Có mặt tại phiên tòa xét xử vụ án “giết người” ngày 15/9/2016, nhiều người không khỏi đau lòng trước việc bị cáo Nguyễn Thị Sự (SN 1972, ngụ thôn Dược Hạ, xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) sát hại con trai mới được 11 tuổi.
Nhưng quá trình xét xử, nghe bị cáo tâm sự trong nước mắt về hoàn cảnh gia đình, sự bế tắc của người mẹ giết con, nhiều người lại xót xa. Suốt quá trình HĐXX thẩm vấn, bị cáo chỉ khóc rồi quay lại phía hàng ghế người thân xin lỗi.
Suốt quá trình HĐXX thẩm vấn, bị cáo chỉ khóc rồi quay lại phía hàng ghế người thân xin lỗi. |
Bi kịch nợ nần
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo khó có năm anh em, Sự là con út. Năm 1989, Sự lấy chồng và sinh được hai người con. Tuy nhiên, vợ chồng thường xuyên mâu thuẫn. Tình duyên đứt gánh, người phụ nữ về ở trên mảnh đất được mẹ đẻ để lại mà không có công việc ổn định.
Sau một thời gian, Sự “rổ rá cạp lại” với một người đàn ông đã có vợ. “Gia đình tôi rất quý chú ấy. Cả hai sinh được hai cháu, một trai, một gái. Nhưng năm 2012 chú ấy phát hiện mắc bệnh tiểu đường, sau hai năm thì mất”, anh trai bị cáo cho biết.
Thời gian chồng ốm đau, mọi việc trong gia đình đều đổ lên vai Sự. Không có tiền chạy chữa, người phụ nữ phải vay nợ khắp nơi, thậm chí cả “tín dụng đen”. “Trước đó gia đình có vài sào ruộng nhưng không biết Sự làm ăn như thế nào mà lâm vào nợ nần phải bán hết trả nợ.
Được mẹ chia cho mảnh đất cô ấy cũng phải bán đi một phần trả nợ. Sau này cô ấy lại “dính” vào cho vay nặng lãi. Sự nói vay bốn lần mỗi lần 10 triệu, nhưng đến tháng 12/2015 số nợ lên tới 600 triệu đồng”, anh trai bị cáo kể tiếp.
Người chồng thứ hai qua đời để lại khoản trợ mấy trăm triệu lên vai. Trong khi chủ nợ liên tiếp đến đòi tiền khiến người phụ nữ vốn cùng quẫn càng thêm bế tắc. Bế tắc kéo dài khiến góa phụ nảy ra ý định giết con rồi tự tử để cả gia đình được “đoàn tụ nơi suối vàng”.
Tại tòa, bị cáo nghẹn giọng cho biết do con gái còn nhỏ nên Sự tâm sự với cậu con trai 11 tuổi là Nguyễn Chiến Thắng (SN 2004): “Nhà mình giờ chẳng còn gì, nhà cũng sắp bị người ta lấy mất. Vì vậy ba mẹ con mình chết để được ở bên nhau. Ngộ nhỡ mẹ có làm điều gì không phải, con hãy tha thứ cho mẹ”, lời khai của bị cáo.
Lúc này, đứa trẻ chỉ biết ôm mẹ rồi cả hai đều khóc. Đến đầu tháng 12/2015, các chủ nợ ráo riết đến nhà thúc ép trả tiền khiến ba mẹ con Sự phải ở lì trong nhà và khóa chặt cửa trốn tránh. Thời gian này mặc dù được người thân động viên trả nợ dần dần nhưng người đàn bà quẫn trí lúc nào cũng chỉ nghĩ đến cái chết.
Đến ngày 14/12, Sự đi mua hai viên thuốc ngủ rồi đưa cho con trai uống. Còn con gái nhỏ, người mẹ nhờ hàng xóm đưa đi học giúp. Ôm cậu con trai vào lòng, người mẹ tâm sự như lần trước:
“Ở trên này ba mẹ con mình cùng sống, xuống dưới kia ba mẹ còn mình cũng sống với nhau. Con đi trước, mẹ lo hậu sự cho con xong, mẹ và em Thúy sẽ xuống gặp con. Mẹ chỉ muốn tốt cho các con thôi”. Đáp lại, cậu bé chỉ ôm mẹ khóc.
Nước mắt cậu con trai không ngăn được ý định dại dột của mẹ. Sự dùng tay đánh liên tiếp vào gáy con trai. Thấy đứa bé bỏ chạy, người mẹ ôm lại rồi nằm đè lên người con và tiếp tục đánh vào đầu.
