"Khoảnh khắc hiếm hoi" này được đài thiên văn Solar Dynamics chụp vào ngày 23/5 và công bố ít ngày sau đó. Theo tính toán, mỗi chùm "pháo bông" trên Mặt trời có kích thước gấp vài lần trái đất, thực ra là các dòng từ trường được chiếu sáng rực rỡ bởi các hạt điện tích.
Những chùm "pháo bông" bí ẩn xuất hiện trên bề mặt của mặt trời - ảnh: NASA |
Trong ảnh, NASA có "tô màu" đôi chút để mọi người có thể quan sát rõ hơn khoảnh khắc đẹp mắt.
Thực tế, NASA không chỉ quan sát và ghi nhận hình ảnh này để ngắm nhìn. Các chùm "pháo bông" đánh dấu khu vực đang có hoạt động từ tính mạnh mẽ. Mức hoạt động từ tính của mặt trời ảnh hưởng trực tiếp đến khí hậu của trái đất.
Trong các giai đoạn hoạt động từ tính của mặt trời suy yếu, trái đất phải trải qua các thời kỳ lạnh lẽo, ví dụ như kỷ băng hà. Các nghiên cứu cho thấy mặt trời sắp sửa đi vào giai đoạn thấp điểm của hoạt động từ tính một lần nữa vào khoảng năm 2019-2020. Tuy nhiên, các nhà khoa học không bình luận hoặc cảnh báo nào về một "kỷ băng hà hiện đại" bởi nó chỉ đơn giản hoạt động kém hơn một chút.
Một nghiên cứu gần đây của Hiệp hội Max Planck vì sự phát triển khoa học, một hiệp hội phi lợi nhuận của Đức, cho thấy tuy hoạt động từ tính của mặt trời ảnh hưởng đến nhiệt độ trái đất, chúng ta vẫn không thể đổ lỗi cho mặt trời về sự ấm lên toàn cầu.
Mặt trời không tăng độ sáng và hoạt động từ tính trong rất nhiều thập kỷ qua, thậm chí trong 30-40 năm nay còn có sự giảm nhẹ. Có rất nhiều lý do khác dẫn đến biến đổi khí hậu và con người là thủ phạm chính khiến trái đất nóng lên.