Chỉ vì phiến đá to chắn trước cửa hang được khắc dòng chữ “Kim ngân thất thập đám” (vàng bạc bảy mươi thúng) mà hàng chục năm qua, không biết bao nhiêu lượt thanh niên, trai tráng đã không màng đến sự nguy hiểm tính mạng leo lên ngọn núi Khăm Mả (xã Thông Huề, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) mang theo “giấc mộng vàng” nhưng đều tay trắng trở về. Để khám phá bí ẩn về hang giấu vàng này, PV cũng đã thử vào hang với sự trợ giúp của một người dân bản địa.
Câu chuyện về sự mất tích của 70 người
Chúng tôi bắt đầu khám phá núi Khăm Mả từ trung tâm xã Thông Huề với sự giúp sức của Trưởng thôn Bản Khuôn, ông Nông Lưu Đồng. Sau quãng đường vòng vèo trong rừng và bên lừng chừng núi, chúng tôi cũng tiếp cận được cửa hang với một phiến đá to chắn trước.
Theo lời của ông Đồng, trước đây ngọn núi này là một điểm nóng vì có rất nhiều người đến đây mong tìm kiếm được kho vàng với hi vọng đổi đời. “Ngày xưa trước cửa hang còn có phiến đá to với dòng chữ “Kim ngân thất thập đám”. Mặc dù tôi không biết nó là gì, nhưng theo cách gọi phổ biến của người dân nơi đây là “Vàng bạc bảy mươi thúng”. Chính vì nhiều người nghĩ trong hang này rất nhiều vàng nên từ thanh niên cho đến những người đã lớn tuổi đều đã vào sâu trong hang hoặc đào bới xung quanh núi nhưng chả có miếng vàng nào”, ông Đồng cho biết.
Theo hướng tay mà ông Đồng chỉ dẫn, chúng tôi nhìn sâu vào hang hun hút như một mê cung và nếu bước vào đây, chỉ một cái sảy chân là có thể mất mạng bất cứ lúc nào. Ông Đồng cho biết, theo một số già làng kể lại, hang này là nơi chôn giấu vàng bạc, châu báu của một ông quan giàu có khét tiếng trong vùng.
Ông vừa là người có thế lực, vừa có tài sản khổng lồ. Để giấu vàng, ông thuê 70 người và ngựa cõng theo những thúng vàng to lên đây rồi đi sâu vào trong hang. Để không ai biết đường giấu vàng bên trong như thế nào, ông đã cho những kẻ thân tín nhất bịt cửa và chôn sống cả 70 người, ngựa trong hang tối.
Khe núi dẫn vào hang giấu vàng. |
Tuy nhiên, thấy nhiều người ở nơi khác lũ lượt kéo vào hang tìm vàng quá, nên khi đó già làng Nông Văn Lúm đã cùng một số anh em mang phiến đá khắc dòng chữ này đi nơi khác. Cho đến nay, không ai biết già làng Lúm mang phiến đá đó đi đâu và do tất cả mọi người đi cùng đều đã qua đời nên tấm bia đó cũng trở thành sự bí ẩn. Bởi nhiều người cho rằng, trên tấm bia đó có nói rõ chi tiết về nơi cất giấu vàng thực sự và bản đồ cụ thể như thế nào.
Điều khiến những người sống xung quanh núi Khăm Mả là vào ban đêm, thỉnh thoảng lại xuất hiện những đốm lửa xanh lơ lửng bay trên cửa hang. Nhiều người yếu bóng vía nghĩ đó là linh hồn của 70 người bị chết oan nổi giận biến thành đám cháy hại người. Một số người khác hiểu biết, nghĩ sâu xa hơn thì cho rằng, đó là “ma trơi”, một hiện tượng phổ biến ở những nơi có xác người.
Ông Đồng cũng kể, thời bố ông còn trẻ đã có rất nhiều lần thâm nhập vào hang để tìm kiếm vàng nhưng mỗi lần vào đó thì bố ông lại nhận một lần thất bại. “Ước tính cũng phải đến cả trăm lần, trong hàng chục năm trời. Đến ngay cả khi ông cụ sắp mất mà cụ vẫn còn day dứt về chuyện chưa tìm thấy lối vào nơi có chứa vàng như các già làng trước vẫn kể lại”, ông Đồng cho biết thêm.
Khám phá bí ẩn hang động
Là người từng đốt đuốt đi sâu vào trong hang Khăm Mả, ông Bế Văn Nhuần, một cao niên trong làng cho biết: Để vào sâu bên trong hang Khăm Mả thì chỉ có một con đường độc đạo tối om, lọt được từng người một. Đi tiếp vào bên trong sẽ có nhiều ngóc ngách và có rất nhiều rắn độc trú ngụ.
