Bí ẩn "Hang Ma" nơi những con cá khổng lồ trú ngụ ở Thanh Hóa

Loài “cá thần” thích nước trong, nên trú ngụ trong hang ma cả trăm năm qua, nên con nào con nấy đen sì, to như cột nhà, lừ đừ trong hang, nhìn đến phát khiếp.

Quan Hóa (Thanh Hóa) là vùng đất đầy bí ẩn và những dấu tích tiền sử hiển hiện khắp nơi, những cỗ quan tài chưa thể lý giải nổi của bộ lạc nào.
Vùng núi đá vôi ấy, thật nhiều hang động bí ẩn với những huyền tích hút hồn người ưa khám phá. Hang Ma ở xã Nam Xuân giờ chỉ còn là hõm núi, với vách đá sừng sững, nhưng ít ai biết rằng, ẩn sâu trong lòng núi, là những câu chuyện thú vị bị chôn vùi, về một động cá thần khổng lồ biến mất một cách đáng tiếc.
Vòng vèo mãi trên những con đường ngoằn ngoèo dốc núi bản Nà Cốc, rồi tôi cũng tìm được nhà bí thư bản Hà Văn Chuôn. Ông Chuôn sống trong ngôi nhà sàn cổ, rộng mênh mông, với những cột gỗ lên màu thời gian.
Hỏi về Hang Ma, ông chẳng cung cấp thông tin vội, mà đi pha ấm trà, phóng đôi mắt đượm lên nỗi buồn qua ô cửa nhỏ xuống thung lũng lúa mùa con gái.
Ma trong tiếng Thái là Phi, nên ông cũng như dân bản Nà Cốc gọi là Hang Phi. Người Nà Cốc cứ gọi là Hang Phi, còn người nơi đâu đến đây gọi là Hang Ma thì mặc kệ.
Ông Chuôn vẫn còn giữ lưới, nhưng Hang Ma thì không còn cá.

Ông Chuôn vẫn còn giữ lưới, nhưng Hang Ma thì không còn cá.

Hang Ma gắn với cả tuổi thơ của ông Chuôn và nó đầy sự tích bí ẩn, quyến rũ và sự ấm no cho cả bản.

“Hang Phi, tưởng là nơi Phi ngụ, tức là nhiều Phi lắm, ấy nhưng mà, nó là kho báu mà tổ tông chúng tôi trông giữ, nó mang lại ấm no cho cả bản hàng thế kỷ đấy. Vậy mà, giờ nó mất rồi” – ông Chuôn nhấp chén trà, chậm rãi hồi tưởng lại một thời kỳ thú của Hang Ma.

Vùng Quan Hóa là nơi người cổ cư ngụ. Nó nằm trong quần thể núi đá vôi của cả Hòa Bình, kéo dài đến Ninh Bình, nơi phát hiện những hang động người cổ trú ngụ từ vạn năm trước, với những lớp trầm tích ốc núi dày vài mét đáy hang. Cả ngàn năm qua, thiên địa biến động, nhưng vùng Quan Hóa luôn có người ở.

Ấy thế nhưng, gia phả người Thái bản Nà Cốc thì lại ngắn ngủi, với 12 hộ dân cư ngụ, đến ông mới là vài đời.

Trong truyền thuyết người Thái bản Nà Cốc, thì cách đây hơn 100 năm, một vị “thủ lĩnh” dẫn một nhóm người từ Hòa Bình, vạch rừng hoang đi ngược dòng sông Mã, đến ngã ba sông Luồng, thấy tiếng hổ gầm vang động rừng núi, thì núp vào hang đá vì sợ hổ ăn thịt.

Hang Ma nằm dưới một mái đá khổng lồ.
Hang Ma nằm dưới một mái đá khổng lồ. 

Vị thủ lĩnh gan dạ bám mép sông Luồng ngược lên, tìm hiểu xem vì sao hổ ở đây nhiều vậy, thì ông thấy một đàn hổ, toàn những con khổng lồ, to như trâu mộng, đang đứng bên sông ăn cá. Cứ ăn hết cá, chúng lại thong thả lội xuống sông, chộp lên một con cá lớn kéo lên bãi cát ăn.

Vị thủ lĩnh không sợ, đến gần đối mặt. Đàn hổ thấy người đàn ông to lớn, khỏe mạnh, thì bỏ đi, rồi mất hút trong rừng. Thấy đoạn sông, nơi có động lớn, cá mú nhiều như trong chậu, biết là đất lành, vị thủ lĩnh đã cắm dùi, gọi nhóm người Thái rời hang, rồi ngụ cư quanh cái động lớn ấy. Lúc đầu chỉ có vài hộ, mãi giữa thế kỷ 20 mới có 12 hộ. Giờ thì đông đúc lắm rồi.

