thời, bà thường cho cháu ăn nhiều thịt vào bữa trưa, đôi khi ăn nhẹ vài quả trứng vào bữa chiều. Có ngày bà cho cháu ăn 8 quả trứng/ngày với hi vọng cháu sẽ cao lớn, khỏe mạnh hơn.
Bác sĩ Mao Li, trưởng khoa Nội tiết, bệnh viện Nhân dân thành phố Hoài An, người đã khám cho con tôi, cho biết: Trứng gà, trứng vịt lộn là những thực phẩm giàu dinh dưỡng, rất tốt cho sức khỏe. Nhưng không nên cho trẻ ăn quá nhiều vì cơ thể trẻ không thể hấp thụ hết. Chế độ ăn quá nhiều trứng sẽ gây thừa đạm, từ đó gây gánh nặng cho gan và thận, gây khó tiêu và kích thích trẻ dậy thì sớm. Bản thân bà cũng từng tiếp nhận không ít trẻ dậy thì sớm đến khám vì lý do ăn nhiều trứng vịt lộn, trứng gà.
Trẻ em nên ăn trứng gà bao nhiêu thì tốt?
Theo PGS.TS Lê Bạch Mai (nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia - Bộ Y tế): Trứng là một trong những thực phẩm cung cấp nhiều chất đạm có giá trị sinh học cao, dễ hấp thu.
Dù là thực phẩm rất tốt nhưng cũng không nên cho ăn quá nhiều trứng vì hàm lượng chất béo trong trứng cao làm bé dễ bị đầy bụng, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa.
- Với trẻ 6-7 tháng tuổi: chỉ nên ăn một nửa lòng trứng gà/bữa, ăn 2 - 3 lần/tuần.
- Trẻ 8 - 12 tháng tuổi: ăn 1 lòng đỏ/bữa, ăn 3 - 4 bữa/tuần.
- Trẻ 1 - 2 tuổi: nên ăn 3 - 4 quả trứng/tuần, ăn cả lòng trắng.
- Trẻ từ 2 tuổi trở lên, nếu bé thích trứng có thể cho ăn tối đa 1 quả/ngày.
Thực phẩm nào gây dậy thì sớm cho trẻ?
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Hải (nguyên Viện trưởng Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, tình trạng trẻ dậy thì sớm xảy ra khi bé gái có dấu hiệu dậy thì trước 8 tuổi, bé trai trước 9 tuổi. Một số thực phẩm có thể kích thích nguy cơ dậy thì sớm ở trẻ bao gồm:
- Thức ăn nhanh: Như gà rán, khoai tây chiên, patê, xúc xích, lạp xưởng... nấu ở nhiệt độ cao sẽ bị biến đổi chất, trẻ ăn vào có thể gây rối loạn nội tiết, béo phì, dẫn đến cơ thể dậy thì sớm hơn.
- Thực phẩm chứa nhiều đường, chất tạo ngọt, đồ ăn từ nội tạng: Sẽ khiến trẻ dễ bị béo phì, tăng cân và mắc các bệnh như mỡ nhiễm máu, gan nhiễm mỡ... gây dậy thì sớm.
- Đồ bổ, thuốc bổ: Tình trạng lạm dụng thuốc, đồ bổ khiến cơ thể thay đổi quá trình bài tiết, gây ra hiện tượng dậy thì sớm.
Để phòng ngừa dậy thì sớm ở trẻ, bác sĩ khuyên nên xây dựng cho trẻ một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cân bằng, nhiều rau củ quả, có nguồn gốc rõ ràng.