Bí kíp kiêng kỵ... giữ tài lộc năm mới

Tại sao 3 ngày Tết không được quét nhà?

Cả người Việt lẫn người Trung Quốc đều có tục kiêng quét nhà trong 3 ngày Tết Nguyên đán. Người Trung Quốc lý giải tục lệ này bằng một câu chuyện: Xưa có vị thương gia tên là Âu Minh, được vị thủy thần cho một a hoàn tên là Như Nguyệt. Từ hồi có a hoàn này, chuyện buôn bán của Âu Minh lên như diều gặp gió, gia tư ngày càng giàu có ức vạn. Một hôm đúng mồng 1 Tết, Âu Minh đánh đập Như Nguyệt tàn tệ vì một lỗi nhỏ, khiến cô a hoàn sợ quá bỏ chạy, rồi chui vào đống rác và biến mất. Kể từ đó, chuyện làm ăn của Âu Minh cứ sa sút dần rồi cuối cùng phá sản, bởi Như Nguyệt chính là “thần tài” của ông ta đã bị ông ta đánh đuổi đi mất. Vì cô gái đó chui vào đống rác vào đúng ngày Nguyên đán nên từ đó, người ta kiêng quét rác, đổ rác trong dịp Tết.

Câu chuyện của người Việt về tục kiêng này ly kỳ và nhân văn hơn rất nhiều: Hồi xưa trên thiên đình có một người đàn bà rất khéo tay nên được Ngọc Hoàng cho phụ trách thiên trù – nhà bếp của trời. Bà này có tình ý với ông lão chăn ngựa của thiên đình nên thường lấy cắp đồ ngự thiện – vốn chỉ dành cho Ngọc Hoàng – cho người tình ăn. Một hôm, Ngọc Hoàng mở đại tiệc, bà đầu bếp đang bận tíu tít thì nghe tiếng hát đánh tiếng đòi ăn của ông lão chăn ngựa, bèn đem lão vào giấu ở một góc, định lát nữa sẽ mang ít đồ ăn cho lão đánh chén. Không ngờ, lão chăn ngựa ngửi thấy mùi đồ ăn thơm phức, nổi cơn thèm, bèn sờ soạng trong bóng tối, giở các lồng bàn ra bốc ăn vô tội vạ. Khi các mâm cỗ đó được bưng lên tiệc, Ngọc Hoàng nổi giận vì biết có người đã đụng vào, bèn nổi cơn thịnh nộ, tra xét ra tội của người đàn bà nọ. Ngài trừng phạt bà ta phải xuống trần làm kiếp chổi, suốt đời phải la liếm những thứ bẩn thỉu nhất. Về sau, thấy mụ chổi khẩn thiết kêu ca là cả năm phải làm việc khổ cực không nghỉ, Ngọc Hoàng thương tình liền cho nghỉ vào 3 ngày Tết.
Thực ra, do tâm lý “vụ lợi”, người ta kiêng quét nhà trong mấy ngày Tết thường là vì sợ mất tài lộc hơn là vì cho “mụ chổi” nghỉ ngơi.
Những kiêng kỵ để giữ tài lộc khác trong năm mới
Để làm ăn phát tài, tránh làm hao tài tán lộc, người Việt còn có nhiều kiểu kiêng cữ khác trong những ngày đầu năm âm lịch:
Kiêng làm mất chổi: Tục lệ này phổ biến hơn ở Nam bộ, theo đó sau khi đã quét dọn xong lần cuối của năm cũ, người ta cất hết chổi đi vì nếu để mất chổi trong những ngày đầu năm mới thì năm đó dễ bị trộm vét sạch tài sản.
Kiêng cho mượn kim chỉ: Kim chỉ tượng trưng cho sự êm ấm và vượng khí trong gia đình. Nếu cho mượn kim chỉ thì chẳng khác gì đem vượng khí của nhà mình đi cho người khác, gia đình sẽ lục đục và không may mắn về tiền bạc. Người Việt xưa khi bị mượn kim chỉ vào năm mới được “giải đen” bằng cách đốt vía theo chân người mượn bằng 7 hoặc 9 que đóm tùy theo giới tính của người đó, kèm theo câu “đốt vía đốt van, vía lành thì ở, vía dữ thì đi”, rồi vứt tàn đóm ra ngõ.
Kiêng may vá: Việc may vá trong năm mới được cho là khiến cho người ta phải vất vả khổ sở cả năm mà vẫn phải chịu cảnh thiếu trước hụt sau, giật gấu vá vai.


Kiêng cho lửa, cho nước: Ngọn lửa hồng tượng trưng cho may mắn, thuận lợi, vì thế nếu cho lửa đầu năm sẽ khiến gia chủ mất hết vận may, làm ăn thua lỗ, dễ gặp tai bay vạ gió. Còn nước được ví với tài lộc (tiền vô như nước) nên việc cho nước cũng dẫn đến hao tài. Chẳng những giữ khư khư, người ta còn múc nước đổ đầy các chum vại trước khi sang năm mới, tránh bị hết nước trong mấy ngày đầu xuân. Thậm chí ngày xưa, những nhà khá giả còn thuê người gánh nước đến nhà mình vào sáng mùng 1 Tết, và mừng tuổi cho người đó để cả hai đều gặp vận hên.
Kiêng vay mượn - cho vay mượn, đòi nợ và trả nợ: Việc vay hay cho vay tiền bạc, mượn hay cho mượn đồ đạc trong dịp Tết đều được coi là đem lại rủi ro cho cả hai bên. Người cho vay mượn thì sẽ mất tài lộc, còn người vay mượn sẽ lâm cảnh túng thiếu hoặc nợ nần quanh năm. Việc đòi nợ và trả nợ cũng vậy. Để tránh điều này, người ta thường cố gắng đòi nợ và trả nợ cho xong trong những ngày cuối cùng của năm cũ. Nếu không trả được, con nợ cũng phải có lời khất với chủ nợ, hẹn qua những ngày đầu năm sẽ trả.
Những tục lệ kiêng cữ vào ngày Tết này tuy đã rất lâu đời nhưng vì có liên quan đến tài lộc nên đến nay vẫn được người Việt tuân thủ kỹ lưỡng. Ngày nay, chẳng ai phải đi xin lửa, xin nước hay mượn kim chỉ trong những ngày đầu năm, nên hầu như người ta không phải lo về điều này. Nhưng việc kiêng quét nhà, trả nợ, đòi nợ, vay và cho vay tiền, mượn và cho mượn đồ đạc… vẫn luôn được lưu ý, để có một năm mới dồi dào tài lộc, “tiền vô như nước sông Đà, tiền ra nhỏ giọt như cà phê phin”.


TIN BÀI LIÊN QUAN

BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU

Tin mới