Khi đó, hang này không có tên. Rất nhiều lái buôn đóng bè chở luồng về sông Mã mất mạng ở đây, tin rằng ma trú ngụ nhiều, nên dân bản gọi là Hang Ma. Họ dựng một cái miếu ở hốc đá phía trên cửa hang, để “ma” có chỗ cư ngụ, không quấy nhiễu đồng bào.

“Xưa kia, nước sông Luồng sâu lắm, Hang Phi cũng sâu. Thời các cụ, rồi cả thời tôi nữa, đóng bè chui vào hang, nhưng chèo miết, lặn miết mà không thấy đáy hang ở chỗ nào. Nó thực ra là những con suối, con sông trong lòng núi” – ông Chuôn kể.

Ông Hà Văn Chuôn dẫn tôi ra dòng sông Luồng để mô tả sự hùng vĩ của Hang Ma. Mùa mưa, trận mưa đêm trước khiến dòng sông Luồng đỏ au, hung dữ, nước lao như tên bắn.

Dòng sông uốn lượn, rồi chui tọt vào núi Pha Phưng, biến thành Hang Ma nhỏ. Dòng nước chui ra từ núi Pha Phưng, lại mất hút trong núi Pha Hang, tạo thành Hang Ma lớn.

Núi Pha Hang là một mái đá khổng lồ, cao vời vợi, với những nhũ đá đẹp mắt. Xưa kia, sông sâu, dòng nước đỏ au mất hút dưới chân núi, rồi mới lại vọt nước ra dòng sông Mã. Nhưng giờ, nó thốc nước vào chân núi rồi bật ra luôn, bởi hang đã bị vùi lấp sắp mất tiêu rồi.

 

Xưa kia, nước sông Luồng chui tọt vào núi Pha Phưng, biến thành Hang Ma nhỏ. Dòng nước chui ra từ núi Pha Phưng, lại mất hút trong núi Pha Hang, tạo thành Hang Ma lớn.

Trong ký ức của ông Chuôn, chẳng cần xa lắm, chỉ mới độ 15 năm về trước, thì Hang Ma là một “kho cá” khổng lồ, với đủ các loại cá quý, như cá lăng, chiên, dầm xanh, đặc biệt là cá dóc, loài “cá thần” nổi tiếng xứ Thanh, với suối cá độc đáo còn ở Cẩm Thủy cách Quan Hóa không xa.

Ngày đó, những thanh niên như ông Chuôn, sức khỏe tốt, ngậm vòi thở, trong mùa nước trong, sông lững lờ chảy, mà lặn 10m không thấy đáy sông chỗ miệng hang.

Mùa nước cạn, miệng hang lộ ra, ông cùng những thanh niên tò mò trong bản chui vào hang thám hiểm lòng núi. “Hồi những năm 80 của thế kỷ trước, chúng tôi đốt đuốc, lội suối trong động, mà phải rẽ cá để có chỗ đặt chân, bởi cá nhiều hơn cả nước, cứ lúc nhúc như trong chậu” – ông Chuôn kể.

Từ vách núi, có vô số hang đá, những mó nước chảy ra, với con suối to như dòng sông ngầm. Loài “cá thần” thích nước trong, nên trú ngụ trong đó cả trăm năm qua, nên con nào con nấy đen sì, to như cột nhà, lừ đừ trong hang, nhìn đến phát khiếp.

Xưa kia, các loại cá lúc nhúc rất nhiều ở miệng Hang Ma.

Xưa kia, các loại cá lúc nhúc rất nhiều ở miệng Hang Ma.

Tháng 4 hàng năm, khi tiếng ve râm ran khắp rừng, là đến ngày “hội bắt cá” của dân bản Nà Cốc.

Khi đó, lũ lên, nước đục như bát đất đỏ, các loài cá sợ sặc nước, từ sông Mã sẽ rồng rắn ngược lên sông Luồng, trốn vào hang Hang Ma, nơi có những dòng nước sạch tuôn chảy từ trong núi ra. Những con cá chiên to như quả bom lừ đừ dưới nước, nặng nửa tạ, những con cá lăng to như cái phích dài cỡ đòn gánh, những con “cá thần” to như cột nhà cháy cứ ngóc đầu ở Hang Ma nhìn đã mắt.

“Chưa đến ngày hội đánh bắt cá, thì không ai được bắt con cá nào. Đám trẻ con chúng tôi kéo nhau ra hang chơi, cứ bứt lá cộng sản ném xuống cửa hang, cá kéo ra thi nhau đớp ăn bòm bọp” – ông Chuôn hào hứng nhớ lại.

Trước ngày hội bắt cá, trưởng bản sẽ mổ gà, đem lên ngôi miếu cúng các vong hồn, rồi xin phép bắt cá. Vài người giỏi sẽ đảm nhiệm việc bắt cá. Mà thực ra, việc bắt cá không có gì cầu kỳ.

