Bến cũ, hạnh phúc mới

Gặp lại bạn cũ tại một cuộc hội thảo, nghe Thu Vân hỏi chuyện cuộc sống gia đình sau ly hôn, cô "khoe": "Chúng mình về lại "bến cũ" rồi!”...

Đang dở câu chuyện thì điện thoại báo tin nhắn, bạn mở máy đọc rồi hồ hởi: "Ông ấy hẹn vợ đi ăn trưa. Cậu thấy khác chưa, ngày xưa cơ quan vợ chồng cách nhau mấy trăm mét nhưng có bao giờ ông chịu đi ăn một bữa với vợ đâu. Giờ thì cách mấy km cũng hẹn hò bằng được".

Bữa trưa hôm đó, vợ chồng bạn mời cơm rồi hàn huyên chuyện quay về "bến cũ". Thu Vân còn nhớ, ngày họ chia tay ai cũng thầm tiếc cho cuộc hôn nhân được nhiều người mến mộ. Họ đến với nhau bằng một tình yêu gần 8 năm, trải qua bao thử thách. Mỗi lần đến thăm tổ ấm của họ, mọi người đều ao ước bởi tất cả đều hoàn hảo từ vợ, chồng, con cái, kinh tế...

Ấy vậy mà một ngày họ đùng đùng dắt nhau ra toà ly hôn, bố mẹ, con cái níu kéo thế nào cũng không được. Vị thẩm phán xét xử vụ án ly hôn của họ bảo lý do đổ vỡ là do cái tôi cá nhân của cả vợ lẫn chồng quá lớn. Cô vợ có chút thăng tiến trong công việc nên cho mình cái "quyền" bận rộn, quyền bắt chồng phải thông cảm. Còn anh chồng cũng có chút địa vị xã hội nên "so quyền lãnh đạo" cao thấp trong gia đình với vợ. Mỗi người đều có một cái lý cộng với cái tôi cá nhân cực đoan khiến xung đột của họ ngày càng lớn. Và thay vì tìm giải pháp để tháo gỡ họ lại ký vào đơn ly hôn với ý nghĩ: "Không có anh/cô, tôi vẫn sống tốt".

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Sau ly hôn, họ bán ngôi nhà đang ở, chia đôi con cái và tìm cuộc sống riêng. Nhưng con đường tìm hạnh phúc mới không hề đơn giản. Là người thành đạt trong sự nghiệp, đối tượng cô bạn muốn chung đường hạnh phúc phải là người đàn ông ngang bằng trình độ, sự nghiệp vững vàng. Sau một thời gian chung sống kiểu "hôn nhân thử nghiệm", cô bạn mới nhận ra "bến mới" còn phức tạp hơn "bến cũ" rất nhiều.

Cuộc sống chung ở "bến mới" không có khởi nguồn từ một tình yêu sâu đậm mà chỉ bắt đầu bằng sự cảm thông. Và vì ai cũng đã một lần đổ vỡ, thẳm sâu trong tâm hồn của mỗi người đều có dấu ấn của người cũ. Lại thêm áp lực từ trách nhiệm đối với con riêng của mỗi người luôn đè nặng, khiến khoảng cách lớn dần lên.

Tương tự, anh cũng tìm được người mới trẻ trung, tràn đầy sức sống. Nhưng khoảng cách tuổi tác, trách nhiệm với đứa con riêng đang sống cùng đã khiến anh nhận ra "bến mới" không có nhiều "ma lực" khiến anh muốn quay về như "bến cũ". Cuộc sống chung hiện tại tựa như một cuộc trao đổi: Anh có tiền, có địa vị, đối phương có tuổi trẻ, nhan sắc còn cái tình hiện hữu rất mỏng.

