Hôm 31/1, cuộc nghiên cứu do Trung tâm Quốc gia về Kiểm soát Thảm họa của Ấn Độ phối hợp thực hiện với Văn phòng Ấn Độ của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Thảm họa Mỹ đã công bố nguyên nhân chứng bệnh kỳ lạ trên trẻ em ở Ấn Độ. Đó là quả vải tử thần, nếu đứa trẻ ăn khi bụng đói và trong tình trạng suy dinh dưỡng.
Cứ mỗi tháng 5, khi cái nóng như thiêu đốt bắt đầu phủ lên thành phố Muzaffarpur (Ấn Độ), nhiều đứa trẻ đêm trước vẫn khỏe mạnh bỗng ngã bệnh vào sáng hôm sau. Chúng rơi vào hôn mê và khoảng 40% trong số đó tử vong.
Một người đàn ông chăm sóc cô con gái bị bệnh tại thành phố Muzaffarpur năm 2013. Ảnh: New York Times. |
Đến tháng 7, khi những cơn mưa gió mùa đổ xuống, dịch bệnh cũng biến mất đột ngột như cách nó bắt đầu. Muzaffarpur là một trong những địa phương của Ấn Độ mà dịch bệnh này đã hoành hành hàng chục năm nay.
Các nhà khoa học phát hiện một loại độc tố trong quả vải có khả năng gây giảm mạnh lượng đường huyết của trẻ em. Kết hợp với việc trẻ đang đói, việc này có thể dẫn đến hôn mê và tử vong.
Trước đó, nhiều cuộc nghiên cứu được tiến hành từ năm 1995 đã suy đoán dịch bệnh này có thể do nắng nóng, truyền nhiễm từ chuột, dơi, ruồi cát hoặc do thuốc trừ sâu sử dụng trong các vườn vải ở đây.
Tuy nhiên, các nhà khoa học không tìm được nhiều bằng chứng cho giả thiết của họ. Thay vì diễn ra hàng loạt, bệnh chỉ xảy đến với một đứa trẻ trong gia đình trong khi anh chị em chúng đều vô sự.
Những đứa trẻ ở Ấn Độ hôn mê nhưng không sốt, triệu chứng thường gặp ở người bị bệnh truyền nhiễm. Lượng bạch cầu trong máu cũng không cao như trường hợp cơ thể đang phải chống chọi với bệnh truyền nhiễm.
Trong khi đó, những đứa trẻ mắc bệnh thường có lượng đường trong máu thấp và mất cân bằng về trao đổi chất.
Sau khi để ý đến độc chất trong quả vải từ năm 2015, các nhà khoa học khuyến cáo các gia đình Ấn Độ hãy cho con mình ăn bữa tối đầy đủ và hạn chế ăn vải. Hai mùa hè sau đó, số ca nhiễm bệnh ở Ấn Độ đã giảm từ hàng trăm trẻ xuống còn chưa đầy 50.