Cháu Thắng theo phản xạ dùng tay cào vào cổ mẹ làm trầy xước, sau đó Sự buông con ra. Nhưng sau đó Sự lại đánh con đến ngất lịm rồi lấy chăn trùm kín đến khi con không thở nữa thì bỏ chăn ra, để như trong tư thế như đang ngủ.
Đến 17h cùng ngày, Sự đến trường đón con gái về. Sau đó người mẹ dọn nhà vờ như chưa biết chuyện gì và bảo con gái vào gọi anh dậy ăn cơm. Bé gái vào giường sờ thấy anh trai bất động sợ hãi hét lớn.
Một lúc sau, Sự gọi điện cho chị gái báo tin con trai chết. Khi người thân đến, người mẹ nói dối con bị ngã trên lớp học và cố tình đưa con đi cấp cứu dù biết cháu bé đã tắt thở. Kết quả giám định sau đó kết luận cháu Thắng tử vong do ngạt cấp.
Luật sư cũng nghẹn giọng không nói nên lời
“Chúng tôi không bao giờ nghĩ Sự dám giết con. Vì vậy khi em gái nói cháu bị ngã ở trường, gia đình rất bức xúc. Tôi thấy người cháu còn ấm nên đưa nó đến bệnh viện với suy nghĩ “còn nước còn tát”. Đến viện, bác sĩ nhận thấy nhiều dấu hiệu bất thường đã báo tin cho công an huyện Sóc Sơn”, người thân bị cáo cho hay.
Tại phiên tòa, người anh trai xác nhận lời khai của bị cáo Sự về việc đang vay một khoản tiền lớn. “Khi Sự bị bắt có một người phụ nữ đến thuyết phục tôi trả nợ thay em khoản tiền hơn nửa tỷ đồng. Người này cũng xác nhận cô ấy cho vay bốn lần.
Nhưng “lãi mẹ đẻ lãi con”, tính tổng lên tới 600 triệu. Giờ chỉ biết cố gắng nuôi cháu chứ khoản tiền này tôi làm gì có mà trả”, anh trai bị cáo trả lời.
Luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng Sự rơi vào cảnh túng quẫn mới có ý định sát hại con. Áp lực nợ nần, túng quẫn cộng với nghèo đói khiến người mẹ mất lý trí. Nói đến đây, vị luật sư nghẹn giọng không nói lên lời.
Được HĐXX nói lời sau cùng, bị cáo nói trong nước mắt: “Bị cáo ân hận và chẳng còn gì nữa. Mong tòa xem xét để bị cáo sớm được trở về nuôi đứa con còn lại”.
Sau giờ nghị án, xét hoàn cảnh, nguyên nhân, động cơ phạm tội của bị cáo, HĐXX tuyên phạt Nguyễn Thị Sự 18 năm tù giam.
PVN đã tìm về nơi gia đình bị cáo sinh sống với nỗi day dứt liệu sự thật có đúng như lời bị cáo khai? Nhà bị cáo nằm sâu trong con ngõ nhỏ ngoằn ngoèo. Căn nhà trước đây là tổ ấm của gia đình Sự nhưng nay trở nên vắng lặng, lạnh lẽo.
Người thân xác nhận tất cả những gì Sự khai là thật. Từ khi xảy ra sự việc đau lòng trên, căn nhà gần như bỏ hoang. Hiện con gái út bị cáo đang học lớp 4 và được gia đình bác ruột chăm sóc: “Từ trước tới nay chúng tôi không dám cho cháu biết sự thật việc anh trai bị mẹ giết”.
Anh trai bị cáo cho biết bị hại là đứa trẻ ngoan ngoãn, nhiều năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi của trường. Những ngày mẹ vắng nhà, Thắng chăm sóc cho em gái chu đáo. Trước khi sự việc xảy ra, Sự có tâm trạng chán chường, mọi người chỉ biết động viên.
Người anh trai cho biết, bị đưa ra xét xử, Sự chỉ khóc xin lỗi gia đình và mong mọi người cưu mang con: “Tôi chỉ dám nói với mẹ là cô ấy bị tuyên 10 năm tù. Bà vẫn còn hi vọng được nhìn thấy con gái trở về dẫu biết niềm mong mỏi ấy khó mà thành sự thật”, anh trai bị cáo thở dài.