Gần 4 năm, họ một lần nữa từ bỏ tất cả trở về cuộc sống đơn thân. Lúc bấy giờ những đứa con sống sa sút sau ngày bố mẹ ly hôn đã vô tình kéo họ về lại bên nhau. Cô bạn bảo:

- Trước ngày ra phường đăng ký kết hôn lại, mình và anh ấy cùng thống nhất lập ra một bản "kế hoạch" xây hạnh phúc mới. Sở dĩ nó phải mới là để không lặp lại vết xe đổ của hạnh phúc cũ.

Nghe Thu Vân hỏi việc xây hạnh phúc mới như thế nào, anh chồng nắm chặt tay vợ nói: “Phải học nhiều thứ lắm, từ cách cãi nhau thế nào để giải quyết được vấn đề mà không làm tổn thương nhau, đến cách "giữ vợ, giữ chồng" qua từng bữa ăn cùng nhau như thế này, quyền "lãnh đạo, chỉ huy" trong gia đình cũng phải biết phối hợp tiến lùi cùng nhau chứ không phải cả hai "cùng tiến" như trước nữa. Nói tóm lại là học hàng ngày đấy cô ạ!”.

Nhìn ánh mắt lấp lánh của cô bạn, Thu Vân cũng mừng lây, mong rằng bạn mãi giữ được hạnh phúc mới như bây giờ!

Chồng biến thành “nạn nhân” của vợ cũ

Từ phòng tư vấn về, anh nhận ra bấy lâu nay mình đã quá bất lực với con để rồi vô tình biến mình thành “nạn nhân” của vợ cũ.

Họ đến với nhau tại buổi gặp mặt du học sinh tại đại sứ quán một nước nhân ngày quốc khánh của nước này. Ba năm sau khi đi du học trở về, họ cưới nhau trong niềm ganh tỵ của bạn bè. Hai bên gia đình không giấu được niềm tự hào về dâu giỏi, rể tài.

- Chúng tôi đã có sự khởi đầu khá vững vàng, công việc ổn định, thu nhập khá, nhà đẹp xe sang. Một năm sau, con trai ra đời, hạnh phúc thật sự viên mãn. Nhưng…

Anh dừng lại xin phép được hút thuốc như để giải tỏa bớt sự căng thẳng lẫn nỗi buồn chất chứa trong lòng: “Người ta nói không là vợ chồng thì vẫn có thể là bạn tốt. Nhưng tiếc là cô ấy lại không chấp nhận, quyết phá đời tôi để trả thù”.

Anh kể cuộc hôn nhân của họ bất hạnh khi đứa con trai được 5 tuổi. Chị sống thoáng trong tình cảm nhưng anh thì ngược lại. Vậy nên khi phát hiện vợ có quan hệ với tình cũ, anh đã giằng xé, đau khổ rất nhiều. Ba năm trời sống trong sự tổn thương của người đàn ông bị vợ phản bội anh quyết định chia tay. Chị không đồng ý với quyết định đó. Đơn ly hôn anh viết lần nào chị cũng đều xé bỏ. Không còn cách khác, anh đành ly hôn đơn phương. Đến lúc này, chị phải chấp nhận, nhưng trước khi thoát ra khỏi nó, chị đã lập sẵn một kế hoạch trả hận anh.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Chị nhường lại quyền nuôi con cho anh, tài sản chỉ lấy một số tiền tiết kiệm nhỏ còn một nửa căn hộ từ tài sản chung cùng tiện nghi trong đó chị để lại cho con trai. Anh cứ nghĩ, đó là tấm lòng dành cho con của người mẹ. Nhưng sau này mới rõ đó thực chất là âm mưu trả thù chồng cũ của chị, và việc để con lại cho chồng nuôi cũng nằm trong kế hoạch ấy. Khi anh bắt đầu xây dựng lại hạnh phúc, âm mưu đó mới bộc phát.