Để minh chứng cho việc những phu vàng đã từng bỏ mạng trong hang sâu, đầy hiểm nguy này, ông Nhuần nhớ lại: “Khoảng những năm 1972 hay 1973 gì đó, tôi đánh liều một mình đốt đuốc đi vào hang. Phải vất vả lắm tôi mới đi hết được con đường độc đạo. Tuy nhiên, trong lúc đi tôi vô tình đá phải một vật rồi phát hiện ra đấy chính là một thanh kiếm dài khoảng 60cm, cạnh đó là hai chiếc đầu lâu. Nhìn thấy cảnh này, tôi dựng tóc gáy chẳng thiết gì tìm vàng nữa, mà chỉ biết cắm đầu, cắm cổ bỏ về nhà”.
Khi chuẩn bị đưa chúng tôi vào sâu bên trong hang, vị Trưởng thôn Nông Lưu Đồng cho biết thêm, xưa kia ông và bố ông cũng nhiều lần thâm nhập vào hang để tìm kiếm vàng nhưng lần nào cũng thất bại. Lý giải điều này, theo ông Đồng là do đường vào hang tối tăm và nguy hiểm nên ít người vào sâu được. Tuy nhiên, điều khiến hai bố con ông kinh hãi nhất là càng vào sâu bên trong, càng gặp nhiều xương và tóc của người chết. Chính vì sợ nên hai bố con ông không vào sâu bên trong nữa.
Ông Đồng kể lại, trước đây, người tìm vàng thường chia nhau thành các tốp, dựng lều trại ở đây để tìm kiếm. Nhưng người cứ vào được một lúc lại phải ra ngoài vì xung quanh hang được lấp kín bởi những khối đá và cứ cách vài khối lại thấy tóc và xương người chết nên nhiều người cảm thấy bị ám ảnh không dám tiếp tục và đành từ bỏ “giấc mộng vàng”…
Cứ thế, tốp người này đi, tốp khác lại đến lại đến với ước mong tìm vàng nhưng kết cục lại trở về trắng tay càng làm cho hang vàng trở nên huyền bí.
Trong hang có rất nhiều xương người. |
Không khí bên trong càng lúc càng nóng hầm hập, mọi thứ trở nên tối sầm lại. Âm thanh duy nhất lúc này là tiếng thở gấp, chúng tôi cố gồng mình men theo phiến đá tìm chỗ nghỉ ngơi, nhưng rồi lại khựng người lại khi bàn tay vớ phải một một mảnh xương trắng ngắt. Một thoáng sợ hãi, chúng tôi cảm giác như mình đang ở dưới đáy địa ngục. Biết đây không phải là chỗ có thể ở lâu, chúng tôi đành quay ngược lại phía cửa hang.
Thoát ra ngoài, chúng tôi mới hiểu vì sao có biết bao nhiêu con người đã từng đến đây rồi lại đi mà chưa một lần chạm được kho vàng như lời đồn thổi. Ông Lương Hồng Sơn, nguyên Chủ tịch UBND xã Thông Huề cho biết: “Hang vàng không biết có từ bao giờ, chỉ nghe truyền thuyết kể lại chứ thực hư thế nào thì chưa ai biết được… Việc có nhiều người tìm lên núi để mong đổi đời là do người nọ truyền tai người kia từ những năm 1980. Khoảng chục năm trở lại đây, tình trạng này không còn tiếp diễn nữa do người dân có sự nhận thức hơn”.
Nói về trong hang có rất nhiều xương người, một cán bộ xã Thông Huề cho rằng, có thể trước đây ở vùng đất này, người dân an táng người chết bằng cách cho vào hang nên bây giờ mới như thế?! Vị cán bộ này cũng không loại trừ, khả năng ngày xưa, nhiều người dân bị giặc bắt rồi tàn sát trước cửa hang. Tuy nhiên, cho dù là lý do gì đi nữa, đến nay hang vàng trên núi Khăm Mả vẫn là một điều huyền bí chưa có lời giải đáp.
Trưởng thôn Nông Lưu Đồng cho biết, đỉnh điểm mà người dân kéo đến để tìm vàng đông nhất là năm 1987. “Lúc đó, hàng trăm người dân khắp nơi kéo nhau về đây. Họ mang theo lương thực, cuốc xẻng, dựng lán trại trên núi để tìm vàng nhưng vàng đâu chả thấy, chỉ thấy trong hang vô số xương người và tóc cùng biết bao điều hiểm nguy luôn rình rập”.