Bí kíp 'thần thánh' giúp tiết kiệm điện trong mùa hè hiệu quả
Chẳng cần phải lo hóa đơn tiền điện cứ tăng vèo vèo nhờ những mẹo "nhỏ mà có võ" dưới đây nhé.
Điều chỉnh nhiệt độ phòng phù hợp khi dùng điều hòa
Nhiệt độ tốt nhất cho căn phòng là từ 25-27 độ C và nên giữ ổn định suốt quá trình sử dụng. Theo nghiên cứu, nếu giảm nhiệt độ xuống 5 độ C, máy lạnh tiêu tốn thêm tới 40% điện năng, và bạn cũng nên sử dụng cả quạt để lưu thông không khí tốt hơn, qua đó giảm tải bớt cho máy điều hòa.
Trong khi ngủ bạn sẽ không cần nhiệt độ phải lạnh như lúc bạn thức. Bởi vậy, hãy điều chỉnh máy lạnh ở nhiệt độ vừa phải tầm từ 25 - 29 độ khoảng 1 - 2 tiếng trước khi đi ngủ, nhờ đó máy lạnh sẽ phải hoạt động ít hơn và tốn ít điện năng hơn.
|
Ảnh minh họa. |
Sử dụng máy lạnh có công suất phù hợp với diện tích phòng
Chọn chiếc máy lạnh có công suất phù hợp với diện tích (hay thể tích) cho căn phòng của bạn, việc này giúp đảm bảo khả năng làm mát của máy lạnh, đồng thời giúp bạn tối ưu được lượng điện năng tiêu thụ.
Đóng kín cửa khi sử dụng máy lạnh
Nếu khi sử dụng máy lạnh mà bạn để cửa mở thì khí lạnh sẽ bị thoát ra ngoài, nhiệt độ bên ngoài sẽ tác động đến nhiệt độ trong phòng, do đó máy lạnh sẽ phải hoạt động nhiều hơn và tốn rất nhiều điện.
Do đó, hãy đảm bảo rằng cửa phòng được đóng kín khi bật máy lạnh, giúp tăng tuổi thọ cho máy và tiết kiệm chi phí tiền điện hàng tháng cho gia đình bạn. Bên cạnh việc đóng kín cửa, bạn có thể sử dụng các tấm vải để làm kín các khe hở bên dưới cửa để chắn chắc rằng hơi lạnh không bị thất thoát quá nhiều.
Vệ sinh các thiết bị điện thường xuyên
Vệ sinh điều hòa, quạt máy... cũng là một trong những công việc đáng lưu tâm, vì có rất nhiều người do bận rộn đã vô tình quên đi công việc tưởng chừng như vô cùng đơn giản này. Hệ quả là máy điều hòa hoặc quạt bị giảm đáng kể hiệu năng, chạy tốn điện hơn, và cũng nhanh hỏng hóc.
Rút nguồn các thiết bị điện tử khi không sử dụng
Theo thống kê, rất nhiều thiết bị điện tử như máy tính, TV, dàn âm thanh,... vẫn sử dụng điện năng ngay cả khi đã tắt. Tuy con số này là không cao, nhưng hãy tính đến việc chúng tiêu tốn của bạn 24 giờ mỗi ngày và 7 ngày mỗi tuần trong suốt một thời gian dài.
Để hạn chế điều này, hãy rút nguồn tất cả các thiết bị mà bạn không còn sử dụng, bao gồm cả những đồ vật mà chúng ta ít để ý tới như laptop, smartphone, iPad, quạt điện tử, lò vi sóng, và những thiết bị có bộ đếm giờ nói chung.
Giặt là
Nếu bạn hay sấy quần áo, nên để cho máy nghỉ chế độ này trong những tháng mùa hè và phơi đồ ngoài trời. Không chỉ tiết kiệm năng lượng, ánh nắng mặt trời sẽ giúp khử trùng quần áo và làm đồ trắng trắng hơn.
Nếu bạn chỉ vắt khô nên giảm nửa thời gian so với thông thường để giảm nửa mức tiêu hao năng lượng. Ví dụ, nếu bạn thường đặt thời gian 5 phút để vắt, bạn có thể giảm xuống còn 2,5 hay 2. Trong mùa nóng, bạn có thể phơi quần áo ướt sũng vào buổi trưa và tới tối chúng vẫn khô.
Tắt bớt bóng đèn điện, hạn chế ánh nắng chiếu trực tiếp vào phòng
Nếu muốn giảm bớt hóa đơn điện vào những tháng cao điểm, không điều gì hiệu quả hơn chính ý thức của người dân, khi chúng ta nên có trách nhiệm với các thiết bị điện trong nhà. Hãy tắt đồ điện tử khi không sử dụng, tắt bớt đèn khi trời sáng, tắt quạt và điều hòa vào sáng sớm để tận dụng gió mát đầu ngày. Bên cạnh đó, các hộ gia đình cũng nên lưu ý việc che chắn cho căn phòng của mình vào những ngày nắng nóng.
Mở tủ lạnh nhanh tay, và lưu ý khi đóng
Một trong những lưu ý nữa đó là hãy nhanh tay mỗi khi mở tủ lạnh, vì tủ lạnh trong những ngày nắng nóng rất nhanh bị mất hơi lạnh khi mở. Và sau đó sẽ phải "gồng" lên hoạt động nhằm bù lại mức nhiệt độ yêu cầu.
Bên cạnh đó, cần lưu ý đóng khít cánh cửa tủ và tuyệt đối tránh để hở. Lý do là vì nếu không kín, tủ lạnh sẽ phải hoạt động với hiệu suất cao liên tục, chóng hỏng hơn, lại gây đóng băng lên các khe kẽ, mấu nối khiến cho việc sử dụng trở nên rất khó khăn.