Chiếc thuyền độc mộc được chèo qua sông, cắm ở cửa hang, rồi cứ thế quăng chài, nhấc cá lên. Con cá nào to cỡ bắp chân, thì mới bắt, nhỏ hơn thì thả. Có những mẻ lưới, mà ông nội, rồi đến bố ông Chuôn không kéo lên nổi, vì cả tạ cá chui vào lưới, phải thả bớt ra mới nhấc lên được. Chỉ đánh cá một lúc thì đầy thuyền. Những con cá dốc (cá thần), thì chỉ bắt loại dưới 12kg. Những con to 30-40kg thì thả chúng xuống hang, bởi nó sống lâu trăm năm, hóa thần rồi, không ai dám ăn cả.

Cá ở Hang Ma là tài sản chung của cả bản, nên cá đánh lên thuyền thì chia đều cho nhau, cùng thưởng thức. Ngày hội đánh cá kéo dài từ tháng 4 đến tận tháng 8 âm lịch, hết mùa mưa mới thôi. Cả bản ăn cá suốt ngày, chế biến đủ các món, vẫn không hết được cá ở hang.

Hang Ma nhìn từ trên cao.
Hang Ma nhìn từ trên cao. 
Những tháng ngày sau đó, người Nà Cốc không đánh cá nữa. Dù thanh niên có chui vào hang, bơi lội nghịch ngợm với đàn cá, thì cũng không bắt con nào. Những năm 60-70 thế kỷ trước, khi con người không bắt cá ở Hang Ma, thì hổ và gấu kéo đến ăn cá đông như “trẩy hội”. Đám hổ và gấu cứ đứng trên bờ cát, khua chân trước xuống nước là móc được cá to như cái phích để ăn.
Hang Ma thì còn đó, nhưng “kho cá” khổng lồ thì đã đi vào huyền thoại trong những câu chuyện của người già với đám trẻ con bên bếp lửa hồng.
“Độ 15 năm trước, cá ở Hang Phi ít dần và mấy năm nay thì biến mất hoàn toàn. Lý do là làm đường đi Mường Lát phải san núi lấp sông, rồi khai thác cát khiến dòng sông biến đổi, đất cát tràn xuống lấp mất cửa hang. Trước sông Luồng chỗ miệng hang sâu cả chục mét, nhưng giờ chỉ còn 3m, nên cửa hang mất luôn. Những con cá lớn cuối cùng cũng đã bị đám kích điện tận diệt. Các nhà máy giấy, mỏ quặng thải độc xuống sông, nên chúng tôi quăng chài ở Hang Ma cũng chỉ bắt được những con cá bằng ngón tay mà thôi” – ông Chuôn buồn bã thở dài chỉ tay về phía Hang Ma chỉ con là vách đá, mà chẳng thấy hang ở đâu.
Theo lời ông Chuôn, nếu đi từ hang Dơi trên lưng núi, thả dây xuống các động nhỏ, có thể vẫn tìm thấy các mó nước, các con suối ngầm trong núi, tuy nhiên, “kho cá” với những con cá thần to như cột nhà cháy, đen trùi trũi còn không, thì ông không biết, vì chưa ai dám chui vào lòng núi theo đường ấy.
Bây giờ, chính quyền Quan Hóa đang muốn phát triển du lịch, thu hút du khách đến Hang Ma, nhưng những câu chuyện đẹp về Hang Ma thì chẳng còn gì cả, ngoài một mái đá cao vời vợi, và cái xoáy nông choèn minh chứng cho sự tàn phá của con người.

Dấu vết con người được phát hiện tại hang động Thanh Hóa

Đây là kết quả mới nhất trong đợt thăm dò khảo cổ tại hang Con Moong từ ngày 8-28/11 do Viện Khảo cổ học phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Nga thực hiện.

Qua thăm dò và khai quật tại hang Diêm, các nhà khoa học đã phát hiện được di cốt người tiền sử. Hang Diêm nằm cách hang Con Moong khoảng 1,5km, đây là hang động có quan hệ chặt chẽ với hang Cong Moong và thuộc hệ thống di tích hang động tiền sử Thành Yên và cùng nằm trên xã Thành Yên, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa.

Đây là kết quả mới nhất trong đợt thăm dò khảo cổ tại hang Con Moong từ ngày 8-28/11 do Viện Khảo cổ học phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Nga thực hiện.

Khám phá giật mình: Người Việt cổ cao 1,8m

Trở lại với hình thức huyền quan táng, các hang động đặt quan tài đều rất cheo leo, hiểm trở. Vậy người xưa với những phương tiện thô sơ, dùng sức người là chính, đã đưa các quan tài lên hang núi thế nào?

Tin mới