- Cô ấy tiêm nhiễm vào đầu con rằng chính bố là người đã phá vỡ hạnh phúc khiến mẹ phải ra khỏi nhà, để nó không được sống trong cảnh đầy đủ bố mẹ. Vậy nên, không được cho bố lấy ai, để đợi mẹ về đoàn tụ. Mới 10 tuổi đầu mà nó bảo nhà này một nửa là của nó, bố không có quyền đưa người khác về sống chung.

Do đó, người nào tôi đưa về cũng bị nó “khủng bố” bằng sự hỗn láo, hoặc bỏ ăn uống, nhốt mình trong phòng. Mấy lần nó còn bỏ nhà đi, học hành chểnh mảng. Vợ cũ vin vào đó đổ lỗi cho tôi nuôi con không tốt làm nó hư hỏng. Tôi bảo nếu vậy cô hãy đón con về nuôi, thì thằng bé hằn học bảo bố cố tình đuổi nó đi để lấy vợ mới. Phần tôi, nghĩ mình chủ động ly hôn nên cũng có lỗi với con nên cũng không muốn tạo thêm áp lực, khó khăn cho con khi nghĩ đến chuyện tái hôn. Vợ cũ nắm được điểm yếu ấy của tôi nên càng kích động con”.

Hôm ấy từ phòng tư vấn về, anh nhận ra bấy lâu nay mình đã quá bất lực với con để rồi vô tình biến mình thành “nạn nhân” của vợ cũ. Sự bất lực đó bắt nguồn từ việc anh sợ làm tổn thương con thêm một lần nữa sau ly hôn nên đã phần nào thỏa hiệp trước sự chống đối, dọa dẫm của nó mà không biết cách phân tích cho con hiểu. Anh cũng thừa nhận chính sự thỏa hiệp ấy vô tình khiến cho con trai nghĩ rằng yêu sách của nó là đúng và tin hoàn toàn vào sự tác động, chi phối của mẹ.

Sai lầm tiếp theo là anh đã không nghĩ đến việc nhờ ông bà, người thân, thậm chí nhờ thầy cô giáo tác động. Về phía vợ cũ, anh đã không kiên quyết cũng như biết tìm đến pháp luật để hạn chế những tác động xấu của chị đối với con. Bởi xét trên góc độ pháp lý, người mẹ không trực tiếp nuôi con sẽ bị hạn chế (thậm chí là truất quyền) quyền thăm nuôi con nếu có những hành vi gây ảnh hưởng không tốt cho quá trình nuôi dạy con của người bố.

Chồng nói chỉ yêu vợ cũ

(Kiến Thức) - Cuộc hôn nhân này lại đem tới cho em quá nhiều bất hạnh. Nguyên nhân xuất phát từ việc anh không quên được vợ cũ.

Anh ấy đã từng có một đời vợ. Khi em quyết định lấy anh ấy, cả nhà em ai cũng can ngăn, đặc biệt là mẹ em, bà khóc lóc, buồn phiền đến nỗi phải nhập viện. Vì tình yêu, em đã vượt qua bao khó khăn. Nhưng không ngờ, cuộc hôn nhân này lại đem tới cho em quá nhiều bất hạnh. Nguyên nhân xuất phát từ việc anh không quên được vợ cũ. Anh đã ly hôn vợ vì lý do chị ngoại tình. 
Giờ chị ấy nhận ra sai lầm, quay về, xin anh tha thứ và họ lén lút liên lạc với nhau. Khi em phát hiện ra, em chỉ mong anh ấy chối, hoặc cầu xin em tha thứ cho phút yếu lòng nhất thời. Nhưng anh ấy lại thừa nhận, rằng người anh ấy yêu chỉ là chị ấy thôi, anh không thể bỏ chị ấy. Giờ em vô cùng bấn loạn. Em không muốn ra đi trong cảnh bại trận thế này, em không còn mặt mũi nào nhìn bố mẹ em. Mà sống trong cảnh chồng chung em như chết từng ngày - Hoàng Hương Lan (Nghệ An).

Tin mới