Hòn Tro (tiếng Pháp: île des Cendres, nghĩa là "đảo tro") là một hòn đảo mới hình thành vào năm 1923 ở phía nam đảo Phú Quý, ngoài khơi Nam Trung Bộ Việt Nam.
Ngày nay, Hòn Tro chỉ còn trong ký ức dân gian và trong những tài liệu khoa học. |
Đó là khoảng thời gian từ tháng 2- 3/1923, người dân địa phương thấy một cột khói lửa phun lên kèm theo những tiếng nổ vang trời ngoài khơi quần đảo Phú Quý. Sự kiện địa chất long trời lở đất này đã tạo điều kiện cho sự xuất hiện một hòn đảo.
Các bô lão địa phương kể lại: Đêm 30 tháng chạp năm Nhâm Tuất, khi người dân đang chuẩn bị đón giao thừa thì nhà cửa bị rung chuyển. Hai tuần sau đột nhiên ngoài biển khơi phía tây nam xã Tam Thanh (huyện đảo Phú Quý) ngày nay có một cột khói đen dựng đứng phun lên mù mịt cả một vùng trời.
Khoảng 5 ngày sau xuất hiện một cột lửa đỏ rực bốc lên cao và cũng chừng 5 ngày sau nữa khi cột lửa từ từ hạ xuống và tắt hẳn thì dân làng thấy một hòn đảo nhỏ nhô lên khỏi mặt nước.
Trùng với lời kể của các bô lão địa phương, thủy thủ trên tàu Vacasamaru của Nhật thời đó khi đi ngang qua khu vực này cũng phát hiện một đám khói đen dựng đứng, kèm theo một cột hơi dày đặc bốc cao hơn 2.000 m cùng với những tiếng nổ mạnh phát ra từng đợt.
Ngày 8/3 năm đó, quá trình phun trào núi lửa đã xảy ra, nhưng yếu ớt. Ngày 15/3/1923, núi lửa tạm ngừng phun để đến 20/3/1923 nó phun trở lại lần cuối. Kết quả đợt phun trào ấy là sự hình thành của một hòn đảo từ tro bụi núi lửa. Nó được gọi là Hòn Tro.
Sự kiện đảo nhô lên sau hoạt động núi lửa đã thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học thời bấy giờ. Các ghi chép để lại cho thấy ngày 13/3/1923 đoàn khảo sát thủy văn của Pháp ở Đông Dương nhận được chỉ thị tìm hiểu hòn đảo mới ra đời tại quần đảo Phú Quý. Ngày 17/3/1923 họ đã tiến hành khảo sát thực địa và vẽ bản đồ khu vực hòn Tro trình lên Viện hàn lâm Khoa học Pháp thời bấy giờ.
Các ghi chép để lại cho thấy, đảo được hình thành từ các đống mảnh vụn của một chất màu đen có lỗ rất nhẹ - hiển nhiên là tro núi lửa và do đó đảo được gọi là hòn Tro.
Những khối đặc sít hơn được tìm thấy ở nhiều nơi, đặc biệt là trên đỉnh khối lớn nhất cao 0,75m và có bề ngang 0,5m. Đảo có hình móng ngựa hay trăng lưỡi liềm mà hai sừng bị cắt gọt thành vách đứng cho thấy một sự sụp đổ đã xảy ra.
Ba tháng sau Hòn Tro biến mất. Các nhà khoa học cho rằng Hòn Tro có thể đã bị sóng gió đánh tan, do nó hình thành từ những sản phẩm núi lửa chưa được cố kết chặt chẽ. Vì thế đã gọi Hòn Tro là “hòn đảo phù du”. Ngày nay, Hòn Tro chỉ còn trong ký ức dân gian và trong những tài liệu khoa học.
Hòn Tro không còn, tuy nhiên một số nhà khoa học lo ngại hoạt động núi lửa ở Nam Trung Bộ vẫn có thể xuất hiện, đặc biệt là khu vực Hòn Tro.
Do đó, việc thiết lập một trạm quan sát địa chấn ở đảo Phú Quý sát với cụm núi lửa Hòn Tro nhằm theo dõi và dự báo sự xuất hiện của chúng qua những chấn động nhỏ trước khi phun là cần thiết.
Mời độc giả xem video:Truy nã Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường. Nguồn: VTV24.