Bí ẩn thanh kiếm của người khổng lồ trong mộ cổ Nhật Bản
Thanh kiếm sắt dài đến 2,37 m và chiếc gương đồng hình khiên khác thường được tìm thấy cạnh quan tài gỗ tồn tại từ khoảng thế kỷ 4.
Thiên Trang (TH)
Xem toàn bộ ảnh
Trung tâm Nghiên cứu Tài sản Văn hóa Bị chôn vùi của thành phố Nara và Viện Khảo cổ Kashihara tỉnh Nara công bố những phát hiện mới thú vị và chưa từng có hôm 25/1. Những phát hiện này gồm gương đồng hình khiên và thanh kiếm sắt ngoại cỡ được tìm thấy tại gò chôn cất kofun Tomiomaruyama. Đây là gò chôn cất kofun hình tròn lớn nhất Nhật Bản, tồn tại từ nửa sau thế kỷ 4.
Trung tâm Nghiên cứu Tài sản Văn hóa Bị chôn vùi của thành phố Nara bắt đầu khai quật Tomiomaruyama từ năm 2018. Năm nay, nhóm chuyên gia khai quật một phần của kofun gọi là "tsukuridashi" - phần nhô ra ở giữa gò chôn cất - và tìm thấy quan tài gỗ dài 5 m.
Họ cũng phát hiện thanh kiếm sắt và chiếc gương đồng trong lớp đất sét bao phủ quan tài. Đây là lần đầu tiên một chiếc gương đồng hình khiên được tìm thấy tại một địa điểm khảo cổ ở Nhật Bản.
Chiếc gương khắc những hoa văn phức tạp ở mặt sau và được các chuyên gia ca ngợi là một kiệt tác đồ đồng từ Thời kỳ Kofun (thế kỷ 3 - 7). Nó dài khoảng 64 cm và rộng khoảng 31 cm. Gương đồng tại các địa điểm khảo cổ thường hình tròn, nhưng chiếc này lại hình khiên.
Phần giữa của mặt sau chiếc gương được thiết kế nhô lên để cầm nắm được. Hai bên phần nhô lên này là hai họa tiết hình tròn. Các họa tiết này giống với hình khắc trên Daryukyo - loại gương cổ được sản xuất tại quần đảo Nhật Bản vào Thời kỳ Kofun.
Vì lý do này, các chuyên gia đặt tên cho phát hiện mới là "Gương đồng hình khiên Daryumon". Nó sở hữu bề mặt lớn nhất trong số những gương đồng được khai quật tại các địa điểm khảo cổ Nhật Bản. Trước đó, kỷ lục này thuộc về chiếc gương tại khu di tích Hirabaru, tỉnh Fukuoka, với đường kính 46,5 cm.
Thanh kiếm khai quật tại kofun Tomiomaruyama dài 2,37 m, rộng 6 cm. Nó thuộc loại kiếm dakoken với lưỡi hơi cong giống như rắn. Đây là thanh kiếm lớn nhất còn nguyên vẹn được phát hiện tại một địa điểm khảo cổ ở Nhật Bản. Theo các chuyên gia, thanh kiếm là công cụ mang tính nghi thức để xua đuổi ma quỷ, không phải vũ khí thật do kích thước quá lớn
Toàn bộ gò mộ cổ có đường kính lên tới 86m, cao tới 10m, cho thấy người nằm trong đó là một nhân vật quan trọng. Ngoài hai bảo vật kỳ lạ trên còn có nhiều đồ tùy táng khác trong mộ, bao gồm các loại đồ đồng, gương trang trí hình các vị thần và động vật, đồ dùng hàng ngày và các nông cụ.
Các nhà nghiên cứu cho rằng thanh kiếm và chiếc gương đồng này không phải để người được chôn cất sử dụng, mà được tạo ra với mục đích nghi lễ, bởi rõ ràng chỉ một người khổng lồ trong truyền thuyết mới nhấc nổi thanh kiếm lớn như vậy.
Các thanh kiếm dakoken cũng liên quan đến tín ngưỡng thờ rắn cổ xưa - được thể hiện qua lưỡi uốn cong giống hình con rắn. Trong trường hợp này, nó và chiếc gương có thể xuất hiện với mục đích xua đuổi ma quỷ.
Chiếc quan tài gỗ vẫn chưa được mở ra, nhưng các nhà khoa học khá tin rằng những thứ bên trong vẫn còn nguyên vẹn vì không có bằng chứng về việc trộm mộ.
Nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi Trung tâm nghiên cứu Di sản văn hóa chôn cất TP Nara - nơi khai quật được ngôi mộ - và Viện khảo cổ học Kashihara của tỉnh Nara - nơi hỗ trợ khai quật - đang tiếp tục tìm hiểu các chi tiết về ngôi mộ khổng lồ này, bao gồm danh tính vị chủ nhân bí ẩn.
>>>Xem thêm video: Câu chuyện về những cổ vật dưới lòng sông Hương (Nguồn: VTV1).