Bị gọi là “điên” khi trồng sim dại, đầu vụ đã thu 20 triệu/ngày
Bị gọi là “điên” khi phá 2ha rừng keo để trồng sim dại, nhưng ngay vụ đầu tiên, anh nông dân Phan Thanh Nhàn ở Quảng Bình đã thu hơn trăm triệu đồng…
Mới sau hơn 1 năm trồng, những ngày này vườn sim dại rộng hơn 2ha của anh Phan Thanh Nhàn đã cho thu hoạch vụ đầu tiên. Anh Nhàn cho biết, đây mới là vụ thu hoạch đầu tiên nên cây sim cho quả chưa như ý muốn. Tuy vậy, 5 ngày qua gia đình anh cũng tập trung thu được hơn 5 tạ quả.
|
Thu hoạch sim tại vườn sim anh Nhàn. |
Quả sim hiện có giá giao động từ 20.000-25.000 đồng/kg, 5 ngày qua anh Nhàn đã thu về hơn 10 triệu đồng, trong khi đó vườn sim của anh Nhàn phải thu hoạch đến hơn 1 tháng nữa mới hết quả. “Mới vụ đầu tiên nên cây sim cho quả chưa nhiều, nhưng tính ra nếu thu hoạch hết thì vụ sim này tui cũng thu được trên dưới 100 triệu đồng, bằng tiền thu hoạch 2 ha keo, trong khi cây keo phải hơn 5 năm mới cho thu hoạch.” – Anh Nhàn chia sẻ.
|
Vườn sim của anh Nhàn mới thu hoạch vụ đầu nhưng đã "lúc nhúc" quả (ảnh: Phan Phương). |
Hiện mỗi ngày anh Nhàn thu hoạch được hơn khoảng 1 tạ quả (ảnh: Phan Phương)
Còn nhớ cách một năm trước, khi anh Nhàn mới bắt đầu phá vườn keo để trồng sim, nhiều người dân ở xã Quảng Tiến mắt tròn, mắt dẹt bảo anh Nhàn “điên” khi không lại đi đào sim dại về trồng. Mặc kệ những lời đàm tiếu, anh Nhàn vẫn bỏ tiền làm đất, thuê người lên đồi, vào rừng đào sim dại về trồng ở 2ha đất vừa phá vườn keo. “Công việc trồng sim lúc đầu cũng không dễ dàng gì. Do là cây dại, trước đó chưa có ai ươm giống sim, nên tôi phải thuê người đi đào cây sim ngoài tự nhiên về trồng nên tốn công, tốn của. Để cây sim sống được, phát triển nhanh tôi phải trả công cao để người làm công lúc đi đào sim giống phải bứng được cả bầu đất. Cây sim ngoài tự nhiên bây giờ cũng không còn nhiều, phải đi nhiều nơi, bứng nhiều chỗ mới đủ lượng sim giống đem trồng. Để trồng được 2ha sim (khoảng 2 vạn gốc) ban đầu, vợ chồng tôi phải bỏ vào đó hơn 200 triệu đồng, chưa kể công chăm sóc, tưới tắm…” – anh Nhàn nhớ lại.
Ngày đó, khi nghe tin anh Nhàn phá rừng keo để trồng sim dại, phóng viên Dân Việt đã về xã Quảng Tiến để tìm hiểu. Ngày đó, nhìn vườn sim dại mới trồng, cây sim mới vừa nứt nhánh, khẳng khiu giữa cái nắng bỏng rát; thú thật cũng giống như nhiều người dân khác, chúng tôi không mấy tin tưởng lắm. Thế nhưng hôm nay trở lại thăm vườn sim của anh Nhàn đúng vào vụ thu hoạch, chúng tôi không khỏi khâm phục. Những bụi sim khẳng khiu ngày nào đã đẻ nhánh um tùm, cao nữa người lớn. Từ những nhánh cây là lúc nhúc quả sim vừa chín mọng, vừa xanh ươm nhìn rất thích mắt. Bất chợt, ký ức tuổi thơ với những ngày chăn trâu, cắt cỏ trên những đồi sim tím ngày nào lại ùa về…
Theo anh Nhàn, thực tế cây sim rất dễ chăm sóc, chỉ bón phân nhẹ, tưới nước là đã cho ra trái to, đều và mật sim nhiều hơn. Cây sim khi đã trồng sống thì cứ ung dung thu hoạch hằng năm, bởi khi cây sim già cỗi, trái ít, chỉ cần cắt nhánh, sim sẽ vươn chồi trở lại thành một gốc sim sung mãn. Nếu đủ phân bón, sim sẽ cho trái quanh năm. Đặc biệt, ở dải đất miền Trung, với các cây trồng khác như keo, cao su… người dân lo ngay ngáy vì sợ bão quật gãy thì cây sim chắc chắn sẽ không hề hấn gì vì nó là cây bụi thấp. “Với vườn sim của tui, chắc chắn sẻ cho thu nhập ngày càng cao trong những năm tiếp theo, trong khi không cần phải đầu tư thêm công chăm sóc…” – anh Nhàn nói.
Về đầu ra của quả sim, anh Nhàn cho biết, hiện anh đang làm đại lý đứng ra thu mua sim ở vùng Quảng Bình, Quảng Trị và Hà Tĩnh cho người bạn ở TP.HCM để làm nguyên liệu sản xuất rượu vang. Những năm qua, mỗi vụ sim rừng anh thu mua hàng trăm tấn sim của bà con khắp vùng đi hái về. Nhu cầu thực tế rất lớn, tuy nhiên, lượng sim trong tự nhiên ngày càng khan hiếm vì diện tích đất hoang hóa ngày càng bị thu hẹp, người dân khai khoang để trồng các loại cây trồng khác…Vì thế trồng sim, anh Nhàn không lo lắng về khâu tiêu thụ.