Bị F-22 Mỹ áp sát, Nga xuất kích dàn "Gấu bay" Tu-142 đáp trả
Sự kiện huy động cùng lúc 7 máy bay tuần tra chống ngầm hạng nặng Tu-142 tới khu vực hoạt động của hạm đội Mỹ được xem như lời đáp trả đanh thép của Nga, sau khi bị F-22 đối phương áp sát.
Theo Bạch Dương/ANTĐ
Xem toàn bộ ảnh
Hôm 27/6, báo chí Nga cáo buộc rằng, máy bay tuần tra chống ngầm tầm xa Tu-142 của họ khi đang hoạt động trong không phận quốc tế đã bất ngờ bị các tiêm kích F-22 của Mỹ và F-16 của Na Uy chặn lại, địa điểm không phận sát biên giới Nga.
Trước đó, tiêm kích tàng hình thế hệ năm F-22 của Mỹ không được nhìn thấy ở khu vực này và đối với không quân Nga, họ chắc chắn đã bị bất ngờ, gây ra nhiều câu hỏi liên quan đến năng lực cảnh báo sớm của các trạm radar.
"Các máy bay chiến đấu Mỹ và Na Uy đã kèm sát máy bay chống ngầm Tu-142 của Nga bay qua biển Barents và biển Na Uy", RIA Novosti thông báo sau khi tham khảo dịch vụ báo chí của Bộ Quốc phòng Nga.
Phía Nga cho rằng chuyến bay diễn ra vào ngày 27/6 tuân thủ theo quy định sử dụng không phận quốc tế, máy bay Nga không vi phạm biên giới của các quốc gia khác.
"Trong một số hành trình của tuyến đường, Tu-142 được hộ tống bởi biên đội tiêm kích F-16 của Na Uy cũng như F-22 của Mỹ", trang Lenta.ru nói rõ thêm.
"Trong thời gian gần đây, máy bay quân sự của Mỹ ngày càng tiếp cận sát biên giới Nga, điều này gây ra mối lo ngại rất nghiêm trọng và buộc chúng tôi phải có hành động đáp trả".
"Không quân Nga đã điều chiến đấu cơ lên bầu trời để chặn máy bay ném bom chiến lược và máy bay trinh sát của Mỹ", dịch vụ báo chí của bộ Quốc phòng Nga cho biết.
Trong diễn biến khác, sáng ngày 29/6, ít nhất 7 máy bay chống ngầm tầm xa Tu-142 đã tiến về biên giới Mỹ, dường như biên đội đã mô phỏng thực hiện một cuộc tấn công lớn nhằm vào hạm đội Mỹ.
Việc gửi cùng lúc 7 máy bay chống ngầm tầm xa Tu-142 tới các khu vực của hạm đội Mỹ là một sự kiện độc đáo, trong khi các chuyên gia nhận thấy hàm ý rất quan trọng trong hành động như vậy của quân đội Nga.
"Sau khi vượt qua biển Barents và biển Na Uy, 3 máy bay chống ngầm Tu-142MK đã tiếp tục hành trình của mình. Trên một số đoạn của tuyến đường, họ đi cùng với các máy bay chiến đấu F-16 của Na Uy".
"Trong lúc này, 4 chiếc Tu-142MK khác đi vòng quanh vùng biển trung lập ở Bắc Thái Bình Dương, biên đội được hộ tống bởi các máy bay chiến đấu F-22 của Mỹ", Avia-pro cho biết.
Một trong những lý do để gửi số lượng lớn máy bay chống ngầm có thể là nhằm minh chứng cho sức mạnh và quyết tâm của Nga trong việc thực hiện các cuộc tấn công chống lại hải quân Mỹ.
Trên thực tế, quân đội Nga đã thể hiện sự sẵn sàng tiến hành một cuộc tấn công bất ngờ vào tàu chiến Mỹ, và hành động như vậy có thể liên quan đến sự khiêu khích liên tục của hàng không chiến lược Mỹ gần biên giới Nga.
Dự báo trong tương lai gần, những vụ việc đáp trả qua lại lẫn nhau giữa Mỹ và Nga vẫn sẽ diễn ra với tần suất dày đặc không thua gì thời kỳ đỉnh cao của chiến tranh Lạnh.